Tự hào dân tộc tôi
Chính trị - Ngày đăng : 18:00, 02/09/2018
Các cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Ảnh: TTXVN
Trong tâm thức mỗi người dân Việt luôn tự hào về ngày Quốc khánh 2.9. Cách đây 73 năm, Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình lịch sử. Đó là mốc lịch sử trọng đại của đất nước, mở ra trang sử mới rạng rỡ trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc, mở ra cuộc đổi đời đối với mỗi người dân đất Việt.
Lịch sử nước nhà ghi lại biết bao chiến công dựng nước và giữ nước của dân tộc ta từ ngàn đời. Lịch sử lưu lại những khúc tráng ca về đất nước oằn mình trong lửa đạn, nhưng đã vươn mình lớn dậy trong vinh quang. Thế hệ này tiếp nối thế hệ trước, những đoàn người ra trận, những người vợ, người mẹ nơi quê nhà lại cần lao chăm bón cho mùa màng bằng những giọt mồ hôi mặn mòi để chi viện cho tiền tuyến không chỉ nguồn lương thực, mà cả niềm hy vọng. Mỗi người đều tự thêu trên ngực mình đức tin về ngày bình yên. Người vợ tiễn chồng thêu một lời hứa đợi. Các con ra chiến trường, từ biệt mẹ thêu lòng kính hiếu vào tim.
Trong mạch chảy âm vang và xúc động nghẹn ngào của dòng ký ức, đất nước luôn tự hào về đức hy sinh của muôn dân, những người sẵn sàng dâng con, dâng chồng cho Tổ quốc. Những chàng trai tuổi mười tám, đôi mươi sẵn sàng dấn bước, lao vào giữa mưa bom bão đạn bảo vệ mảnh đất thân yêu. Kể làm sao hết nỗi đau đã hằn in trên các gương mặt, đặc quánh những dòng nước mắt đã lặn vào trong, nơi những người phụ nữ bé nhỏ mà lòng yêu nước lớn lao. Có những Bà mẹ Việt Nam anh hùng dâng cả chồng và tất cả những đứa con yêu của mình. Đêm đêm mẹ vẫn trằn trọc đợi chờ, một đời khâu vá bên bức vách, mà ngọn đèn khuya leo lét vẫn thắp ấm một miền thương. Xin các mẹ hãy an lòng, bởi sự hy sinh ấy không hề vô ích. Sự hy sinh ấy sẽ tiếp tục được khơi dậy mỗi khi đất nước cần, như là dòng máu nóng đã chảy trong mỗi người dân.
Tổ quốc đã gọi tên mỗi người con Việt Nam. Lòng tôi rộn ràng, hồi hộp, nhớ đến biết bao ca khúc, giai điệu, đã hòa quyện cùng lịch sử, cùng những thăng trầm của dòng chảy lịch sử đất nước. “Tôi đang nghe Tổ quốc gọi tên mình/Bằng tiếng sóng Trường Sa, Hoàng Sa dội vào ghềnh đá/Sóng cuồn cuộn lên dáng hình đất nước/Một tấc biển cắt rời, vạn tấc đất đớn đau” (Nguyễn Phan Quế Mai).
Ai đã từng ra biển, ai đã từng đến Hoàng Sa, Trường Sa… đều cảm nhận sự thiêng liêng của hòa bình. Dân tộc ta đã đoàn kết, cùng chung tay bảo vệ Tổ quốc, thì cũng sẽ mãi mãi giữ vững tinh thần đó, phát huy sức mạnh để giữ vững chủ quyền biển đảo quê hương và toàn vẹn bờ cõi, như tinh thần Quốc khánh bất diệt.
Hôm nay, đoàn công tác đã vượt trăm nghìn con sóng để tìm hiểu về giá trị, sự rộng dài của bờ cõi Tổ quốc. Ở đó, có những gương mặt trẻ lần đầu đến với Trường Sa. Họ tiếp nối tinh thần của các đoàn công tác trước đó, cất lên lời hát, hỏi han, chia sẻ bằng những lời nhân nghĩa, ngọt ngào. Trên những gương mặt thân thương, các bạn trẻ đã để lại ấn tượng thật tốt đẹp, ấm nồng trong lòng các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ.
Dòng ký ức đầy đau thương và kiêu hãnh luôn nhắc nhở các bạn trẻ tới công ơn lớp lớp cha ông, thế hệ đi trước đã đổ máu, hy sinh để có ngày hòa bình như hôm nay. Để từng dáng núi, con sông êm đềm chảy, từng mái nhà hạnh phúc ấm êm. Mới hôm nào gần nhất, có bậc cha mẹ mất con, có người vợ, người con mất đi trụ cột. Các anh làm nhiệm vụ và ra đi quá đường đột, phía sau ấy là các em thơ, những người vợ trẻ khóc cạn nước mắt. Nỗi đau ấy lay thức hàng triệu quả tim đất Việt, nhắc nhở mỗi chúng ta không được phép lơ là, không được phép quên công lao của những người vẫn hằng ngày làm nhiệm vụ nơi biên cương, vùng hải đảo hay những nhiệm vụ đặc biệt. Nỗi đau ấy cũng quặn thắt, thôi thúc trong các bạn trẻ lòng biết ơn những người có công bằng những việc làm cụ thể, chung tay kiến tạo tương lai.
