Đề nghị dừng dự án Luật Hành chính công
Chính trị - Ngày đăng : 16:34, 11/09/2018
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh, Trưởng ban soạn thảo trình bày tờ trình Luật Hành chính công
Dự án Luật này do đại biểu Quốc hội trình, được chuẩn bị công phu trong hai năm qua. Ban soạn thảo đã tổ chức 14 cuộc hội thảo khoa học để lấy ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức có liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế, các đối tượng chịu sự tác động của dự án Luật về dự thảo Luật Hành chính công và các vấn đề có liên quan; tiến hành khảo sát ở ba địa phương là Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và 11 bộ, ngành cơ quan Trung ương...
Thu hẹp phạm vi điều chỉnh
Tờ trình về việc xây dựng dự án Luật Hành chính công do đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh, Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật, trình bày Tờ trình khẳng định xây dựng Luật Hành chính công với mục đích trình Quốc hội xem xét thông qua một văn bản pháp lý có giá trị cao ở tầm luật để cùng với hệ thống pháp luật đã được ban hành thời gian qua nhằm thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 12 và các Nghị quyết hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ năm, sáu (khóa 12) của Đảng.
Dự án Luật cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quản lý hành chính nhà nước, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; tiếp tục thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính mà trọng tâm là thủ tục hành chính; đồng thời tăng cường, tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý và cung ứng dịch vụ công, thực hiện xã hội hóa việc cung ứng dịch vụ công trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa...
Dự thảo Luật gồm năm chương với 45 điều. Dự thảo Luật quy định thủ tục hành chính; dịch vụ công; mối quan hệ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính và dịch vụ công. Các vấn đề khác của hành chính công được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.
Nội dung này được nghiên cứu, nghiêm túc tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Thường trực Ủy ban pháp luật của Quốc hội, nhằm thu hẹp phạm vi điều chỉnh dự thảo Luật, tránh chồng chéo với các luật hiện hành; đồng thời chỉ tập trung vào những vấn đề chưa được quy định tập trung thống nhất ở tầm luật, mà chỉ được quy định ở Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, không bảo đảm tính ổn định, khả thi, khó bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá Ban soạn thảo dự án Luật đã hoạt động rất tích cực, nỗ lực tiến hành nhiều công việc cần thiết để chuẩn bị hồ sơ dự án theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ban soạn thảo đã rất cầu thị, nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thường trực Ủy ban Pháp luật (năm 2017), ý kiến tham gia của Chính phủ (hai lần vào năm 2017 và 2018) và các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức hữu quan; tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, đoàn khảo sát để có thêm tư liệu phục vụ chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ dự án.
Phạm vi điều chỉnh của dự án Luật đã được thu hẹp từ sáu nội dung xuống còn ba nội dung (gồm thủ tục hành chính; dịch vụ công; mối quan hệ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện thủ tục hành chính và dịch vụ công).
Đề nghị dừng dự án Luật Hành chính công
Thẩm tra dự án Luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, nếu giữ phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, Ban soạn thảo cần phải tổng kết một cách toàn diện, đầy đủ các quy định của pháp luật có liên quan từ đó xác định rõ sự cần thiết và phạm vi điều chỉnh; đồng thời xác định lại tên gọi để bảo đảm phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật.
Ban soạn thảo cần bổ sung xây dựng lại Báo cáo đánh giá tác động theo hướng xác định đầy đủ các nội dung chính sách mới để đánh giá cụ thể cả về định tính và định lượng các chính sách bảo đảm tính khả thi, đặc biệt là vấn đề liên quan đến dịch vụ sự nghiệp công, dịch vụ công ích; rà soát lại toàn bộ dự thảo Luật để chỉnh lý khắc phục những bất cập, hạn chế của các quy định.
Một số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, với Hồ sơ dự án Luật Hành chính công được chuẩn bị như hiện nay và để bảo đảm tính tương thích với hệ thống pháp luật hiện hành, chỉ nên xây dựng dự án Luật này theo hướng quy định về cách thức xây dựng, ban hành, thực hiện, kiểm soát, đánh giá thủ tục hành chính, bao gồm cả dịch vụ hành chính công như là một công đoạn trong thực hiện thủ tục hành chính (có thể gọi là Luật về Thủ tục hành chính).
