Ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất vì đâu?
Kinh tế - Ngày đăng : 10:56, 09/09/2018
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định không có gì đáng lo ngại bởi đây chỉ là động thái ổn định chính sách tiền tệ, không gây áp lực lãi suất trong cuối năm.
Lãi suất tăng dao động 0,1 – 1,4%
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lãi suất tiết kiệm mới được các ngân hàng áp dụng tăng lên 0,1-1,4%/năm ở nhiều kỳ hạn theo hướng tiền gửi càng nhiều, kỳ hạn càng dài, lãi suất càng cao.
Mở đầu đợt tăng này là ngân hàng Bản Việt với mức tăng lãi suất mạnh nhất áp dụng cho khoản tiền gửi kỳ hạn trên 24 tháng từ 7,2% lên tới 8,6%/năm. Đây cũng là mức lãi suất tiền gửi ngân hàng dài hạn cao trên thị trường hiện nay.
Tiếp đến là VPBank với mức tăng thêm 0,1 - 0,2%/năm ở nhiều kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất tiền gửi từ 6 - 11 tháng được tăng thêm 0,2%, lên 6,7%/năm. Các kỳ hạn dài trên 12 tháng cũng tăng lên 7,1%/năm. Hiện lãi suất tiền gửi cao nhất tại ngân hàng này đang nằm ở kỳ hạn trên 24 tháng, với 7,4%/năm.
Còn SHB áp dụng tiền gửi kỳ hạn 6 -11 tháng thêm 0,2%. Hiện lãi suất với các mức kỳ hạn này dao động trong khoảng 6,8 - 6,9%/năm, cũng là mức cao nhất từ đầu năm của ngân hàng này.
Lãi suất điều chỉnh tăng thấp nhất là các ngân hàng TPBank, SeABank, Nam Á Bank, VIB Bank... với mức áp dụng được cộng thêm 0,1%/năm nhưng tiền gửi phải trên 2 tỷ đồng.
Bên cạnh việc tăng lãi suất huy động, lãi suất qua đêm liên ngân hàng cũng tăng cao, có nhiều thời điểm đắt hơn cả huy động từ dân cư. Cụ thể, lãi suất qua đêm liên ngân hàng ngày 27/8 lên tới 4,6%/năm, kỳ hạn 1 tuần cho tới 3 tháng đều ở mức khoảng 4,7%-4,9%/năm. Trong phiên 28/8, lãi suất liên ngân hàng hạ nhiệt đôi chút nhưng vẫn ở quanh mức 4,6% qua đêm và 4,7% - 5,1% từ 1 tuần cho tới 6 tháng.
Hiện tại, trên thị trường 1, lãi suất kỳ hạn 1 - 2 tháng của một số ngân hàng lớn chỉ dao động từ 4,1 - 4,3%/năm. Trước đó một tuần, các ngân hàng thậm chí còn phải vay nhau trên thị trường liên ngân hàng ở mức lãi suất cao hơn.
Ổn định tỷ giá và thanh khoản
Đối với kỳ hạn trung và dài, theo chuyên gia Bùi Quang Tín, từ ngày 1/1/2019 (Thông tư 06), NHNN yêu cầu tỷ lệ dùng vốn cho vay trung và dài hạn của các ngân hàng phải rút từ 45% xuống 40%. Để tuân thủ quy định này, các ngân hàng buộc phải đẩy lãi suất ở kỳ hạn trung và dài lên khá mạnh. Ngoài ra, để chuẩn bị đủ nguồn vốn thanh khoản cho cuối năm, thời điểm nhu cầu tín dụng, nhu cầu sử dụng vốn tăng cao nên các ngân hàng cũng đẩy mạnh tăng lãi suất.
Mặt khác, các chuyên gia cho rằng, xu hướng nâng lãi suất huy động là tất yếu do nhiều nước trên thế giới tăng lãi suất và USD tăng quá mạnh, làm áp lực lên nhiều đồng tiền khác. Việt Nam khó mà đứng ngoài xu hướng này, nhất là khi VND cũng mất giá khá nhanh so với USD khiến dòng tiền vào ngân hàng cũng bị ảnh hưởng.
Nhưng trong giai đoạn vừa rồi, theo chuyên gia Bùi Quang Tín, NHNN kiểm soát rất tốt tình hình và đang ở giai đoạn ổn định từ nay đến cuối năm, bởi NHNN có nhiều công cụ để điều chỉnh chính sách.
Cùng ý kiến này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho hay đây cũng là cơ sở cho việc tăng lãi suất gần đây chỉ mang tính cục bộ ở một số ngân hàng và ở một số kỳ hạn, khó diễn ra trên diện rộng. Song ông Hiếu cũng lo ngại, bất kỳ khi nào lãi suất huy động tăng cũng tạo áp lực lên lãi suất cho vay. Để giữ được biên độ lợi nhuận kỳ vọng giữa mặt bằng chung của lãi suất cho vay với huy động, các ngân hàng cần tranh thủ đẩy mạnh hoạt động tín dụng, trong đó có cộng thêm biên độ lãi suất tiền gửi.
Ngoài ra, việc giữ ổn định tỷ giá và lãi suất cũng vẫn còn phụ thuộc rất nhiều các biến số. Nhất là trong thời gian tới, nhiều khả năng Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục tăng lãi suất và chiến tranh thương mại Mỹ Trung vẫn căng thẳng, có thể sẽ khiến các ngân hàng phải gia tăng lãi suất để đảm bảo chênh lệch lãi suất tiền gửi đồng USD và VND để đảm bảo không xảy ra tình trạng người dân rút tiền gửi VND chuyển sang USD. Do đó, chuyên gia Tín cho rằng NHNN cần phải điều hành linh hoạt tỷ giá VND/USD, cấp vốn và tái chiết khấu nhằm ổn định lãi suất cuối năm.
Theo Tin tức