Những khúc tráng ca bất tử

Xã hội - Ngày đăng : 14:23, 27/07/2018

Những ngày tháng bảy, đồng bào từ khắp mọi miền Tổ quốc lại trở về khúc ruột miền Trung. Họ về để dâng một nén tâm nhang, để được sống lại một thời hào hùng của cả dân tộc Việt Nam.

Đoàn công tác của tỉnh dâng hương tại khu mộ liệt sĩ người Hải Dương trong Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn

Trời mô xanh bằng trời Can Lộc...

Hà Tĩnh mùa này ngập tràn nắng gió và vòm trời Can Lộc trong xanh vời vợi. Trời trong như ánh mắt, trời xanh như mái tóc của lớp lớp thanh niên ngày nào xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. 

Dưới làn hương trầm vương vấn, hãy lắng nghe cô gái trẻ Hoàng Thị Ánh Mai thuyết minh về sự hy sinh quả cảm của người lính bảo vệ ngã ba Đồng Lộc (thị trấn Đồng Lộc, huyện Can Lộc) - tọa độ chết trên chiến trường Can Lộc. Trong số đó có 10 nữ thanh niên xung phong (TNXP) - 10 đóa hoa trinh liệt đã hóa thân thành những tượng đài.

Các chị Hà, Tần, Rạng, Cúc, Nhỏ, Xuân, Hường, Hợi, Xuân, Xanh - 10cô gái TNXP ngày ấy thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội TNXP55 Hà Tĩnh làm nhiệm vụ canh giữ giao điểm, phá bom, sửa đường thông xe trên chiều dài khoảng 2km từ Cầu Tối trở vào Truông Kén. Trưa24.7.1968, khi tiếng bom vừa dứt, 10 chị trong những bộ quần áo lấm đầy bùn đất vội từ hầm trú ẩn lao ra trận địa để san đường, gạt lối cho từng đoàn xe vận tải vào Nam. Bữa ăn cuối cùng 10 chị em không có gạo/Nắm mì luộc chia nhau rồi vác cuốc ra đường. Đến 16 giờ, trận mưa bom thứ mười lăm của ngày 24.7 dội xuống khiến tất cả các chị hy sinh. Những cô gái tuổi từ 17 đến 24 ấy thác vào lòng đất khi chưa ai kịp lập gia đình. Dù "Chưa kịp bước chân về phía hòa bình" nhưng các chị đã thành bất tử, bởi "Năm mươi năm qua không ai thêm một tuổi"…

Trong chiến tranh chống Mỹ, tất cả con đường trên bộ từ Bắc vào Nam đều phải đi qua ngã ba Đồng Lộc. Với vị trí chiến lược đặc biệt đó mà Đồng Lộc vốn bao đời hiền hòa nép mình dưới dãy Trà Sơn bỗng chốc quặn thắt vì trở thành túi bom, chảo lửa. Tại đây, Mỹ tập trung ném bom hủy diệt nhằm chặt đứt sự chi viện từ miền Bắc vào tiền tuyến lớn miền Nam. Chỉ từ tháng 4 đến tháng 10.1968, Đồng Lộc bị đánh phá 1.863 lần, hứng gần 50.000 quả bom đào, bom phá, bom bi, bom từ trường, bom nổ chậm. Hố bom chồng chất hố bom, không một nhành cây, ngọn cỏ nào sống sót.

Trong dòng người trầm lặng đến Đồng Lộc những ngày này, có 2 cựu công nhân hỏa tuyến từng phục vụ tại chiến trường Đồng Lộc. Sinh sống ngay tại thị trấn Nghèn của huyện Can Lộc nên nay dù đã đều 70 tuổi nhưng các bà Bùi Thị Thơ và Nguyễn Thị Hương vẫn đều đặn vào thăm đồng đội. Bà Thơ đi dân công hỏa tuyến năm 1968, còn bà Hương đi năm1972. "Đồng Lộc bây giờ đổi thay nhiều lắm. Không có mấy ai hình dung được đây từng là chảo lửa của chiến trường Can Lộc. Những người may mắn trở về luôn nhớ những người ở lại", bà Thơ xúc động đưa vạt áo lau vội dòng nước mắt. Còn với bà Hương, dù mưa bom, bão đạn ở chiến trường Đồng Lộc đã lùi xa song bà chưa khi nào thôi nhớ về ngày ấy. Ngày mà hàng vạn chàng trai, cô gái tuổi mười tám, đôi mươi đêm ngày bám trụ ở túi bom Đồng Lộc. Và nhiều người trong số ấy không bao giờ trở lại.

