Ấm ức sống
Đời sống - Ngày đăng : 14:42, 26/08/2018
- Dì không sao, dì đi mua thuốc cho lão ấy thôi. Lão ấy khốn nạn lắm con ạ. Lão bị đau bụng, chắc ăn phải cái gì ở chỗ làm, như người ta thì bảo vợ là tôi đau, bà đi mua thuốc về cho tôi. Đằng này lão không bao giờ nói được một câu tử tế với dì, đau thì đá thúng đụng nia, đèo xíu văng tục, chửi nhặng lên. Mỗi lần như thế dì tự biết thân biết phận mà đi mua về thôi.
Nghe thế chị Minh kéo ngay bà Mận vào nhà trò chuyện để bà được trút bầu tâm sự, giúp bà xả cơn bực.
Nếu chỉ nhìn bề ngoài, ai cũng nghĩ cuộc sống của bà Mận không đến nỗi nào. Bà từng là công chức trong thành phố nên thu nhập khá ổn định. Chồng bà làm ở một doanh nghiệp tư nhân nên dồn thu nhập của cả hai vợ chồng lại thì cũng đủ ăn đủ tiêu. Bà Mận lại khéo co kéo nên vợ chồng bà đã xây dựng được nhà cửa đàng hoàng, mua sắm tiện nghi đủ đầy và lo cho 2 người con học đại học chu đáo. Cậu con lớn sau khi tốt nghiệp đã có công việc ổn định và lập gia đình ở Hà Nội. Còn cô con gái thứ hai cũng đã học xong và hiện đang đi du học ở Singapore. Tưởng như cuộc sống của bà Mận chẳng còn điều gì đáng than phiền, ít người biết bà Mận vẫn thường xuyên phải rơi nước mắt. Bởi ông Trần, chồng bà là một sâu rượu, tính tình cục cằn, thô lỗ. Bình thường thì không sao nhưng cứ có hơi men là ông biến thành kẻ vũ phu, kiếm cớ đánh đập vợ, con.
Ngày cái Thạo con gái thứ hai của ông bà còn ở nhà, một lần chứng kiến bố vô cớ đánh mẹ, nó ức quá liền cự cãi lại ông Trần. Khi con sâu rượu đã lên cơn thì nói lý chẳng có ích gì. Thế là đang cơn hung đồ, ông lôi con bé ra ngoài cửa đánh túi bụi. Bình quân cứ độ 1 tháng ông Trần lại gây gổ một lần. Giờ đã lên ông lên bà nhưng bà Mận vẫn bị những trận đòn oan nghiệt. Mà ông chồng lại rất "bẩn" tính, biết bà còn đang công tác nên ông ta luôn cố ý đánh vào mặt, vào tay chân để cho vợ xấu hổ không dám đi ra ngoài. Hồi đầu mỗi lần không may mặt mũi có vết bầm tím bà Mận còn viện cớ ốm đau để nghỉ làm vài ngày cho vết thương đỡ mới đi làm. Nhưng mỗi lần ốm nghỉ vài ngày thì công đoàn cơ quan sẽ tổ chức tới thăm nên cuối cùng nguyên nhân thực sự khiến bà phải nghỉ làm cũng bị lộ ra. Cán bộ nữ công cơ quan bức xúc lắm, đã nhiều lần đến nói chuyện với ông Trần, thậm chí còn dọa sẽ đưa vụ việc ra tòa nếu ông này tiếp tục tái phạm. Song chính bà Mận lại đứng ra cầu xin cho chồng. Bà lúc nào cũng thương hai đứa con, không muốn gia đình tan đàn xẻ nghé chúng sẽ thiệt thòi. Bà nghĩ dù sao thì gia đình đầy đủ cũng hơn. Dần dà mọi người ở cơ quan cũng chán chẳng buồn can thiệp vào chuyện của bà nữa. Kể cả người thân trong gia đình cũng chả ai khuyên giải được.
Năm tháng qua đi, cuộc sống của bà Mận cứ thế lặp đi lặp lại những trận đòn roi không dứt. Ngay cả đến giờ tuy con cái đã trưởng thành, hai ông bà đều đã nghỉ hưu, kinh tế cũng không còn phải lo nghĩ gì nhưng thi thoảng ông Trần vẫn "lên cơn". Thói vũ phu của ông như một căn bệnh khó chữa, còn bà Mận vẫn luôn luôn cam chịu. Chỉ thỉnh thoảng gặp chị em gái hoặc cháu gái bà mới dám tâm sự để vơi bớt muộn phiền. Song cũng chỉ giãi bày thế thôi chứ nếu có ai khuyên bà phải vùng lên, nên kiên quyết hơn để trị dứt điểm thói xấu của ông Trần là y như rằng bà lại đánh trống lảng.
Mỗi lần nghe chuyện của bà Mận, chị Minh lại tức sôi máu. Chị xót dì, ghét cái tính cam chịu của bà lắm mà chả biết làm cách nào giúp đỡ khi chính bản thân bà Mận không chịu thay đổi. Lần này cũng vậy, tâm sự với cháu gái xong, bà Mận lại tong tả ra về như chưa có chuyện gì xảy ra. Nhưng chị Minh biết chỉ dăm bữa nửa tháng nữa chuyện tương tự có thể lặp lại và người dì đáng thương của chị sẽ lại phải sống ấm ức.
HƯƠNG GIANG