Bắc Hưng Hải - công trình thế kỷ. Bài 1: Đại công trường

Kinh tế - Ngày đăng : 09:02, 01/10/2018

Chủ yếu làm thủ công nhưng chỉ sau thời gian ngắn, công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải đã hoàn thành những hạng mục đầu tiên, phục vụ đắc lực cho sản xuất nông nghiệp.

Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải dài 232 km và hàng nghìn km kênh nhánh nội đồng... Trong ảnh: Cống Cầu Xe (Tứ Kỳ), công trình đầu mối quan trọng của hệ thống Bắc Hưng Hải

Cuộc cách mạng thủy lợi

Bà Phạm Thị Huế ở thôn Cầu Lâm, xã Phạm Trấn (Gia Lộc) cho biết: "Khi chưa có hệ thống công trình thủy lợi BHH, vụ mùa nào nông dân quê tôi cũng nơm nớp lo mưa to, nước lớn lại ngập trắng đồng. Cấy lúa hai vụ bấp bênh, năng suất thấp nên đói kém, mất mùa liên tục. Vào vụ mùa, ở những vùng trũng thấp, chúng tôi chỉ biết cấy lúa hom vì chỉ giống lúa này mới chịu ngập tốt. Năng suất lúa vụ cao nhất cũng chỉ đạt 80kg/sào".

Cảnh "mười năm chín hạn", "sống ngâm da, chết ngâm xương" đã trở thành nỗi ám ảnh của nông dân nhiều địa phương trong tỉnh trước khi có hệ thống thủy lợi BHH. Trong khi nhiều vùng của các huyện Cẩm Giàng, Bình Giang thường xuyên phải chịu cảnh thiếu nước tưới thì những vùng trũng thấp ở Gia Lộc, Tứ Kỳ lại trở thành rốn lũ. Hệ thống thủy lợi manh mún đã làm cho việc điều tiết nước phục vụ sản xuất gặp không ít khó khăn. Giá trị sản xuất nông nghiệp đạt thấp.

Trước thực trạng trên, tháng 6.1956, Bộ Thủy lợi - Kiến trúc mà trực tiếp là ngành thủy lợi đã tập trung nghiên cứu xây dựng hệ thống thủy lợi BHH. Ngày 1.10.1958, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã cuốc nhát đầu tiên khởi công xây dựng cống Xuân Quan (Hà Nội), mở ra đại công trường thủy lợi BHH. Ban Chỉ huy đại công trường BHH làm việc như một bộ chỉ huy chiến dịch. Kế hoạch thực hiện các phần việc được vạch ra và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng công trường theo từng đợt, bảo đảm yêu cầu và phù hợp với hoàn cảnh của từng địa phương thời điểm đó.

Tại Hải Dương, Ban Chỉ huy đại công trường BHH yêu cầu thực hiện xây dựng các cống, đập ngăn nước trước, sau đó mới đào hệ thống kênh dẫn để nối mạch từ cống Xuân Quan về các cống Cầu Xe và An Thổ (Tứ Kỳ).

Theo ông Vũ Uyên, nguyên Giám đốc Công ty Tư vấn xây dựng, thủy lợi Hải Dương, đại công trình BHH được coi là cuộc cách mạng thủy lợi, khởi đầu cho công cuộc “vắt đất ra nước, thay trời làm mưa”. Công trình đã đáp ứng được yêu cầu bức thiết đổi mới sản xuất nông nghiệp, khắc phục tình trạng thiếu nước triền miên trong mùa khô hạn nhưng lại thừa nước nghiêm trọng mỗi mùa mưa bão ở các địa phương như TP Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh. 

