Sự thật vị bảng nhãn yểu mệnh nhất lịch sử Việt Nam

Đất và người xứ Đông - Ngày đăng : 06:37, 06/08/2018

Vị Bảng nhãn này nổi danh tài học, lẫy lừng trường thi nhưng tiếc là sau khi đỗ đạt, làm quan chưa được bao lâu thì ông lâm bệnh qua đời khi tuổi mới ngoài 30.


Vinh quy bái tổ. Ảnh: Tranhanhdep.net

Bảng nhãn có tuổi thọ ngắn nhất là Nguyễn Đức Trinh (1439 - 1471), người làng An Giới, huyện Thanh Lâm, phủ Nam Sách, thừa tuyên Hải Dương (nay thuộc xã An Sơn, huyện Nam Sách, Hải Dương). Năm 25 tuổi ông đỗ Bảng nhãn khoa Quý Mùi (1463) đời Lê Thánh Tông.

Về khoa thi này, sách Đại Việt sử ký toàn thư viết như sau: “Tháng 2 thi Hội các cử nhân trong nước. Bấy giờ ứng cử đến hơn 4.400 người, lấy đỗ 44 người. Ngày 16, thi điện cho các tiến sĩ. Sai Nhập nội kiểm hiệu tư đồ bình chương sự Nguyễn Lỗi và Nhập nội đô đốc đồng bình chương sự tri Đông đạo chư vệ quân dân Quốc tử giám tế tửu Lê Niệm làm đề điệu. Chính sự viện tham nghị chính sự Nguyễn Phục làm giám thí, Môn hạ sảnh ty tả gián nghị đại phu tri Bắc đạo quân dân bạ tịch kiêm Hàn lâm viện thừa chỉ học sĩ Nguyễn Như Đổ; Hàn lâm viện thừa chỉ học sĩ tri Đông đạo quân dân Nguyễn Vĩnh Tích; Quốc Tử Giám tế tửu Nguyễn Bá Ký làm độc quyển. Vua thân hành ra đề văn sách hỏi về trị đạo của các đế vương. Cho bọn Lương Thế Vinh trở xuống đỗ cập đệ xuất thân theo thứ bậc khác nhau”.

Trên bia đá khắc tên những người đỗ khoa thi này cũng có đoạn viết: “Ngày 16 tháng 2, Hoàng thượng ngự ở hiên điện thân hỏi về đạo trị nước của các bậc đế vương; sai bọn Kiểm hiệu tư đồ Bình chương kiêm Đô đốc bình chương sự Đông đạo chư vệ quân Nguyễn Lỗi làm Đề điệu, Quốc Tử Giám Tế tửu Lê Niệm cùng trông coi công việc.

Sáng hôm sau, Tả ty môn hạ sảnh gián nghị đại phu Tri Bắc đạo quân dân bộ tịch sảnh kiêm Hàn lâm viện thừa chỉ học sĩ Nguyễn Như Đổ, Hàn lâm viện thừa chỉ học sĩ tri Đông đạo quân dân bạ tịch Nguyễn Vĩnh Tích, Quốc Tử Giám tế tửu Nguyễn Bá Ký dâng quyển lên đọc, Hoàng thượng ngự lãm, định thứ bậc cao thấp. Ban cho bọn Lương Thế Vinh trở xuống đỗ Tiến sĩ cập đệ xuất thân thứ bậc có khác nhau.
Ngày 22, vua ngự điện Kính Thiên, cho gọi loa xướng tên người thi đỗ. Quan bộ Lễ rước bảng vàng ra yết ngoài cửa Đông Hoa để cho các sĩ tử xem tên. Lại ban áo mũ, yến tiệc để tỏ ý yêu mến đặc biệt, ơn sủng thật trọng hậu”.

