Kinh doanh đồ cũ: Mua của người chán, bán cho người cần
Thị trường - Ngày đăng : 10:58, 19/09/2018
Kinh doanh sách cũ cũng đem lại lợi nhuận
Cũ người, mới ta
Kinh doanh đồ cũ gần 3 năm nay, chị Nguyễn Thị Xuân ở Phố Lý Quốc Bảo (TP Hải Dương) có khá nhiều kinh nghiệm. Chị Xuân cho biết những món đồ cũ phải bỏ đi lại quý đối với người khác. Vì vậy, những người kinh doanh đồ cũ sẽ giúp dọn sạch những đồ đạc không cần thiết nhưng sẽ giúp nhiều người lựa chọn được món đồ cần thiết với giá rẻ nhất có thể. Hiện chị Xuân cung cấp hàng trăm món đồ cũ, chủ yếu là nội thất gia đình hoặc văn phòng.
Nguồn mua đồ cũ của chị Xuân chủ yếu thông qua các cửa hàng đồng nát, một số doanh nghiệp có nhu cầu bán hàng tồn hoặc tìm kiếm ở những gia đình muốn bỏ đồ cũ... Thời gian gần đây, chị Xuân dùng Facebook để đăng mua những món đồ cũ. “Nhiều khi vừa đăng lên đã có từ 3-4 người vào hỏi để bán đi món đồ đã cũ mà mình không cần. Thậm chí khi mình đến lấy hàng thì có thể mua thêm được vài món đồ khác, có đồ họ còn cho không”.
Cửa hàng kinh doanh các thiết bị điện cũ Đạt Phương ở xã Hồng Hưng (Gia Lộc) trở thành địa chỉ quen thuộc với nhiều người. Không chỉ mua lại đồ cũ từ nhiều gia đình, cửa hàng Đạt Phương còn mua cả đồ cũ nhập khẩu như: điều hòa nhiệt độ, nồi cơm điện của Nhật Bản; bếp từ của Đức; loa của Mỹ về bán…
Anh Nguyễn Thế Tân ở phố Tống Duy Tân (TP Hải Dương) - tín đồ của hàng đã qua sử dụng cho biết: “Do kinh tế eo hẹp nên tôi thường tìm đến các cửa hàng đồ cũ để tìm mua những mặt hàng mình cần. Nhiều mặt hàng, giá chỉ bằng 50%, thậm chí 30% so với giá của đồ mới nhưng chất lượng cũng khá tốt. Cũ người nhưng mới ta mà”.
Kinh doanh đồ cũ được nhiều người lựa chọn bởi không cần vốn lớn, thậm chí không cần mặt bằng. Qua hình thức bán online cũng có thể thu hút được khách.
Chủ shop kinh doanh Thiểm Hương trên đường Thanh Niên (TP Hải Dương) cho biết kinh doanh đồ cũ qua hình thức online khá thuận lợi. Thông qua cộng đồng mạng, cửa hàng có thể bán được những mặt hàng cho người cần nhưng cũng có thể mua được những món đồ cũ mà người khác muốn bỏ đi. Chủ cửa hàng này cho biết kinh doanh đồ cũ có thể lãi từ 30-40%, thậm chí 60%. Mặt hàng kinh doanh khá đa dạng từ quần áo, sách, thiết bị điện đến các đồ gia dụng...
Cửa hàng Thiểm Hương trên đường Thanh Niên (TP Hải Dương) bán rất nhiều loại cửa cũ
Rủi ro cao
Kinh doanh đồ cũ đem lại lợi nhuận lớn nhưng cũng gặp không ít rủi ro. Anh Phạm Văn Duy chuyên bán điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh cũ ở xã Tân Hưng (TP Hải Dương) cho biết mới tháng trước, anh nhập về một lô gần 50 chiếc tủ lạnh bãi. Lúc kiểm tra thì toàn bộ số tủ lạnh đều chạy tốt nhưng chuyển về nhà được mấy hôm thì một số bị trục trặc. Cắm điện chạy thử thấy báo lỗi đo nhiệt độ. Với lỗi này rất khó có linh kiện thay thế. Một chiếc tủ lạnh với giá nhập khoảng 10 triệu đồng phải đem bán đồng nát.
Nhiều chủ kinh doanh đồ cũ thường tự nhận mình là dân buôn đồng nát. Có những mặt hàng để trong kho vài năm không ai mua đành phải bỏ đi. “Không thể giữ mãi để thành đồ cổ được. Nhiều mặt hàng hoen gỉ nếu không vứt đi thì nhà thành ổ chuột”, anh Duy nói.
Rủi ro khi mua đồ cũ đến với cả người mua. Anh Phạm Văn Đức ở phố Dương Quảng Hàm (TP Hải Dương) bỏ ra 3,8 triệu đồng mua chiếc máy vi tính cũ của Mỹ, giá bằng 1/5 so với máy mới. Tuy nhiên, máy đang dùng thì đột nhiên báo lỗi quạt gió. Anh Đức mang máy đi sửa, cửa hàng báo phải thay quạt với giá 2 triệu đồng. Chiếc quạt dùng cho máy tính này khá hiếm nên anh Đức phải đợi 1 tuần mới có linh kiện để thay. “Công việc rất gấp, toàn bộ dữ liệu ở trong máy nên tôi đành phải chờ sửa”, anh Đức nói.
Không ít cửa hàng kinh doanh đồ cũ cố tình nhập những mặt hàng bị cấm hoặc vốn là "rác thải công nghiệp" của nước ngoài về bán kiếm lời. Điều này không những ảnh hưởng đến thương hiệu hàng trong nước mà nhiều khi đưa người tiêu dùng vào cảnh “tiền mất, tật mang”.
HẢI MINH