"Quả bom hẹn giờ" trong cộng đồng

Chính trị - Ngày đăng : 07:33, 19/08/2018

Ngày 5.8, tại làng Khê Xá, xã Phú Lương, huyện Hòa Vang (Thừa Thiên - Huế) xảy ra một vụ án gây chấn động dư luận.

Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tạm giữ Nguyễn Khải (29 tuổi), nghịch tử đã giết chết chính cha đẻ của mình là ông Nguyễn Văn Toàn (55 tuổi). Theo lời kể của những người hàng xóm thì Khải có những biểu hiện của bệnh tâm thần. Gia đình ông Toàn cũng lo lắng về tình trạng của con nhưng thay vì đi bệnh viện khám chữa bệnh họ lại nhờ đến thầy cúng.

Đây không phải lần đầu tiên xảy ra các vụ án mạng mà kẻ gây án là những người bị bệnh tâm thần hay có biểu hiện mắc căn bệnh này. Cuối tháng 2.2018, tại khu vực cầu Bình thuộc thôn Trụ Thượng, xã Đồng Lạc (Chí Linh) cũng xảy ra một vụ án mạng mà hung thủ bị bệnh tâm thần. Nạn nhân là ông Nguyễn Văn Cự (sinh năm 1967) ở thôn Chí Linh 1, xã Nhân Huệ (Chí Linh). Ông Cự bị nạn trong quá trình đi tìm người em vợ bị tâm thần bỏ nhà ra đi. Ông bị Nguyễn Văn Quynh (sinh năm 1971 ở huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) đâm chết. Quynh vốn có tiền sử bệnh tâm thần phân liệt, nghiện rượu, thường đi lang thang, ăn ngủ dưới gầm cầu Bình. 

Hiện vẫn còn nhiều người tâm thần sống trong cộng đồng. Nhiều gia đình có người thân mắc bệnh tâm thần nhưng không muốn đưa họ vào điều trị tại bệnh viện tâm thần hoặc các trung tâm nuôi dưỡng dành cho người tâm thần. Một phần do tình thương yêu đối với người thân của mình nên các gia đình không muốn để họ xa nhà. Một phần là vì muốn gửi bệnh nhân vào các bệnh viện hay trung tâm nuôi dưỡng người tâm thần, các gia đình cũng phải tốn kém tiền của và thời gian đi lại thăm nom... Xuất phát từ tâm lý lo sợ lúc cha mẹ mất đi, anh em không cáng đáng được nên nhiều gia đình, nhất là ở khu vực nông thôn vẫn tìm cách dựng vợ gả chồng cho những người mắc bệnh tâm thần để họ có chỗ dựa sau này. Những người chấp nhận lấy những người bệnh tâm thần thường rơi vào cảnh quá lứa nhỡ thì, gia cảnh đặc biệt khó khăn hoặc bản thân cũng không được nhanh nhẹn, khôn ngoan. Vô hình trung việc này lại tạo ra thế hệ tâm thần tiếp nối bởi bệnh tâm thần có tính di truyền, làm gia tăng gánh nặng cho chính gia đình và cộng đồng. Người thân còn phải đi làm ăn, không phải lúc nào cũng để mắt trông người bệnh được nên một số người đã bỏ đi lang thang không biết đường về...

Trong cuộc sống hiện đại, do áp lực công việc, tác động của các trò game, thế giới ảo... nên các bệnh lý tâm thần ngày càng đa dạng, số lượng bệnh nhân mắc bệnh dạng này ngày càng tăng và có thể xuất hiện ở mọi độ tuổi. Việc những người bệnh tâm thần, đặc biệt là tâm thần dạng nặng sống giữa cộng đồng tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa an toàn cho những người sống xung quanh. Có người đã ví những người bệnh tâm thần chẳng khác nào "bom hẹn giờ", khi bị kích động họ không thể kiểm soát nổi hành vi của mình. Đó chính là nguyên nhân gây ra nhiều vụ án mạng thương tâm.

Để gỡ bỏ mối lo về những "quả bom hẹn giờ" này, chúng ta cần thực hiện tốt Chiến lược quốc gia về sức khỏe tâm thần giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ. Trong đó cần quan tâm nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ chăm sóc về y tế, giúp người bị rối loạn tâm thần tiếp cận dễ dàng hơn các dịch vụ chăm sóc sức khỏe; triển khai các giải pháp nhằm nâng cao sức khỏe cho người bệnh tâm thần và dự phòng rối loạn tâm thần. Tăng cường tuyên truyền để người dân nhận thức đúng hơn về căn bệnh này, cách xử trí khi có người thân trong gia đình mắc bệnh, khi nào nên đưa người bệnh tới các cơ sở y tế...

KIM THANH