Lùm xùm dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Hải Dương. Bài 1: Dự án tỷ đô, tiến độ rùa bò

Kinh tế - Ngày đăng : 10:04, 31/08/2018

Mặc dù đã được Thủ tướng Chính phủ 4 lần cho phép gia hạn nhưng dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Hải Dương vẫn chưa thể hoàn thành theo cam kết của nhà đầu tư.

UBND tỉnh Hải Dương đã nhiều lần kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành chỉ đạo nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ dự án. 

4 lần gia hạn tiến độ


Mặc dù đã được gia hạn 4 lần nhưng đến nay dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Hải Dương mới thực hiện được 30% khối lượng

Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Hải Dương có tổng công suất 1.200 MW, vốn đầu tư trên 2,2 tỷ USD, được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 6.2011, sửa đổi lần thứ 2 vào tháng 10.2015. Chủ đầu tư là Công ty Jaks Pacific Power Ltd của Malaysia. Công ty này đã thành lập Công ty TNHH Điện lực Jaks Hải Dương để thực hiện dự án.

Được thực hiện tại huyện Kinh Môn, đây là dự án FDI có tổng vốn đăng ký lần đầu lớn nhất ở Hải Dương nên được kỳ vọng sẽ sớm đi vào hoạt động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 

Theo tiến độ ban đầu, đến ngày 30.10.2012, chủ đầu tư phải hoàn thành các điều kiện tiên quyết về tài chính và chấp thuận đầu tư của đối tác theo cam kết. Nhưng đến thời hạn này, chủ đầu tư dự án vẫn không hoàn thành nên đã phải nhiều lần xin gia hạn. Theo báo cáo mới nhất của Sở Kế hoạch và Đầu tư, dự án đã được Thủ tướng Chính phủ 4 lần cho phép gia hạn về ngày hoàn thành các điều kiện tiên quyết với tổng thời gian gia hạn là 39 tháng. Cụ thể, lần thứ nhất dự án được gia hạn thêm một năm, từ ngày 30.10.2012 - 30.10.2013. Lần thứ 2, được gia hạn đến 31.10.2014. Lần thứ 3, được gia hạn đến 31.10.2015 và lần thứ 4 được gia hạn đến 31.1.2016. 

Sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư một tháng, chủ đầu tư đã động thổ xây dựng hạ tầng nhưng phải đến tháng 3.2016 mới khởi công xây dựng nhà máy. Theo báo cáo mới nhất của chủ đầu tư, đến nay, tổng khối lượng dự án ước tính mới thực hiện được 30%. Trong đó, khu vực nhà máy chính đã cơ bản làm xong phần cọc và đang thi công phần móng. Ở khu vực lò hơi tổ máy số 1, chủ đầu tư đã lắp đặt kết cấu thép khung lò và nâng bao hơi, hiện đang lắp đặt đường ống lò. Khu vực lò hơi ở tổ máy số 2 đã hoàn thành phần móng và đang lắp đặt kết cấu thép. Các khu vực gian máy chính, lọc bụi tĩnh điện, nhà máy nén khí, hệ thống vận chuyển than, khu vực xử lý nước thải… cũng mới được triển khai bước đầu.

Vướng mắc về tài chính


Một số đường ở xã Lê Ninh đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng do nằm trong quy hoạch dự án nên không được tu sửa, người dân đi lại rất khó khăn

Trong văn bản gửi các cơ quan chức năng, lý giải về sự chậm trễ trong thực hiện dự án, ông Ang Lam Poah, Giám đốc Công ty  Jaks Pacific Power Ltd giải trình nguyên nhân do công ty không hoàn thành các thỏa thuận đầu tư với các đối tác đề xuất. “Sự chậm trễ này xuất phát từ việc chấm dứt quan hệ hợp tác với Công ty Kaidi (Công ty Wuhan Kaidi Electric Power Engineering Company của Trung Quốc) do họ không thể hoàn thành các điều kiện trong thỏa thuận mua cổ phần. Nhưng chậm trễ này đã được giải quyết thông qua các thỏa thuận đầu tư với Tập đoàn Xây dựng năng lượng Trung Quốc (CPECC)”, ông Ang Lam Poah cho biết. 

Trước đó, để có tài chính thực hiện dự án, chủ đầu tư đã hợp tác với một số công ty như: Sanjung Merpati Sdn Bhd (SMSB - Malaysia); thỏa thuận thành lập liên doanh với Công ty Island Circle Investment Holding Ltd (Malaysia) và Công ty Meiya Power Ltd (Trung Quốc), Wuhan Kaidi Electric Power Engineering Company (Trung Quốc)… nhưng đều không thành công. Đến tháng 7.2015, chủ đầu tư đã ký thỏa thuận hợp tác đầu tư dự án với CPECC.

Một nguyên nhân nữa được chủ đầu tư đưa ra là do Hải Dương chậm trễ trong việc bàn giao địa điểm thứ hai. Về nguyên nhân này, qua tìm hiểu của chúng tôi, ngày 28.10.2013, Sở Tài nguyên và Môi trường đã ký với Công ty TNHH Điện lực Jaks Hải Dương thỏa thuận về sửa đổi ban đầu đối với hợp đồng thuê đất. Theo đó, toàn bộ chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB), hỗ trợ tái định cư của địa điểm thứ hai do Công ty TNHH Điện lực Jaks Hải Dương chi trả. Thế nhưng, sau nhiều lần chủ đầu tư không nộp được tiền nên hai bên phải gia hạn và sửa đổi hợp đồng thuê đất. Ngày 23.2.2017, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công ty TNHH Điện lực Jaks Hải Dương đã ký tắt thỏa thuận về sửa đổi hợp đồng thuê đất lần thứ 3. Theo thỏa thuận này, chủ đầu tư và đơn vị tư vấn lập quy hoạch phải có trách nhiệm bàn giao toàn bộ mốc giới khu đất địa điểm thứ 2 theo quy hoạch đã được phê duyệt trên thực địa cho Hội đồng bồi thường GPMB huyện Kinh Môn trước ngày 1.1.2017. Việc bàn giao GPMB sẽ được thực hiện vào cuối năm 2018. 

Theo Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư huyện Kinh Môn, việc GPMB địa điểm 2 vẫn đang được huyện tích cực triển khai thực hiện. Hiện nay, UBND huyện Kinh Môn đã thu hồi đất, thực hiện xong bồi thường, hỗ trợ đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp thuộc khu vực xây dựng đập chắn xỉ và đường dẫn băng tải xỉ (khoảng 10,5 ha). Diện tích đất rừng đã công khai phương án bồi thường, hỗ trợ… Tuy vậy đến nay, nhà đầu tư chưa thống nhất bàn giao mốc GPMB chính xác ngoài thực địa đối với diện tích đất rừng (khoảng 40 ha) nên hội đồng chưa kiểm kê. Phần diện tích đã hoàn thành GPMB, UBND huyện Kinh Môn đã tạm giao cho chủ đầu tư để khảo sát, thăm dò phục vụ công tác chuẩn bị đầu tư của dự án. 

Như vậy đến nay, UBND tỉnh và các cơ quan chức năng của tỉnh đã thực hiện đúng và đầy đủ trách nhiệm theo thỏa thuận trong hợp đồng thuê đất đã ký với nhà đầu tư. 

LAN NGUYỄN