Rủi ro từ những dự án chuyển đổi chủ đầu tư

Kinh tế - Ngày đăng : 11:18, 08/09/2018

Việc một số chủ đầu tư dự án xin chuyển đổi chủ đầu tư tuy không sai về mặt pháp lý nhưng ở mỗi trường hợp cụ thể đều tiềm ẩn những rủi ro.


Dù được cấp giấy chứng nhận đầu tư hơn 3 năm nay nhưng dự án khu đô thị nam cầu Hàn hiện vẫn chỉ là khu đất trống

Hiện nay, một số chủ đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh đã và đang xin chuyển đổi chủ đầu tư. Mặc dù các trường hợp này không sai về mặt pháp lý song ở mỗi trường hợp cụ thể đều tiềm ẩn những rủi ro.

Thành lập công ty con

Từ đầu năm 2018 đến nay, Công ty CP Bất động sản CT -chủ đầu tư dự án khu dân cư đô thị nam cầu Hàn, TP Hải Dương (dự án nam cầu Hàn) đã nhiều lần có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư xin được thay đổi nhà đầu tư thực hiện dự án. Lần gần đây nhất là cuối tháng 7.2018, công ty này đã xin chuyển đổi nhà đầu tư thực hiện dự án cho Công ty TNHH một thành viên F One Land có địa chỉ tại huyện Bình Giang. Công ty F One Land mới được thành lập tháng 7.2018 và được tách ra từ Công ty CP Bất động sản CT. Đề nghị của Công ty CP Bất động sản CT đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo và đề nghị UBND tỉnh chấp thuận. Trước đó, cuối tháng 4.2015, dự án nam cầu Hàn đã được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư với diện tích 129.260 m2 trên địa bàn các phường Việt Hòa và Cẩm Thượng. Tổng mức đầu tư các hạng mục hạ tầng kỹ thuật gần 129,5 tỷ đồng. Theo kế hoạch, dự án phải xây dựng xong hạ tầng kỹ thuật trong 24 tháng và hoàn thành toàn bộ dự án trong thời hạn 48 tháng kể từ ngày được bàn giao đất trên thực địa. Nhưng đến nay dự án này vẫn chỉ là khu đất trống.

Đã hơn một năm kể từ ngày có quyết định phê duyệt kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất, Công ty TNHH Đầu tư và Quản lý Hoàng Phúc ở quận Long Biên (Hà Nội) vẫn chưa triển khai các thủ tục để thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu phức hợp nhà hàng, khách sạn tiêu chuẩn 5 sao tại TP Hải Dương. Tháng 7 vừa qua, doanh nghiệp này lại đề nghị UBND tỉnh cho thành lập công ty con để thực hiện dự án nhưng không được UBND tỉnh chấp thuận.

Dự án sân gôn Ngôi sao Chí Linh cũng xin chuyển đổi, điều chỉnh dự án nhưng không phải chủ đầu tư đề xuất mà là đối tác đầu tư xin điều chỉnh. Do gặp khó khăn về tài chính nên để thực hiện giai đoạn 2 dự án, tháng 11.2017 chủ đầu tư dự án là Công ty CP Sân gôn Ngôi sao Chí Linh đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty CP Quản lý sân gôn Chí Linh. Sau khi ký kết hợp đồng, Công ty CP Quản lý sân gôn Chí Linh đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh điều chỉnh lại dự án. Biết động thái của đối tác, chủ đầu tư dự án sân gôn đã phản đối đề nghị điều chỉnh. Đồng thời, ngân hàng rót vốn cho chủ đầu tư đã gửi văn bản cầu cứu đối với các ngành chức năng của tỉnh. Bởi vì khoản nợ xấu hơn 590 tỷ đồng của Công ty CP Sân gôn Ngôi sao Chí Linh tại OceanBank nhiều năm trước chưa đòi được nên ngân hàng này có công văn đề nghị tỉnh không cho phép chuyển nhượng, thay đổi chủ sở hữu đối với các dự án của công ty và hỗ trợ ngân hàng xử lý khoản nợ xấu để thu hồi vốn.

Cần giám sát chặt chẽ

Việc thành lập công ty con rồi chuyển đổi chủ đầu tư thực hiện dự án là việc làm thường thấy của các ông trùm bất động sản và không bị pháp luật cấm. Thế nhưng việc xin chuyển đổi chủ đầu tư tại dự án nam cầu Hàn tiềm ẩn những dấu hiệu rủi ro. Bởi đầu tháng 2.2018, công ty này đã thành lập công ty con là Công ty TNHH một thành viên Bất động sản CT Hải Dương tại phường Quang Trung (TP Hải Dương) với vốn điều lệ 25 tỷ đồng. Chỉ một tháng sau, công ty mẹ gửi văn bản xin chuyển đổi chủ đầu tư cho Công ty TNHH một thành viên Bất động sản CT Hải Dương. Đến tháng 7.2018, Công ty CP Bất động sản CT lại đề nghị thay đổi chủ đầu tư thực hiện dự án nam cầu Hàn. Lúc này, chủ đầu tư đề nghị UBND tỉnh điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư đã cấp theo hướng giao
Công ty TNHH một thành viên F One Land làm chủ đầu tư.

Như vậy, chỉ chưa đầy 5 tháng, Công ty CP Bất động sản CT đã thành lập 2 công ty con tại Hải Dương và xin thay đổi chủ đầu tư dự án đến 2 lần. Với các cam kết cho vay tín dụng của ngân hàng thì công ty con vẫn có thể đủ điều kiện tài chính để hoàn tất thủ tục chuyển đổi chủ đầu tư. Trên thực tế, cả 2 công ty con của Công ty CP Bất động sản CT đều mới được thành lập và chưa có kinh nghiệm trong triển khai các dự án khu đô thị. Dư luận không khỏi băn khoăn về tiến độ thực hiện dự án này?

Trong dự án sân gôn Ngôi sao Chí Linh, việc vay vốn, hợp tác đầu tư giữa chủ đầu tư với các đối tác khác là các mối quan hệ kinh tế giữa các bên. Tỉnh chưa được hưởng lợi gì thì các ngành chức năng lại phải mất thời gian xem xét, giải quyết vướng mắc giữa các đối tác liên quan đến dự án. Cùng với đó, giai đoạn 2 của dự án vẫn chưa được triển khai và hơn 144 ha đất còn đang để hoang phí.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc thành lập công ty con rồi chuyển đổi dự án sẽ giúp tách riêng trách nhiệm của từng pháp nhân. Vì vậy, khi dự án của công ty con có vấn đề sẽ không ảnh hưởng nhiều tới công ty mẹ. Đặc biệt, đối với dự án đang vi phạm Luật Đầu tư thì việc chuyển nhượng chủ đầu tư dự án sẽ có nhiều rủi ro hơn. Để dự án hợp tác đầu tư được thực hiện đúng quy định, việc nghiên cứu, thẩm tra năng lực tài chính của các bên là rất quan trọng.

Nhằm góp phần cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh, hạn chế tối đa các dự án treo, chậm tiến độ hoặc nhà đầu tư thiếu năng lực, các sở, ngành chức năng của tỉnh nên thận trọng trong việc tham mưu UBND tỉnh chấp thuận việc chuyển đổi chủ đầu tư các dự án. Đồng thời, giám sát chặt chẽ việc triển khai thực hiện dự án của chủ đầu tư mới có thể xử lý rủi ro kịp thời.

PHAN ANH