Vâng, quên làm sao được những con người đã đánh đổi tuổi đôi mươi rất trẻ để góp phần làm nên lịch sử, làm nên tên nước tên non. Từ miền ngược tới miền xuôi, từ vùng đồng bằng tới miền biển, nơi nào cũng có những tấm gương thương binh sáng ngời, anh dũng với cuộc chiến cơm áo, vực dậy kinh tế gia đình. Nhưng nhiều cựu chiến binh còn quá đơn sơ, vất vả, không thể gượng lên bởi những vết thương trên ngực tấy nhức chẳng bao giờ lành hẳn.
Tôi đã từng nhiều lần trở về Điện Biên thăm lại những di tích lịch sử, nơi diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, để tự hào về cha ông mình với truyền thống và văn hóa đánh giặc ngoại xâm, cũng như tài mưu trí kiệt xuất Đảng, Bác Hồ, của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi cũng từng đi lại con đường Tây Tiến trong thơ Quang Dũng, để thấy con đường ấy ngoài đời cũng “dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm” và cảm nhận không khí hoang liêu của một thời gian khó mà thế hệ cha ông đã trải qua. Tôi cũng đã đi thăm con đường tải gạo từ Thanh Hóa lên Điện Biên Phủ. Tất nhiên không thể đầy đủ và có nơi bị đứt đoạn, bởi đường hôm nay đã khác xưa, có làng bản mọc lên, nhưng cũng để cảm nhận không khí của thời quân và dân ta cùng đồng lòng hướng ra tiền tuyến, tạo nên sức mạnh quật khởi. Họ đã từng rất trẻ. Họ, với tinh thần và trách nhiệm, tự nguyện tải lương thực, đạn dược từ hậu phương ra tiền tuyến bằng sức người. Họ biết đường đi gian khó vô cùng và hiểm nguy chực chờ, nhưng vẫn không từ nan, dấn thân và quyết tâm vì một ngày chiến thắng.
Con đường hôm nay, dẫu được mở rộng, đổ nhựa phẳng, nhưng vô cùng xa xôi. Hành trình của chiếc xe cứ ngược dốc mà đi, chùng chình qua thác qua đèo, đủ khiến người ta mệt mỏi, nản lòng. Vậy mà người dân đã gánh gạo bằng vai, xuyên rừng, rẽ người mà đi, vịn tay mà đến. Đứng giữa một cung đường ở Quan Hóa (Thanh Hóa) hôm nay, tôi mường tượng ra những khuôn mặt của đoàn người hăm hở, lấm tấm mồ hôi đã cố nở ra nụ cười để xua đi cái mệt nhọc đường rừng. Họ trẻ quá và thân thương quá, cùng vững tin và gắng sức. Họ gánh và thồ. Hình ảnh của họ giản dị và đơn sơ mộc mạc nhưng được ví như “binh đoàn ngựa sắt”.
Tự hào và biết ơn. Tôi yêu quê hương mình, Tổ quốc mình với những người nông dân bình dị làm nên lịch sử. Tôi yêu và trân trọng những cung đường được xây dựng bằng xương máu của đồng bào, nay trở thành con đường xây dựng, phát triển kinh tế, đời sống ấm no. Hôm nay có mặt ở Mường Lát, tôi bỗng thư thấy có hàng vạn người đang ầm ầm ra trận, mang theo hào khí quật cường hướng về Điện Biên Phủ như đi trẩy hội.
Thời gian cứ trôi và đất nước lớn thêm. Những con người thừa hưởng giá trị đã tích cực làm lan truyền giá trị, dựng xây các chương trình tri ân, lập quỹ từ thiện, xây nhà văn hóa nơi đảo xa... Bao lớp người trẻ đã về thắp hương cho các liệt sĩ trong trận hải chiến Gạc Ma, chia sẻ những nỗi đau mất mát của thân nhân liệt sĩ. Giọt nước mắt của tuổi đôi mươi khóc cho các anh ngày ấy, những chàng trai ngã xuống khi chưa có người yêu. Lòng lại nhủ lòng, chúng em sẽ là những người kê cao quê hương.
Chính sách xã hội cũng đã vun bồi những mùa quả ngọt, những đóa hoa thơm, hỗ trợ kịp thời với các gia đình chính sách. Chính sách soi rọi tới những gia đình, thân nhân liệt sĩ, người có công một cách đủ đầy. Dẫu biết như thế chẳng thể nào bù đắp được bao mất mát hy sinh. Nhưng ấy là nghĩa cử, là truyền thống uống nước nhớ nguồn. Đó cũng không chỉ là tình cảm, trách nhiệm, mà thật sự là mệnh lệnh từ chính trái tim mỗi người được sống, hưởng nền hòa bình hôm nay.
Hiểu để hằng tin và gìn giữ những ký ức, tiếp tục lan truyền lòng yêu nước tới muôn sau. Để tinh thần độc lập, tự cường, tự tôn mãi là sợi chỉ đỏ cho muôn ước mơ đang chung tay xây dựng đất nước.
NGUYỄN VĂN HỌC