Lãng phí trong mùa Vu lan

Xã hội - Ngày đăng : 09:57, 24/08/2018

Trong mùa Vu lan báo hiếu, nhiều gia đình thường sắm số lượng lớn vàng mã để hóa cho ông bà tổ tiên, cha mẹ đã khuất.

Phật giáo không khuyến khích người dân đốt nhiều vàng mã trong mùa Vu lan báo hiếu

Giáo hội Phật giáo nói không

Những ngày này, các cửa hàng bán vàng mã trên đường Lê Thanh Nghị, Điện Biên Phủ, Hoàng Diệu (TP Hải Dương) lúc nào cũng nườm nượp khách. Nắm bắt được nhu cầu của người dân, từ cuối tháng 6 âm lịch, chủ các cửa hàng đã nhập rất nhiều loại vàng mã về bán. "Dương sao âm vậy, mặt hàng gì cho người âm cũng có. Năm nay, nhà tầng, ô tô, quần áo, điện thoại... có nhiều mẫu mới, màu sắc, chất liệu giấy đẹp và tốt hơn. Vào dịp này, lượng khách đến cửa hàng nhà tôi tăng mấy chục lần so với ngày thường. Người mua ít cũng 2-3 túi to vàng mã, nhiều người thuê cả taxi tải chở về nhà", một chủ cửa hàng vàng mã trên đường Lê Thanh Nghị cho biết.

Bà N.T.H. ở phường Cẩm Thượng (TP Hải Dương) cho biết đã bỏ ra gần 3 triệu đồng để mua gần 50 bộ quần áo cùng rất nhiều đồ dùng, tiền vàng để mang về quê hóa cho ông bà, cha mẹ, người thân đã quá cố và cúng chúng sinh trong dịp rằm tháng bẩy. "Ông bà, bố mẹ tôi ngày trước còn sống hoàn cảnh khó khăn, đói kém lắm. Đến khi con cháu trưởng thành, có điều kiện thì các cụ đã mất cả, chả hưởng thụ được cái gì. Bây giờ tôi phải hóa thật nhiều đồ để ở dưới suối vàng ông bà, bố mẹ có thứ để sử dụng", bà H. nói.

Không chỉ ở thành phố mà ngay tại các vùng nông thôn, nhiều gia đình vẫn giữ thói quen đốt vàng mã trong mùa lễ Vu lan để thể hiện lòng hiếu thảo với ông bà tổ tiên, cha mẹ đã khuất. Một số người khi được hỏi thừa nhận trước đây chỉ đốt một ít tiền vàng trong dịp này. Nhưng vài năm gần đây thấy nhà hàng xóm hóa cả nhà tầng, ô tô, dây chuyền, đồng hồ, điện thoại... nên cũng học theo. Họ hiểu rằng làm vậy là tốn kém nhưng nếu không làm lại cảm thấy rất áy náy. Có người khi cha mẹ còn sống thì đối xử không ra gì nhưng khi đã mất thì đốt rất nhiều vàng mã để thể hiện sự hiếu thảo.

Nhiều người hiện nay vẫn đang nhầm lẫn, cho rằng đốt vàng mã vào rằm tháng bảy xuất phát từ tín ngưỡng Phật giáo. Người con có hiếu là phải đốt nhiều vàng mã cho cha mẹ vào ngày này. Nhưng qua tìm hiểu cho thấy thực ra Đức Phật không dạy như vậy. Đốt vàng mã chỉ là một hủ tục lâu đời, do ảnh hưởng từ tín ngưỡng dân gian. Nhiều năm nay, Giáo hội Phật giáo các cấp liên tục tuyên truyền tăng ni, phật tử, nhân dân không đốt vàng mã. Đốt vàng mã không những tổ tiên, ông bà, cha mẹ ta chẳng nhận được mà còn gây tốn kém, lãng phí, khiến môi trường bị ô nhiễm và gia tăng nguy cơ xảy ra hỏa hoạn.

Hiểu và làm cho đúng

Theo kinh Vu lan, Bồ tát Mục Kiền Liên tu luyện được nhiều phép thần thông nhưng không thể cứu mẹ mình là bà Thanh Đề ra khỏi địa ngục. Nghe lời Phật dạy, Mục Kiền Liên đã nhờ hợp lực của các chư tăng khắp mười phương, sắm lễ cúng dường tam bảo vào đúng ngày rằm tháng bảy nên mẹ ngài đã được siêu thoát. Từ đó, ngày rằm tháng bảy âm lịch trở thành lễ Vu lan trong Phật giáo. Ở một số nước Á Đông, trong đó có Việt Nam, ngày này trở thành dịp để con cháu báo hiếu với tổ tiên, ông bà, cha mẹ và cũng để giúp đỡ những linh hồn đói khát (cúng chúng sinh).

Theo một số nhà sư, giá trị cốt lõi của mùa Vu lan báo hiếu nằm ở chỗ giáo dục lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ đã sinh ra mình. Ngày rằm tháng bảy, mùa lễ Vu lan, lễ hoa hồng cài áo trong dịp này đều chung một mục đích muốn nhắn nhủ những người vẫn còn cha mẹ hãy sống hiếu thảo, biết tôn trọng, yêu thương, chăm sóc đấng sinh thành. Không nên có những lời lẽ, hành động làm cha mẹ buồn lòng mà thành người có tội lỗi. Chuyên tâm làm nhiều việc thiện, giúp đỡ người khác để tạo phúc lành, cầu xin Đức Phật cho cha mẹ được sống mạnh khỏe bên con cháu hoặc nếu đã mất thì sớm được siêu thoát. Vu lan là dịp để mỗi người tự tìm về với nguồn cội, tưởng nhớ công ơn sinh thành, dưỡng dục của mẹ cha, không phải là dịp để hóa nhiều vàng mã.

Có ý kiến cho rằng việc đốt vàng mã trong mùa Vu lan báo hiếu đã ăn sâu vào tâm thức, trở thành tục lệ lâu đời nên khó có thể thay đổi trong một sớm một chiều. Các cấp, các ngành, đặc biệt là Giáo hội Phật giáo các cấp cần liên tục tuyên truyền để các tín đồ, phật tử cùng các tầng lớp nhân dân hiểu đúng, đầy đủ về nguồn gốc, ý nghĩa của lễ Vu lan báo hiếu, đồng thời hướng mọi người đến những việc làm tốt đẹp. Đó mới là chân lý và giá trị đích thực của mùa Vu lan.

PV