Diện mạo nông thôn mới Cẩm Giàng

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 18:07, 04/09/2018

Những ngày này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Cẩm Giàng rất vui mừng vì đã hoàn thành các tiêu chí của huyện nông thôn mới...

Nông thôn Cẩm Giàng ngày càng thay da đổi thịt

Luồng sinh khí mới

Xây dựng nông thôn mới (NTM) đã tạo ra "cuộc cách mạng" trên tất cả các lĩnh vực từ kinh tế đến văn hóa, xã hội cho người dân huyện Cẩm Giàng. Cảm nhận chung của người dân nơi đây, nhất là những người cao tuổi, người đi xa trở về là sự ngỡ ngàng xen lẫn niềm phấn khởi, tự hào. "Sau nhiều năm đi xa, bây giờ về lại quê hương tôi thấy nơi đây đã thay đổi toàn diện, không còn bóng dáng của sự nghèo khó nữa", ông Nguyễn Hữu Trâm, thôn Tràng Kỹ (xã Tân Trường) nói.

NTM như làn gió thổi luồng sinh khí mới, thúc đẩy phong trào xây dựng cơ sở hạ tầng của huyện Cẩm Giàng lan tỏa. Khắp nơi, từ chính quyền xã đến người dân đều tích cực khai thác nguồn lực, đóng góp công sức xây dựng thêm nhiều công trình. Nông thôn Cẩm Giàng đã thay da đổi thịt khi những ngôi nhà mái bằng, nhà cao tầng mọc lên san sát thay cho những ngôi nhà cũ. Người dân đã chuyển sang sử dụng nước máy thay cho nước mưa, nước giếng khoan. Chất lượng điện ngày càng ổn định, tạo thuận lợi cho đời sống sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Hệ thống các công trình công cộng thay đổi đáng kể. Các trạm y tế ngày càng khang trang, đáp ứng tốt nhu cầu khám chữa bệnh ban đầu cho người dân. Những lớp học chật chội, tạm bợ trong UBND xã, nhà văn hóa thôn được thay thế bằng lớp học khang trang, rộng rãi tại trường học trung tâm.

Cô giáo Phạm Thị Trinh, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Cẩm Vũ phấn khởi cho biết: "Chúng tôi vừa xây thêm công trình 2 tầng với 6 lớp học và 2 phòng chức năng. Được học trong những lớp học mới khang trang, sạch sẽ, cả cô và trò đều háo hức".

Bức tranh NTM của huyện Cẩm Giàng còn thể hiện trên các cánh đồng với những vựa rau, vùng lúa xanh mướt, trù phú. Sau dồn điền, đổi thửa, Cẩm Giàng đã quy hoạch được vùng chuyên canh cà rốt chất lượng cao rộng 300 ha ở các xã Đức Chính, Cẩm Văn, Cẩm Vũ; 120 ha dưa hấu tập trung ở các xã Đức Chính, Cẩm Vũ, Ngọc Liên, Cẩm Văn; 3 vùng nuôi thủy sản rộng 50 ha/vùng... mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân. Nhiều nông dân đã thành lập các doanh nghiệp góp phần tiêu thụ hàng hóa cho bà con và làm giàu cho chính mình. "Sau khi thành lập doanh nghiệp, tôi đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, bảo đảm đầu ra cho bà con nông dân. Do đó, người dân không còn lo lắng về tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp như trước đây nữa", anh Nguyễn Đức Điển, Giám đốc Công ty CP Chế biến nông sản xuất khẩu Tân Hương (xã Đức Chính) cho biết.

Chủ trương đúng đắn

Khi bắt tay vào xây dựng NTM, Cẩm Giàng gặp không ít khó khăn, trở ngại. Các xã có điểm xuất phát thấp, bình quân mới đạt 10 tiêu chí/xã. Nhận thức về NTM của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân còn mơ hồ, chưa thiết tha bắt tay vào các công việc. Vì thế, để xây dựng NTM hiệu quả, huyện Cẩm Giàng đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể.

Năm 2014, các xã Cẩm Sơn, Đức Chính được công nhận đạt chuẩn NTM đánh dấu bước ngoặt trong phong trào xây dựng NTM của huyện Cẩm Giàng. Đồng chí Trịnh Ngọc Thành, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng cho biết: "Qua khảo sát, đánh giá, chúng tôi thấy không chỉ về cơ sở vật chất mà đời sống tinh thần, thu nhập của người dân ở 2 xã này cũng cao hơn những địa phương khác. Sau 3 năm thực hiện, phong trào xây dựng NTM của các xã khác cũng có những chuyển biến mạnh mẽ. Đây là động lực để Huyện ủy Cẩm Giàng quyết định đề ra mục tiêu phấn đấu đạt huyện NTM vào năm 2018, sớm hơn kế hoạch 2 năm".

Thời gian bị rút ngắn trong khi khối lượng công việc nhiều, để thực hiện được mục tiêu trên, Cẩm Giàng đã xây dựng kế hoạch cụ thể, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên trong ban chỉ đạo, các cơ quan chuyên môn. Hằng tháng, các phòng, ban đều báo cáo tiến độ thực hiện với lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện. Lãnh đạo huyện cũng thường xuyên đi cơ sở nắm bắt tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ sở.

Để khích lệ phong trào, huyện Cẩm Giàng đã đưa ra những chính sách hỗ trợ cụ thể cho các xã khó khăn để về đích đúng tiến độ. Năm 2017, huyện trích 20 tỷ đồng từ nguồn vượt thu ngân sách địa phương hỗ trợ các xã xây dựng các công trình. Năm 2018, huyện ứng trước cho xã Ngọc Liên 3 tỷ đồng giải phóng mặt bằng, xây dựng các công trình; hỗ trợ mỗi xã 300 triệu đồng củng cố tiêu chí môi trường và giao thông nông thôn. Huyện Cẩm Giàng khuyến khích các xã khai thác nguồn đấu giá quyền sử dụng đất, nguồn hỗ trợ, ủng hộ của con em xa quê, doanh nghiệp đóng trên địa bàn, của nhân dân để xây dựng các công trình. Không chỉ sâu sát, quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, toàn thể cán bộ, đảng viên, tổ chức đoàn thể và nhân dân trong huyện đã chung sức, đồng lòng tạo nên thành quả hôm nay. 

Không bằng lòng với những gì đã đạt được, Cẩm Giàng đã xây dựng kế hoạch tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí trong thời gian tới. Trong đó, tập trung phát triển nông nghiệp, công nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân; đưa ra các giải pháp hữu hiệu giữ gìn môi trường, làng nghề. Khuyến khích 2 xã Cẩm Sơn và Đức Chính xây dựng NTM kiểu mẫu...

THANH HÀ

Trong 7 năm xây dựng NTM, tổng kinh phí huyện Cẩm Giàng huy động đạt trên 1.976 tỷ đồng. Trong đó, trên 250 tỷ đồng từ ngân sách trung ương, tỉnh, huyện; trên 236 tỷ đồng từ ngân sách xã; 148,5 tỷ đồng do nhân dân đóng góp, còn lại là các nguồn vốn khác. Huyện đã tiếp nhận 35.672 tấn xi măng để xây dựng 81,5 km đường thôn, xóm, 110 km đường trục chính ra đồng. Toàn huyện xây dựng 6trụ sở làm việc mới của Đảng ủy, UBND xã; 9 nhà văn hóa xã; 16 nhà văn hóa thôn, xóm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 41,5 triệu đồng, tăng 4 triệu đồng/người so với năm 2017.