Nông dân Gia Lộc liên kết tìm đầu ra cho nông sản

Kinh tế - Ngày đăng : 05:14, 12/09/2018

Trong khi nhiều nơi vẫn lúng túng đi tìm đầu ra cho nông sản thì không ít hộ dân ở Gia Lộc đã tự liên kết tìm nơi tiêu thụ ổn định, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.


Nông dân thôn Lúa, xã Đoàn Thượng liên kết sản xuất theo đơn đặt hàng với các hộ thu mua nông sản trong thôn

Không chỉ nhanh chóng tiếp cận những kỹ thuật canh tác mới để sản xuất nông sản đáp ứng yêu cầu của thị trường, nông dân Gia Lộc còn chủ động liên kết với nhau, tự tìm đầu ra, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm.

Tự cứu lấy mình

Nhiều năm trồng rau màu bấp bênh, mất nhiều hơn được nên ông Vũ Thanh Tuyền ở thôn Đông Thượng, xã Đồng Quang quyết tâm phải tìm hướng đi mới. Ông Tuyền nói: "Sản xuất trông mong vào thời tiết còn tiêu thụ lại nhờ may rủi. Người dân làm ra nông sản nhưng ít được thương lượng giá cả cho công sức bỏ ra mà phần nhiều phụ thuộc vào tiểu thương. Điều này đã thôi thúc tôi tìm cách để tự cứu lấy mình. Hiện tại, tôi không những sản xuất mà còn trực tiếp tiêu thụ sản phẩm".

Sau khi nghiên cứu thị trường, ông Tuyền hợp tác với một số hộ trồng các loại rau màu có nguồn cung lớn. Ban đầu chỉ là quy mô trong thôn, khi thấy hiệu quả thì nhân rộng ra cả xã, huyện và giờ đây mô hình liên kết sản xuất với tiêu thụ của ông Tuyền đã phát triển liên tỉnh. Ngoài phối hợp sản xuất, tiêu thụ cho nông dân trong tỉnh, ông còn đặt hàng nông dân các tỉnh Sơn La, Thái Bình, Vĩnh Phúc... gieo trồng các nông sản thế mạnh của từng vùng. Nhằm tạo niềm tin cho người dân, năm2017, ông Tuyền đã thành lập HTX Sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn Toàn Lộc để có tư cách pháp nhân ký kết các hợp đồng bao tiêu. Thành viên trong HTX đều là những hộ sản xuất và thu mua nông sản trong xã. Ông Tuyền có trách nhiệm tìm đơn hàng, còn những thành viên khác sẽ liên hệ với nông dân, thỏa thuận các điều kiện sản xuất, thu mua.

Từ khi tổ sản xuất rau an toàn của thôn Lúa được thành lập vào năm 2017, bà Nguyễn Thị Triền ở xã Đoàn Thượng mới có thể yên tâm vì đầu ra cho nông sản ổn định hơn trước. Theo bà Triền, trước kia các hộ thường mạnh ai nấy làm, sản xuất theo kinh nghiệm, thói quen mà không quan tâm tới nhu cầu của thị trường. Vì vậy, tình trạng được mùa, mất giá diễn ra thường xuyên. Khi tổ sản xuất ra đời, mọi thứ đã thay đổi nhiều. Trong thôn có 10 hộ thu mua nông sản. Các hộ này có khả năng nắm bắt, dự báo nhu cầu của thị trường nên định hướng cho các hộ sản xuất lựa chọn loại cây trồng thích hợp. Do đó, rau màu sản xuất tới đâu bán hết tới đó, ít xảy ra chuyện ế thừa, bị ép giá. "Việc liên kết mang lại nhiều lợi ích. Chúng tôi không còn đơn độc mà đã chủ động trong sản xuất và tiêu thụ. Các hộ thu mua sẽ tìm kiếm và mở rộng thị trường, còn những hộ sản xuất sẽ tập trung gieo trồng, chăm sóc, bảo đảm làm ra nông sản an toàn, chất lượng", bà Triền phấn khởi nói.


Nhờ chủ động liên kết mà rau màu của nông dân Gia Lộc tiêu thụ thuận lợi hơn

Củng cố liên kết

Xã Hồng Hưng có 4 đầu mối thu gom nông sản lớn. Vài năm gần đây, nhiều hộ trong xã đã gieo trồng theo đơn đặt hàng của các cơ sở thu mua nhằm giảm thiểu rủi ro. Ngoài rau truyền thống, nông dân nơi đây còn phát triển đa dạng các loại cây trồng theo yêu cầu của thị trường. Ông Lê Xuân Minh, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã cho biết: "Bên cạnh mô hình liên kết mà HTX xây dựng với doanh nghiệp, các hộ cũng tích cực bắt mối với đơn vị thu mua để không bị động trong khâu tiêu thụ. Khi sản xuất phù hợp với thị trường thì đầu ra nông sản sẽ được khơi thông. Mặt khác, trong lúc chưa tìm được doanh nghiệp lớn bao tiêu thì những mối liên kết do người dân tự tạo ra nhằm kết nối sản xuất với tiêu thụ là thực sự cần thiết. Dù quy mô còn nhỏ lẻ nhưng đây chính là nền tảng cho các mô hình liên kết chuỗi bài bản, bền chặt về sau".

Gia Lộc là địa phương dẫn đầu trong sản xuất rau màu của tỉnh với diện tích gieo trồng hằng năm khoảng 6.000 ha. Vài năm gần đây, nông dân Gia Lộc đã chủ động liên kết sản xuất với tiêu thụ để hạn chế tình trạng cung vượt cầu. Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, hiện nay, trên địa bàn huyện có nhiều tổ liên kết nông dân được hình thành do yêu cầu bức thiết trong thực tế sản xuất. Mặc dù các mối liên kết còn lỏng lẻo, thiếu ràng buộc do chủ yếu xây dựng trên tinh thần tự nguyện nhưng đã cho thấy sự chủ động, tích cực của người dân với mong muốn có thể tự quyết định giá trị nông sản và bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực. Nếu các tổ liên kết sản xuất và tiêu thụ của nông dân được củng cố và phát triển thì đầu ra cho nông sản sẽ bảo đảm, tình trạng được mùa, mất giá sẽ không còn tái diễn.

NGUYỄN MƠ