Sáng chế bảo đảm an toàn giao thông của hai học trò

Xã hội - Ngày đăng : 18:16, 22/09/2018

Tính độc đáo của bộ sản phẩm này là nếu người điều khiển xe máy điện không đội mũ bảo hiểm thì xe sẽ không thể di chuyển.

Từ niềm đam mê cháy bỏng với khoa học và mong muốn giúp các bạn an toàn hơn khi đi lại bằng xe máy điện (XMĐ), 2 cậu học trò đã cụ thể hóa ý tưởng của mình thành bộ sản phẩm độc đáo nhằm bảo đảm an toàn giao thông (ATGT).

​​​​​​​
  "Bộ đôi xe máy điện và mũ bảo hiểm thông minh" được hai cậu học trò mày mò lắp đặt thành công

Sáng chế độc đáo

Hai học trò kể trên là Lương Đức Dũng và Phạm Minh Hiếu, cùng có đam mê sáng tạo và học cùng lớp 12A, Trường THPT Hoàng Văn Thụ, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương. Suốt gần 3 năm học, cùng nhau dong duổi trên chiếc XMĐ, Dũng và Hiếu đã chứng kiến không biết bao lần các bạn va chạm giao thông. Nhẹ thì trầy chân, xước tay, nặng thì vào viện rồi nghỉ học cả tuần. Từ đó, hai cậu học trò cùng bật lên câu hỏi: liệu có thể chế tạo ra thiết bị gì để giúp các bạn điều khiển XMĐ an toàn? Dũng, Hiếu chụm đầu lên ý tưởng và sản xuất thành công "Bộ đôi XMĐ và mũ bảo hiểm (MBH) thông minh".

Tính độc đáo của bộ sản phẩm này là nếu người điều khiển XMĐ không đội MBH thì xe sẽ đứng im. Phía lưỡi MBH và hai bên quai mũ nối với nhau thành một công tắc nên bắt buộc người điều khiển phải đội mũ, cài quai. Lúc đó tín hiệu từ mũ sẽ truyền tới bộ điều khiển, xe mới chuyển động. Hiếu và Dũng còn lắp đặt thêm bộ cảm biến trọng lượng gắn ở yên xe để khi người thứ hai không đội MBH ngồi lên thì công tắc ở bộ cảm biến sẽ gập xuống và tắt nguồn. Chỉ khi nào người thứ hai đội MBH và cài quai thì xe mới có thể chuyển động.

Bộ sản phẩm này còn bao gồm giải pháp chống chở ba người và chở quá tải. Thông qua bộ cảm biến trọng lượng gắn dưới xe, khi người thứ ba ngồi lên yên xe, giảm xóc sẽ bị nén xuống, chạm vào và tắt công tắc nguồn khiến xe không thể hoạt động. Nếu người thứ hai quá nặng thì chủ phương tiện có thể tùy chỉnh từng nấc sao cho phù hợp.

Sáng chế của hai em còn giúp người đi XMĐ phát hiện chướng ngại vật phía trước cách 5m nhờ bộ cảm biến được lắp vào hộp điều khiển. Khi đang di chuyển, nếu phát hiện chướng ngại vật thì bộ cảm biến sẽ bật còi cảnh báo, động cơ xe sẽ dừng lại và xe chỉ còn chạy theo quán tính.

Sáng chế “Bộ đôi XMĐ và MBH thông minh” còn được cài đặt thêm chức năng chống trộm dựa theo nguyên lý hoạt động của khóa cửa cuốn. MBH đóng vai trò như một chiếc khóa điện tử và xe chỉ hoạt động khi nhận diện được MBH “chính chủ”. Chiếc XMĐ còn được lắp thêm một chiếc loa mini để phục vụ cho những buổi dã ngoại. Tuy nhiên, người dùng không phải lo lắng về việc vừa đi xe vừa bật nhạc gây mất an toàn vì công tắc ở hộp điều khiển khiến xe không thể phát nhạc khi đang tham gia giao thông.

