Cám cảnh công nhân sinh con thứ 3
Xã hội - Ngày đăng : 17:23, 14/09/2018
Liên đoàn Lao động tỉnh phát tờ rơi tuyên truyền kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản cho công nhân nữ ở trọ tại khu 11, phường Bình Hàn (TP Hải Dương)
Trời sinh voi, trời không sinh cỏ
Hơn 1 tháng trước, chị Nguyễn Thị N. (công nhân Công ty TNHH May Trấn An, TP Hải Dương) sinh thêm con thứ 3. Đón chào thành viên mới cũng là lúc cuộc sống của gia đình chị N. thêm phần khó khăn, vất vả. Hai vợ chồng chị N. quê ở Ninh Giang, lên làm công nhân ở TPHải Dương đã ngót chục năm. Vợ chồng chị thuê một căn phòng trọ nho nhỏ ở phường Bình Hàn. Cuộc sống với đồng lương công nhân eo hẹp nên 2 lần trước, sau khi sinh con chưa được bao lâu vợ chồng chị N. đã phải gửi con về quê nhờ ông bà chăm sóc. Vậy nhưng vợ chồng chị N. vẫn cố sinh thêm đứa thứ 3 với mong muốn có con trai "nối dõi tông đường". Ngay từ khi mang thai chị N. đã cảm nhận được những vất vả đang chờ đón. Chị từng chia sẻ với những người hàng xóm: "Có khi sinh xong đứa thứ 3 tôi phải nghỉ việc công ty để về nhà chăm sóc các con. Cuộc sống đành phó thác đến đâu hay đến đấy, chứ mấy miệng ăn chỉ trông vào đồng lương của chồng tôi thì tằn tiện lắm chắc gì đã đủ". Đúng như dự báo, từ hôm chị N. sinh con đến nay, phòng trọ của vợ chồng chị luôn tối đèn. Dù làm ca đêm hay ca ngày, chồng chị N. cũng phải đi về đoạn đường khoảng 25 km để chăm vợ và các con, người anh gầy đi trông thấy.
Chị Nguyễn Thị Y. từng làm công nhân Công ty TNHH May Đồng Tâm (TP Hải Dương). Cũng chỉ vì muốn có con trai nên dù kinh tế khó khăn chị Y. vẫn quyết sinh thêm đứa thứ 3. Tuy nhiên, lần sinh này của chị Y. vẫn là con gái. Vậy nên ngoài vật chất, chị Y. còn chịu đựng thêm áp lực về tinh thần.
Theo bà Nguyễn Thị Đức Hạnh, Trưởng Ban nữ công Liên đoàn Lao động tỉnh, hiện nay nhiều người cho rằng chính sách dân số - KHHGĐ ở nước ta đã có sự nới lỏng hơn. Do đó tình trạng công nhân, người lao động sinh con thứ 3 cũng phổ biến hơn. Tuy nhiên, đời sống công nhân hiện nay còn nhiều khó khăn, nhất là đối với nhóm công nhân xa quê, phải đi ở trọ. Việc có thêm con sẽ khiến cho cuộc sống của họ bị ảnh hưởng không nhỏ về cả vật chất lẫn tinh thần.
Cần thay đổi tư duy
Hiện tỷ lệ sinh con thứ 3 ở tỉnh ta thuộc mức khá cao. Từ đầu năm 2018 đến nay, có tháng tỷ lệ này chiếm khoảng 17% số trẻ sinh ra và có xu hướng tăng hơn so với cùng kỳ năm trước. Phần lớn lực lượng công nhân lao động trong các doanh nghiệp là những người còn trẻ, vẫn trong độ tuổi sinh đẻ nên họ cũng đóng góp một phần không nhỏ làm gia tăng tỷ lệ này. Vô hình trung họ đã tự đẩy mình vào nhiều khó khăn phía trước. Ngoài ra, còn có một hệ lụy khác đối với công nhân nữ sinh con nhiều lần là họ có thể bị doanh nghiệp tìm cách sa thải. Trước đây đã có trường hợp một doanh nghiệp ở Tứ Kỳ thanh lý hợp đồng lao động với khoảng 15công nhân nữ sau khi sinh con. Chỉ khi có sự can thiệp kịp thời của tổ chức công đoàn và một số cơ quan chức năng, doanh nghiệp này mới đồng ý nhận lại những công nhân ấy. Thực trạng này vẫn có, bởi nếu hết hạn hợp đồng lao động đúng thời điểm nữ công nhân đang ở thời kỳ thai sản thì dù doanh nghiệp không tiếp tục ký hợp đồng lao động mới cũng không vi phạm quy định của pháp luật.
Theo bà Hạnh, các công đoàn cơ sở, các ban nữ công cần phải thực hiện nhiều chuyên đề hơn nữa về công tác dân số - KHHGĐ. Bản thân mỗi công nhân lao động với đặc thù thời gian làm việc nhiều, thu nhập vẫn ở mức hạn chế cần suy nghĩ chín chắn trước khi quyết định chào đón thêm những thành viên mới trong gia đình.
NGỌC THANH