Diễn viên gốc Việt trong "Star Wars" từng không dám nói tiếng Việt vì bị kỳ thị

Văn hóa - Giải trí - Ngày đăng : 17:24, 22/08/2018

Nữ diễn viên được chú ý sau thành công trong Star Wars: The Last Jedi vừa phá vỡ sự im lặng, nhẫn nhịn và chịu đựng suốt những năm tháng sinh ra và lớn lên tại Mỹ.

Bài viết cảm động và cứng rắn của Kelly Marie Tran trên The New York Times như một lời tố cáo nghiêm nghị, dứt khoát đến thói kỳ thị sắc tộc, đến những kẻ luôn cố gắng đẩy người da màu ra khỏi cộng đồng chỉ vì họ khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa và màu da.

Ngừng nói tiếng Việt từ năm 9 tuổi vì bị bạn bè chế nhạo

Trong bài viết của mình, nữ diễn viên sinh năm 1989 đã tiết lộ bản thân cô phải từ bỏ tiếng mẹ đẻ để không bị bạn bè đồng trang lứa chế nhạo, hay gia đình cô phải thay đổi tên tiếng Việt thành những cái tên kiểu Mỹ để người khác dễ đọc hơn. Suốt tuổi thơ của mình, Kelly Marie Tran loay hoay tìm cho mình một chỗ đứng công bằng trong môi trường cô đang sống, chật vật tìm cách để bạn bè có thể xem cô như một người ''bằng vai phải lứa''.

Những năm sống tại Mỹ là chừng ấy thời gian ngôi sao gốc Việt phải tự mình chiến đấu với những định kiến khắc nghiệt của những người xung quanh. Ảnh: SHUTTERSTOCK

Lời "tuyên ngôn" của Kelly Marie Tran đã thu hút sự ủng hộ của hàng trăm độc giả trên khắp nước Mỹ. Nhiều người đã đứng lên cổ vũ cho tinh thần đấu tranh chống phân biệt chủng tộc và truyền cảm hứng cho rất nhiều người da màu đang sinh sống xứ người, thôi thúc họ đứng lên, dùng tiếng nói của mình để tìm lại lẽ sống, tìm lại công bằng.

Nữ diễn viên 29 tuổi mở đầu bài viết bằng những suy nghĩ mà xã hội luôn đóng đinh trong tiềm thức khi nghĩ về người da màu. Những quan điểm thủ cựu ấy không những gây tổn thương cho các nạn nhân và còn khiến họ dần tin vào điều đó, và Kelly Marie Tran không phải là một ngoại lệ. “Điều đáng sợ nhất đối với một người da màu như tôi không phải những lời nói kỳ thị của họ, điều đáng sợ ở đây là ngay cả chính tôi cũng bắt đầu tin vào những lời nói đó”, ngôi sao gốc Việt bắt đầu câu chuyện.

Kelly Marie Tran rạng rỡ tại Lễ trao giải Oscar năm 2018. Ảnh: REUTERS

“Những trải nghiệm trong suốt quá trình lớn lên của một phụ nữ da màu đã dạy tôi rằng tôi không thuộc về thế giới mà họ đang sống. Bản thân tôi chỉ là một nhân vật nhỏ mờ nhạt trong đời sống thường ngày hay những câu chuyện của họ. Lời nói của họ củng cố một quan điểm mà tôi đã phải nghe suốt 29 năm đời mình: tôi là một kẻ khác biệt, tôi không xứng đáng được đứng bên cạnh họ. Suốt cả tuổi thơ mình, tôi dành phần lớn thời gian để mặc cảm, để xấu hổ, xấu hổ vì những hành động mà họ cho là kỳ quặc... Tôi luôn tìm mọi cách khiến bản thân được công nhận, được đối xử công bằng. Thế nhưng, những con người tôi đã gặp khiến tôi tin rằng chuyện ấy sẽ chẳng thể xảy ra, họ làm tôi tin rằng tôi là một kẻ không xứng đáng, một kẻ khác biệt”, nữ diễn viên tiếp tục trải lòng.

