Báo động chất lượng thuốc, thực phẩm chức năng

Xã hội - Ngày đăng : 06:48, 03/08/2018

Những vụ phát hiện, thu hồi thực phẩm chức năng giả, thuốc kém chất lượng trong thời gian gần đây khiến nhiều người tiêu dùng hoang mang.

Công tác giám sát chất lượng thuốc, thực phẩm chức năng cần được tăng cường thông qua việc lấy mẫu kiểm nghiệm. Trong ảnh: Kiểm tra chất lượng thuốc tại Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc - mỹ phẩm - thực phẩm tỉnh. Ảnh: Thanh Thanh

Nhiều sản phẩm không bảo đảm 

Thời gian qua, người dân không khỏi lo lắng khi nhiều vụ thuốc, thực phẩm chức năng giả bị phanh phui trong toàn quốc. Từ vụ thực phẩm chức năng Vinaca được làm từ bột than tre đến vụ 23 loại thuốc thành phẩm sản xuất từ nguyên liệu Valsartan chứa tạp chất N-nitrosodimethylamine có nguy cơ gây ung thư.

Tại Hải Dương, trong 6 tháng đầu năm nay, Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc - mỹ phẩm - thực phẩm tỉnh đã lấy 421 mẫu thuốc, thực phẩm chức năng để kiểm tra. Trong đó, phát hiện 3 mẫu không đạt chất lượng gồm thực phẩm bảo vệ sức khỏe viên nén bao phim RutinC do Công ty TNHH Glory Việt Nam sản xuất; dược liệu cát căn và trạch tả do Công ty CP Dược - Vật tư y tế Hải Dương sản xuất. Trong 171 mẫu các đơn vị gửi đến trung tâm để kiểm nghiệm, có 5 mẫu không đạt chất lượng. Trung tâm đã báo cáo Sở Y tế yêu cầu các công ty trên dừng sản xuất, kinh doanh và tiến hành thu hồi, tiêu hủy theo quy định.

Hiện nay, một số cá nhân kinh doanh thực phẩm chức năng hoạt động không đúng quy định, không có chuyên môn, bằng cấp phù hợp nhưng vẫn tư vấn cho người mua sử dụng các loại thực phẩm này. Ngoài công việc chính là nhân viên văn phòng, chị Phạm Thị H. ở phường Cẩm Thượng (TP Hải Dương) còn bán hàng online để có thêm thu nhập. Mặt hàng chị bán khá đa dạng, trong đó có nhiều loại thực phẩm chức năng được cho là có nguồn gốc từ Nhật Bản như sữa, tảo biển, vitamin, thực phẩm giảm cân... Theo lời quảng cáo của chị H., do có người thân đang sinh sống tại Nhật Bản nên chị cam kết hàng chuẩn, bảo đảm chất lượng. Chỉ cần trò chuyện với khách hàng qua mạng internet, chị H. có thể tư vấn cho họ mua và sử dụng những thực phẩm chức năng mà theo chị là phù hợp. Sau khi tư vấn, theo nhu cầu của khách hàng, chị H. sẽ nhờ người thân mua hàng rồi chuyển về bán. Khi nhận sản phẩm, người dùng chỉ biết cách sử dụng qua lời tư vấn, hướng dẫn của chị H. Chất lượng của những sản phẩm do chị H. bán không được kiểm nghiệm, nếu gặp vấn đề gì khách hàng sẽ không biết trông cậy vào đâu. 

Người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ lưỡng thông tin trước khi mua thuốc, thực phẩm chức năng (ảnh chỉ có tính minh họa)

Cần thắt chặt quản lý

Sau khi Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc - mỹ phẩm - thực phẩm báo cáo phát hiện những sản phẩm không đạt chất lượng hoặc nhận được thông báo của Bộ Y tế về các sản phẩm giả, kém chất lượng, chưa được phép lưu hành, Sở Y tế đã kịp thời chỉ đạo Phòng Y tế cấp huyện, các đơn vị y tế, cơ sở kinh doanh thuốc không kinh doanh, sử dụng các sản phẩm này. Những sản phẩm không được phép lưu hành thì phải thu hồi. Ngoài ra, Thanh tra Sở Y tế phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc để phát hiện và xử lý vi phạm. 

Hằng năm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh phối hợp thanh tra, kiểm tra việc bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, phụ gia thực phẩm trên địa bàn. Năm 2017, qua thanh tra, kiểm tra 18 cơ sở, đơn vị đã phát hiện 6 cơ sở vi phạm. Khi tiến hành thanh tra, kiểm tra, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh còn tăng cường tuyên truyền các quy định về an toàn thực phẩm cho chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng; khuyến cáo người dân tẩy chay những thực phẩm chức năng không bảo đảm an toàn; tư vấn về thực phẩm chức năng theo đúng quy định của pháp luật.

Theo đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, ngoài các thực phẩm chức năng sản xuất trong tỉnh, trên thị trường còn có nhiều loại nhập từ nước ngoài. Việc quản lý các thực phẩm chức năng vốn đã khó nay càng khó hơn khi những mặt hàng này được bán thông qua nhiều kênh, rất khó kiểm soát như "xách tay" hay online. Những kênh này đơn giản chỉ là thuận mua vừa bán, trong khi bán thực phẩm chức năng phải đăng ký với cơ quan chức năng và người bán phải có trình độ để đưa ra tư vấn phù hợp. Vì vậy, bản thân những người mua hàng cũng cần trang bị cho mình những hiểu biết, kiến thức nhất định. 

Theo ông Phạm Hữu Thanh, Phó Giám đốc Sở Y tế, khi lựa chọn thuốc, thực phẩm chức năng, người tiêu dùng cần quan sát, đọc, tìm hiểu kỹ các thông tin về sản phẩm trên tờ hướng dẫn sử dụng, bao bì. Tạo thói quen tra cứu, tìm hiểu cẩn thận những thông tin về sản phẩm định mua hoặc tìm đến sự tư vấn của cán bộ y tế (bác sĩ, dược sĩ). Khi sử dụng thuốc, thực phẩm chức năng, nếu có sự nghi ngờ về tác dụng, hiệu quả, người tiêu dùng nên dừng ngay và nhờ các dược sĩ, bác sĩ tư vấn. Khi mua, chú ý phát hiện các sản phẩm không có số đăng ký lưu hành, số công bố tiêu chuẩn chất lượng, sản phẩm hết hạn sử dụng hoặc kém chất lượng về mặt cảm quan.

HUYỀN TRANG