“Chúng em còn lắp đặt thành công hai bộ cảm biến ở hai bên hộp điều khiển để chống đi dàn hàng ngang. Hai bộ cảm biến này được thiết kế trễ 5 giây để phòng có người vô tình đi qua. Nếu thời gian đi dàn hàng ngang vượt quá 10 giây thì hai bộ cảm biến sẽ làm động cơ xe ngưng hoạt động, người lái phải giảm ga và giữ khoảng cách an toàn với người đi kế bên”, em Phạm Minh Hiếu cho biết.

"Lưu hành nội bộ"


Chiếc xe máy điện thông minh góp phần bảo đảm an toàn giao thông đã trở thành hiện thực sau 3 tháng Dũng và Hiếu mày mò chế tạo

Sau khi hoàn thiện sáng chế, đưa vào thử nghiệm thành công, cả Dũng và Hiếu đã đăng ký tham dự Cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh Hải Dương lần thứ XII (2017 - 2018) và Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học tỉnh Hải Dương (2017 - 2018) thuộc lĩnh vực "Phần mềm tin học".

Trong bản thuyết minh hồ sơ tham dự, tổng chi phí để lắp đặt các thiết bị cho một chiếc XMĐ là 1.310.000 đồng, nếu được sản xuất đại trà, chi phí sẽ thấp đi. Với tính thiết thực trong bảo đảm ATGT, sáng chế trên đã được Ban tổ chức hai cuộc thi trao giải nhất và giải khuyến khích. Ban Giám hiệu và các bạn học sinh Trường THPT Hoàng Văn Thụ đánh giá cao. Mặc dù vậy, đến nay, sáng chế của hai cậu học trò vẫn chỉ dừng lại ở mức "lưu hành nội bộ", nghĩa là chỉ có Dũng và Hiếu sử dụng mà không được nhân rộng.

"Ý tưởng của chúng em không phải đến bất chợt mà do cả một quá trình mày mò nghiên cứu trong khoảng 3 tháng. Trước đó, sáng chế này chúng em đã gửi tham dự một cuộc thi cấp tỉnh, song không đạt giải do còn một số hạn chế. Để hoàn thiện sản phẩm lần này, những dụng cụ, thiết bị được chúng em tìm mua tại các sửa hàng điện tử, sau đó về tháo rời lấy những thứ cần thiết. Rất may ý tưởng của chúng em được bố mẹ và các thầy cô ủng hộ nhiệt tình. Đáng nhớ nhất là khi chúng em bắt tay vào chế tạo, có một chú chủ cửa hàng sửa chữa xe máy tạo điều kiện hết mức để làm việc", Dũng chia sẻ.

Cô Nguyễn Thị Lý, mẹ của Dũng cho biết: "Khi biết Dũng và Hiếu lên ý tưởng sáng chế áp dụng cho chiếc XMĐ thông minh, bản thân cô và gia đình rất ủng hộ. Ngoài động viên về tinh thần, gia đình còn hỗ trợ kinh phí để các em mua thiết bị".

Mặc dù sáng chế đã được công nhận mang lại hiệu quả trong bảo đảm ATGT đối với người điều khiển XMĐ, song Dũng và Hiếu cũng không khỏi chạnh lòng vì chưa từng được một đơn vị, tổ chức nào liên hệ để tìm hiểu. "Từ lúc đến bắt tay vào thực hiện cho đến khi sản phẩm hoàn thiện chúng em chưa bao giờ mong mình nổi tiếng hoặc bán bản quyền. Chỉ mong các cấp, các ngành lưu tâm đến sáng chế này, để một ngày nào đó sản phẩm có thể áp dụng đại trà nhằm bảo đảm trật tự, ATGT", Dũng cho biết thêm.

TIẾN HUY - ĐỖ QUYẾT