Tuy nhiên, phương án xây dựng Luật về Thủ tục hành chính trước đây đã được Chính phủ đề nghị và Quốc hội đã đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh từ khóa 12 nhưng sau đó Chính phủ đã xin rút.
Qua thảo luận, nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo cần tập trung nghiên cứu để đảm bảo sự thống nhất, tính cụ thể, khả thi của dự án Luật. Tên gọi Luật Hành chính công được Quốc hội quyết định trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Khi đó, phạm vi điều chỉnh, mục đích ban hành Luật khác nhiều so với đề nghị của Ban soạn thảo lần này.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, từ phạm vi rất rộng, hiện phạm vi điều chỉnh của dự án Luật đã được thu hẹp lại, vì vậy cũng cần nghiên cứu tên gọi của luật xem có phù hợp không. Dự án luật này cần có sự chuẩn bị, đầu tư nhiều hơn nữa vì tính cụ thể, tính khả thi của như dự luật hiện nay chưa đạt yêu cầu.
Để bảo đảm tính khả thi của luật, nhiều ý kiến đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục tổng kết một cách toàn diện, đầy đủ các quy định của pháp luật có liên quan, từ đó xác định rõ sự cần thiết và phạm vi điều chỉnh; xác định lại tên gọi để bảo đảm phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật; bổ sung xây dựng lại Báo cáo đánh giá tác động theo hướng xác định đầy đủ các nội dung chính sách mới để đánh giá cụ thể cả về định tính và định lượng các chính sách bảo đảm tính khả thi.
Ban soạn thảo cần rà soát lại toàn bộ dự thảo Luật để chỉnh lý khắc phục những bất cập, hạn chế của các quy định; làm rõ mối quan hệ giữa Luật Hành chính công với các luật hiện hành.
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đề nghị Ban soạn thảo cần đặc biệt quan tâm đến tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ của Luật trong hệ thống pháp luật nói chung để bảo đám tính khả thi, không chồng chéo của Luật, tránh sự phá vỡ những quy định khác trong hệ thống pháp luật nói chung như một số ý kiến phát biểu đang băn khoăn, lo ngại.
Đánh giá ý tưởng xây dựng dự án Luật là rất tốt, Ban soạn thảo đã rất cố gắng, nỗ lực trong xây dựng, tuy nhiên Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng phải xem xét kỹ lưỡng nội dung của luật đã khả thi hay chưa; thời điểm ban hành có phù hợp hay không khi mà Chính phủ đã rút luật tương tự như luật này ra khỏi chương trình xây dựng luật. “Nên chăng, dự án Luật chỉ dừng lại ở một công trình nghiên cứu khoa học ghi dấu ấn của Ban soạn thảo," Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ bày tỏ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ mặc dù dự án Luật Hành chính công được chuẩn bị khá công phu nhưng do có sự trùng lặp với đối tượng điều chỉnh của các nghị định; ba yêu cầu quan trọng là sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tính khả thi và tính quy phạm chưa đạt yêu cầu; cùng với đó sự cần thiết ban hành luật chưa thực sự thuyết phục. Chủ tịch Quốc hội đề nghị "dừng luật này vì chưa đủ điều kiện trình ra Quốc hội."
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội đánh giá tài liệu, hồ sơ của dự án Luật là công trình nghiên cứu khoa học, có giá trị trong hoạt động lập pháp của Quốc hội.
Chủ trình phiên thảo luận, trên cơ sở các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu kết luận dừng dự án Luật Hành chính công. Ủy ban Pháp luật hoàn tất thủ tục để báo cáo với Quốc hội xin rút dự án luật này ra khỏi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ những tài liệu của dự án Luật Hành chính công có giá trị để nghiên cứu trong quá trình cải cách hành chính của đất nước; tham khảo, nghiên cứu trong quá trình xây dựng các luật chuyên ngành và tổ chức thực hiện.
Theo TTXVN