Sức mạnh của toàn dân

Phụ nữ tích cực đào đắp công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải

Công trường thủy lợi BHH là nơi thể hiện sức mạnh đoàn kết của toàn dân, bởi thời điểm đó điều kiện máy móc vô cùng thiếu thốn, chỉ có vài chiếc xe tải, cần cẩu, máy phát điện nên phần lớn các công trình được làm thủ công, phụ thuộc vào sức dân. Các địa phương trong tỉnh được hưởng lợi từ công trình này đều phải cử người tham gia xây dựng công trình. Bà Nguyễn Thị Dợi ở xã Yết Kiêu (Gia Lộc) vẫn còn nhớ những ngày cùng nam nữ thanh niên trong làng đi đắp đê, đào kênh Đình Đào, một trong những công trình dẫn nước lớn của hệ thống BHH. Bà Dợi kể: "Ngày ấy, trừ người già, trẻ nhỏ, toàn bộ thanh niên nam nữ trong làng đều hăng hái tự nguyện đi dân công làm thủy lợi. Công trường đào kênh Đình Đào cách nhà chỉ vài cây số nên từ sáng sớm chúng tôi đi bộ mang cơm nắm, cuốc xẻng lỉnh kỉnh lên đường. Cả xã chia thành các nhóm đi dân công theo đợt, gối nhau. Nhóm này làm xong khối lượng công việc được giao thì nhóm khác lên thay". 

Có thời điểm công trường xây đập, đào kênh BHH ở Hải Dương huy động đến 2 vạn người. Dòng người đào đất, đắp kênh dài tới 3 cây số. Tại các công trường, lực lượng lao động được phân công nhiệm vụ khá cụ thể. Bộ đội tham gia chủ yếu vào việc đào hố, làm móng cống và các cửa kênh dẫn nước. Dân công huy động ở các địa phương chủ yếu đào kênh, làm lán trại, giải phóng mặt bằng hoặc sửa đường trên các công trường. Phong trào thi đua đào nhanh, đắp gọn được phát động khắp công trường. Nam giới có sức khỏe cường tráng được phân công đào đất còn chị em thay nhau chuyển đất lên đắp bờ kênh. Mỗi người đứng cách nhau chỉ từ 50-60 cm để chuyển đất nhịp nhàng, nhanh chóng. Ông Bùi Văn Trọng, nguyên Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi BHH cho biết: “Trên các công trình BHH, công nhân, lao động, dân công làm việc không ngừng nghỉ. Khí thế lao động hăng say từ công trường này truyền đến công trường khác”.

Tại Hải Dương các công trình của hệ thống thủy lợi BHH chính thức được khởi công từ những năm 60 của thế kỷ trước và hoàn thành khi cống An Thổ, chiếc cống ở vị trí cuối cùng trong hệ thống BHH được xây dựng xong năm 1978.

Tháng 10.1959, chính thức mở cống Xuân Quan dẫn nước về đồng ruộng các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương và một phần tỉnh Bắc Ninh. Ngày lấy nước vào cống Xuân Quan đã trở thành ngày hội của nhân dân mấy tỉnh. Người dân khi ấy tự hào gọi dòng nước BHH là “nước phấn khởi”. Bởi từ đây hàng trăm nghìn ha đất lúa ở những vùng khô hạn được tưới mát bởi dòng nước phù sa ngọt lành lấy từ sông Hồng chảy qua cống Xuân Quan về khắp các địa phương nơi có hệ thống BHH đi qua.

HẢI MINH

Khu vực BHH có diện tích tự nhiên 214.932 ha, thuộc các địa phương Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh và TP Hà Nội, được bao bọc bởi sông Hồng, sông Đuống, sông Luộc và sông Thái Bình. Công trình thủy lợi BHH được đưa vào sử dụng đã góp phần cấp nước tưới cho hơn 110.000 ha lúa, hoa màu, cây công nghiệp và 12.000 ha nuôi thủy sản. Tiêu úng cho hơn 192.000 ha lưu vực và cung cấp nước sinh hoạt cho hàng triệu nhân dân trong vùng. Đến nay, sau 60 năm xây dựng và hoàn chỉnh, hệ thống đại thủy lợi BHH đã có quy mô: 11 công trình đầu mối trên trục chính (các cống Xuân Quan, Báo Đáp, Kênh Cầu, Lực Điền, Bằng Ngang, Tranh, Bá Thủy, Neo, Cầu Xe, An Thổ và âu thuyền Cầu Cất), với tổng chiều dài 232 km và hàng nghìn km kênh nhánh nội đồng, trên 400 trạm bơm lớn với hơn 1.200 máy bơm công suất từ 1.000 - 8.000 m3/giờ…