Những dòng người trở về Đồng Lộc đông hơn bởi năm nay kỷ niệm 50 năm Chiến thắng ngã ba Đồng Lộc và tròn 50 năm ngày 10 nữ TNXP hy sinh anh dũng. Bao xương máu mới làm nên Đồng Lộc. Đồng Lộc - mảnh đất thiêng thấm đẫm máu đào. Trong hơn 200 ngày đêm oanh liệt đó (từ tháng 4 đến tháng10.1968), 465 bộ đội, TNXP, công nhân, lái xe, công binh, 1.226 dân quân và nhân dân các xã lân cận chiến trường Đồng Lộc đã mãi mãi yên nghỉ trong lòng đất mẹ. Tại nhà bia trong khu di tích lịch sử ngã ba Đồng Lộc còn khắc ghi hơn 4.000 liệt sĩ TNXP trong cả nước và liệt sĩ TNXP hy sinh tại ngã ba Đồng Lộc, trong đó có 64 liệt sĩ người Hải Dương.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh và đoàn công tác thả hoa trên sông Thạch Hãn tưởng nhớ anh linh các anh hùng liệt sĩ

Những linh hồn bất tử

Được ví như điểm tỳ vai của chiếc đòn gánh trĩu nặng hai đầu giang sơn hình chữ S, Quảng Trị nằm ở giữa khúc ruột miền Trung và có vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng trong các cuộc chiến tranh vệ quốc. Tháng bảy, những người hành hương về mảnh đất này luôn tìm đến Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9 và Thành cổ Quảng Trị - "nơi trú thân của hàng vạn linh hồn bất tử" trong chiến tranh chống Mỹ.

Trong khu mộ 455 liệt sĩ người Hải Hưng (cũ) ở Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, ông Chu Xuân Khuê, ở xã Đồng Than, huyện Yên Mỹ (Hưng Yên) đứng lặng trước mộ phần của người cha - liệt sĩ Chu Xuân Huy. Tháng 2.1961, khi vừa 20tuổi, ông Huy khoác ba lô vào chiến trường Bình Trị Thiên khói lửa mà không hẹn ngày về. Đúng 13 năm sau, ngày 1.7.1974, ông nằm lại chiến trường. "Sẽ có một ngày tôi đưa bố về quê. Năm nào vào đây, tôi đều thắp hương lên từng phần mộ của liệt sĩ Hải Hưng, bởi không phải liệt sĩ nào cũng được thăm nom chu đáo, hoặc có những liệt sĩ mà gia đình không còn ai nữa", ông Khuê xúc động.

Nằm thoai thoải trên khu đồi Bến Tắt thuộc xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn là nơi yên nghỉ của 10.333 chiến sĩ hy sinh trong thời kỳ chống Mỹ. Còn Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9 nằm tại phường4, TP Đông Hà có trên 10.600 chiến sĩ đang yên nghỉ. 65% số liệt sĩ trong đó chưa được biết tên, gần 1.000 liệt sĩ có tên nhưng chưa tìm được quê hương bản quán.

Tháng bảy. Những dòng người ôm hoa lặng lẽ tỏa vào từng hàng mộ. Tôi - hay bất cứ ai khó có thể cầm lòng trước hình ảnh những cựu binh già run run xúc động, những phụ nữ, những người đàn ông khắc khổ quỳ xuống ôm ấp bia mộ vào lòng. Người nằm dưới có thể là đồng đội từng sẻ chia miếng lương khô, ngụm nước cuối cùng, hay người nằm dưới có thể là cha, là ông của họ, người mà họ chỉ gặp qua lời kể ầu ơ của mẹ, của bà. 