Thay vì từng xấu hổ vì nguồn gốc của mình, giờ đây, nữ diễn viên 29 tuổi cảm thấy xấu hổ cho xã hội mà cô đang sống, xã hội mà người da màu không được đối xử tử tế. Ảnh: TWITTER

Từng đặt định kiến xã hội lên trên giá trị của bản thân

Những trải nghiệm từ một người da vàng sinh ra và lớn lên tại Mỹ đã dạy Kelly Marie Tran rằng cô chỉ là vật làm nền cho người khác, rằng bản thân chỉ có thể làm móng, chẩn đoán bệnh tật, hỗ trợ lợi ích cuộc sống cho người bản xứ hơn là chờ họ cảm thông và giải cứu chính mình thoát khỏi ách kỳ thị.

“Sự mặc cảm được củng cố trong tôi từ những quy tắc được thiết lập trước khi tôi được sinh ra, những quy tắc khiến cha mẹ tôi cho rằng cần thiết phải từ bỏ tên thật của họ và chấp nhận những cái tên mới như Tony hay Kay để người khác phát âm dễ dàng hơn. Đến tận bay giờ, điều đó vẫn còn làm tôi đau lòng”, ngôi sao xúc động nhớ lại.

“Tôi ghét phải thừa nhận rằng mình là một kẻ khác họ (những người da trắng), tôi bắt đầu đổ lỗi cho mình. Tôi từng nghĩ rằng có lẽ sẽ tốt hơn nếu tôi không phải người châu Á. Trong suốt thời gian dài, tôi lẩn quẩn trong vòng xoáy ghét bỏ bản thân, trôi tuột vào những hốc đen trong tâm trí, nơi mà tôi xé toạc mình ra, nơi tôi từng đặt những định kiến của xã hội lên trên giá trị của bản thân”, Kelly Marie Tran bộc bạch.

Sinh ra và lớn lên tại Mỹ, ngôi sao mới nổi tại Hollywood vẫn không ngừng nhắc về nguồn cội của mình. Ảnh: TWITTER

Chặng đường tìm lại chính mình 

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có cha mẹ là người Việt Nam, Kelly Marie Tran luôn hướng về nguồn cội, hướng về đất nước. Thế nhưng, trong suốt những năm tháng trưởng thành trên đất Mỹ, thực tế xã hội đã thôi thúc cô gái trẻ không chỉ cống hiến cho hoài bão của chính mình, không chỉ khẳng định tầm vóc của người gốc Á tại Hollywood mà cô còn muốn bản thân mình sẽ là tiếng nói đại diện cho những người da màu bị kỳ thị.

Nữ diễn viên bày tỏ mong ước: “Tôi muốn sống trong một thế giới mà ở đó, trẻ em không phải dùng cả tuổi thơ của mình để ao ước mình trở thành người da trắng. Tôi muốn sống trong một thế giới mà phụ nữ không bị giám sát vì sự xuất hiện hoặc hành động hay sự tồn tại chung của họ. Tôi muốn sống trong một thế giới, nơi mà mọi người thuộc mọi chủng tộc, tôn giáo, các tầng lớp kinh tế xã hội, định hướng tình dục, nhận dạng giới tính và khả năng được đối xử công bằng, được xem là một con người đúng nghĩa”.

Cuối bài viết, Kelly Marie Tran bằng những dòng khẳng định vị thế, những thông tin hé lộ về gốc rễ của mình đồng thời hứa hẹn một hành trình đấu tranh mới: “Các bạn biết đến tôi với cái tên Kelly. Tôi là người phụ nữ da màu đầu tiên diễn vai chính trong một phần của loạt phim Star Wars. Tôi là phụ nữ châu Á đầu tiên lên bìa tạp chí Vanity Fair. Tên thật của tôi là Loan. Và câu chuyện về tôi mới chỉ bắt đầu”.

Sau khi mất hút khỏi mạng xã hội vì không chịu được sự đả kích lớn từ cộng đồng mạng hồi tháng 6 vừa qua, nhiều đồng nghiệp đã đứng lên bênh vực và bảo vệ ngôi sao phim Star Wars: The Last Jedi. Đoàn làm phim Chiến tranh giữa các vì sao mà tiêu biểu là đạo diễn Rian Johnson cùng các diễn viên Mark Hamill và John Boyega luôn đứng về phía Kelly Marie Tran. Những người này khẳng định vai trò của nữ nghệ sĩ trong phim, khen ngợi khả năng diễn xuất của cô đồng thời yêu cầu những người thiếu thiện chí cần nhìn nhận vấn đề sắc tộc một cách tiến bộ và văn minh.

Theo Thanh niên