Sức sống của Nghị quyết Trung ương 6
Chính trị - Ngày đăng : 12:42, 27/07/2018
Hiện nay, khắp nơi trong cả nước nói chung, Hải Dương nói riêng đang thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII): “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Thực tế cho thấy trong những năm qua, Đảng ta ban hành và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, nghị quyết về xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hệ thống chính trị cơ bản ổn định, phù hợp với Cương lĩnh và Hiến pháp; bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần quan trọng vào những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, như Nghị quyết đã nêu: tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả chưa cao; việc công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình còn hạn chế. Cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính chuyển biến chậm, không đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu. Số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước rất lớn; chính sách tiền lương còn bất cập... Để giải quyết những hạn chế đó, vấn đề đặt ra là chúng ta phải nhanh chóng tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; giảm chi thường xuyên và góp phần cải cách chính sách tiền lương.
Với quan điểm quán triệt sâu sắc Nghị quyết Trung ương 6, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo chặt chẽ, sát sao các cấp ủy đảng trong hệ thống chính trị của tỉnh khi triển khai thực hiện Nghị quyết trên. Bởi thế, đến tháng 5.2018, Hải Dương đã tinh giản được 247 biên chế hành chính so với năm 2015; riêng những tháng đầu năm 2018 đã tinh giản được 169 biên chế so với năm 2017. Các đơn vị sự nghiệp công lập đã tinh giản được 2.026 biên chế so với năm 2015. Việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy của tổ chức chính trị cấp xã bước đầu đã giảm được khoảng 40% số cán bộ không chuyên trách ở cấp xã, thôn, khu dân cư. Các Trưởng Ban Tuyên giáo cấp ủy cấp huyện đồng thời là Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị...
Những con số trên chưa phải là cao so với một số tỉnh, thành phố trong cả nước như Quảng Ninh, Nghệ An, Vĩnh Phúc… nhưng điều đáng nói là chúng ta đã tạo ra được sự chuyển biến thực sự ở các đơn vị cơ sở trong quá trình học tập, triển khai, thực hiện Nghị quyết Trung ương 6. Thực tiễn đã cho thấy tại các đơn vị sự nghiệp công lập - nơi có số lượng biên chế đông, có nhiều diễn biến phức tạp trong việc tinh giản biên chế đã thể hiện tính chủ động, sáng tạo trong việc tìm kiếm các giải pháp để thực hiện chủ trương của Đảng. Ở những nơi này, hiện tượng “trên nóng - dưới lạnh”, “trên vội vã - dưới thong thả” đã và đang từng bước được khắc phục.
Để thực hiện được mục tiêu đến năm 2021 giảm tối thiểu 10% số biên chế so với năm 2015, các cấp ủy đảng, chính quyền trong hệ thống chính trị của tỉnh cần đầu tư công sức và trí tuệ nghiên cứu sâu nội dung các nghị quyết để tìm ra các giải pháp thực hiện phù hợp với tính đặc thù của địa phương. Trong quá trình triển khai thực hiện nghị quyết cần thống nhất vận dụng quan điểm chỉ đạo theo nguyên tắc: “trên trước, dưới sau”, “trong trước, ngoài sau”, “học đi đôi với làm theo”. Phải nhanh chóng xây dựng các tiêu chuẩn để đánh giá chất lượng công chức, viên chức nhằm chọn lọc được những người có đức, có tài, làm việc có hiệu quả với tinh thần trách nhiệm cao, không để xảy ra tình trạng có người “kém đức, thiếu tài, giỏi quan hệ chạy chọt" tồn tại trong cơ quan, đơn vị. Cần nghiêm túc xử lý những trường hợp ký quyết định tuyển dụng nhân sự trái quy định, vượt chỉ tiêu biên chế; lợi dụng chức vụ, quyền hạn và phân cấp quản lý để tuyển dụng hoặc sa thải, có dấu hiệu trục lợi, “chạy" biên chế...
Để tạo ra sức sống của Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” nói chung, chúng ta cần tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn bộ hệ thống chính trị trong tỉnh, với phương châm kết hợp hài hòa giữa các giải pháp mang tính truyền thống và hiện đại theo tinh thần đổi mới và hội nhập.
TS. PHẠM TRUNG THANH
Chủ tịch Hội Cựu giáo chức tỉnh