Ngày nay, 2 nghĩa trang quốc gia đã trở thành ngôi nhà chung ấm áp của hàng vạn anh linh liệt sĩ khắp mọi miền Tổ quốc. Trong bạt ngàn phần mộ, vẫn còn đó hạ sĩ Vũ Đức Diêm ở Thúc Kháng (Bình Giang) hy sinh ngày 1.3.1971; trung sĩ Nguyễn Văn Hùng ở Nhật Tân (Gia Lộc) hy sinh ngày 18.3.1968; binh nhất Bùi Đình Duy ở xã Tái Sơn (Tứ Kỳ) hy sinh ngày 18.8.1971... Các anh nằm đó đã mấy mươi năm. Linh hồn các anh đã thành cây, thành cỏ ngay trên chính mảnh đất một thời từng là chiến trường khốc liệt. Và đâu đó vẫn như vang vọng khúc quân hành các anh, các chị cùng hát thuở nào: "Ta vượt trên triền núi cao Trường Sơn/Đá mòn mà đôi gót không mòn/Máu thắm đường ta đi lẫn mồ hôi... Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...".

Khác với Nghĩa trang Trường Sơn và Nghĩa trang Đường 9, ở Thành cổ Quảng Trị chỉ có một nấm mồ chung. Nơi đây ghi dấu 81ngày đêm của mùa hè đỏ lửa năm 1972, khi hàng nghìn chiến sĩ quân giải phóng đã ngã xuống để giành giật từng tấc đất với quân thù. Máu xương của các anh đã hòa vào đất, hòa vào dòng Thạch Hãn linh thiêng và huyền thoại.

"Cỏ non Thành cổ một màu xanh non tơ/Nào có ai ngờ nơi đây một thời máu đổ...". Dù đã 17 năm công tác, song mỗi lần nói đến đây, giọng bà Cáp Thị Thiên Trang, Trưởng Ban Quản lý di tích Thành cổ Quảng Trị  vẫn dường như nghẹn lại. Không nghẹn ngào sao được khi ngay dưới lớp cỏ xanh non tơ kia đã thấm đẫm máu đào của hàng nghìn chiến sĩ. Máu và xương của các anh đã làm nên Quảng Trị thành đồng.

Thành cổ nằm ở trung tâm thị xã Quảng Trị soi bóng xuống dòng sông Thạch Hãn linh thiêng. Trong 81 ngày đêm của mùa hè đỏ lửa (từ ngày 28.6 - 16.9.1972), Thành cổ Quảng Trị hứng chịu 328.000 tấn bom đạn. Trung bình mỗi chiến sĩ chịu đựng 100 quả bom, 200 quả đạn pháo. Mỗi đêm có 1 đại đội tiếp viện vượt dòng Thạch Hãn tiến vào Thành cổ thì ngày mai chỉ còn lại vài người. Để vượt dòng Thạch Hãn, nhiều chiến sĩ đã mãi mãi nằm lại với dòng sông. Từ ấy, một cựu binh thăm lại Thành cổ đã rút ruột từng câu thơ thiết tha và khắc khoải: "Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ/Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/Có tuổi hai mươi thành sóng nước/Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm...”. Và ngày nay, ai vào Thành cổ cũng đều tìm đến bến phà hoa bờ nam dòng Thạch Hãn để được tự tay mình thả theo dòng nước những đóa hoa tươi, thay một lời tri ân tự đáy lòng đến hàng nghìn chiến sĩ đã nằm lại tại mảnh đất Quảng Trị thành đồng. Trong kháng chiến chống Mỹ, Thành cổ Quảng Trị đã ghi vào lịch sử dân tộc một mốc son vàng chói ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng bằng cuộc chiến đấu anh dũng kiên cường...

Không hẹn trước, nhưng những ngày tháng bảy, đồng bào từ khắp mọi miền Tổ quốc lại trở về khúc ruột miền Trung. Họ về để dâng một nén tâm nhang. Họ về để được nhìn lại những bước chân thần tốc đạp đá tai bèo vượt dãy Trường Sơn, để được sống lại một thời hào hùng của cả dân tộc Việt Nam. Và họ về để thêm một lần được nghe, thêm một lần được hiểu về cuộc chiến không khoan nhượng giữa những con người nhỏ bé, chỉ với sức mạnh của niềm tin tất thắng với một bên có những vũ khí, khí tài tối tân bậc nhất địa cầu. Và niềm tin tất thắng ấy, ý chí sắt đá của những con người nhỏ bé ấy đã đánh bại mọi kẻ thù hùng mạnh, để đất nước này, để dân tộc này nở hoa hạnh phúc và mãi mãi trường tồn.

TIẾN HUY