Về Nguyễn Đức Trinh, từ nhỏ đã nổi tiếng thông minh, nhanh nhẹn, sách Tục biên Công dư tiệp ký có chép một mẩu chuyện về ông như sau:

“Bảng nhãn Nguyễn Đức Trinh người An Giới, Thanh Lâm, từ nhỏ rất thông minh đĩnh ngộ. Có lần theo mẹ đến đám giỗ nhà khác, mẹ không cho đi, cậu cứ đòi theo. Đúng lúc ấy, người được sai đến mời thấy cậu dung mạo không giống với những đứa trẻ bình thường khác, nhân đó mới hỏi:

- Cháu đã đi học chưa?

Cậu đáp:

- Dạ! Đã đi học rồi!

Người kia nói:

- Ta ra cho một câu đối, nếu đối được, ta sẽ bảo mẹ cho đi.

Rồi ra vế đối: Tiểu nhi tùng phụ mẫu (nghĩa là: Trẻ nhỏ phải theo bố mẹ).

Cậu đối: Đại đạo phối càn khôn (nghĩa là: Đạo lớn sánh ngang trời đất).

Người kia kinh ngạc nói:

- Thằng nhỏ này tất sẽ thành tài, chẳng phải thường đâu!”.

Câu đối của người đi mời ăn giỗ có chữ “tùy” vừa có nghĩa là “theo”, vừa có nghĩa là “vâng lời”. Còn trong câu đối của Nguyễn Đức Trinh, chữ “phối” vừa có nghĩa là “sánh ngang”, vừa là “phối hưởng”.

Thời Lê Thánh Tông ở ngôi, ông đã cho tổ chức 12 khoa thi Hội, lấy đỗ 501 Tiến sĩ, trong đó có 9 Trạng nguyên, 10 Bảng nhãn và 11 Thám hoa; tuy nhiên chưa có khoa thi nào mà nhà vua lại làm thơ khen ngợi, ban cho ba vị đỗ đầu như khoa thi năm Qúy Mùi (1463). Theo các sách như Kiến văn tiểu lục, Tục biên Công dư tiệp ký, Hải Dương phong vật chí… vua Lê Thánh Tông thấy ba vị trong bảng Tam khôi đều tài năng lấy làm yêu mến mới ban tặng cho mỗi người một lá cờ nhỏ thêu dòng chữ:

Trạng nguyên Lương Thế Vinh,
Bảng nhãn Nguyễn Đức Trinh,
Thám hoa Quách Đình Bảo,
Thiên hạ cộng trí danh.


Nghĩa là:

Trạng nguyên Lương Thế Vinh,
Bảng nhãn Nguyễn Đức Trinh,
Thám hoa Quách Đình Bảo,
Thiên hạ đều nghe danh.


Ca ngợi tài năng của Nguyễn Đức Trinh, trong Hải Dương phong vật khúc có câu rằng:

Làng An danh giá tài khôi,
Phun châu nhả gấm chen vai đan đình.
Chữ rằng thiên hạ tri danh,
Thần khuê chói lói lung linh vẻ cờ.


Sau khi đỗ, chỉ trong một thời gian ngắn, Nguyễn Đức Trinh đã được thăng quan đến chức Phó Đô ngự sử, hàm Chánh tam phẩm. Tháng 9 năm Tân Mão (1471) ông vâng mệnh đi sứ phương Bắc, sách Đại Việt sử ký toàn thư, cho hay vua Lê Thánh Tông “sai cứ sang nước Minh. Bọn Bùi Viết Lương, Nguyễn Lãm, Lê Nhân nộp cống hàng năm; bọn Nguyễn Đức Trinh, Phạm Mục tâu việc Chiêm Thành cướp phá biên giới”.

Không may trên đường đi sứ, Nguyễn Đức Trinh lâm bệnh rồi qua đời, thọ 32 tuổi; triều đình đau thương xuống chiếu truy tặng chức Thượng thư. Ông mất khi còn trẻ, làm quan mới được gần 7 năm, chưa kịp phô diễn, thi thố tài năng, trí tuệ để cống hiến cho đời, đó quả là điều đáng tiếc.

LÊ THÁI DŨNG (Kiến thức)