Bắc Hưng Hải - công trình thế kỷ. Bài cuối: Bảo vệ công trình để sử dụng dài lâu
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 08:13, 04/10/2018
Tình trạng lấn chiếm trái phép đe dọa tới an toàn của hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Trong ảnh: Đào đất lấn chiếm kênh Đĩnh Đào đoạn qua xã Phượng Kỳ (Tứ Kỳ)
Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải (BHH) không chỉ phục vụ đắc lực cho sản xuất nông nghiệp mà còn mang tầm vóc lịch sử, là biểu tượng sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Nhưng trước những áp lực của phát triển kinh tế trong điều kiện mới, công trình đang bị nhiều tổ chức, cá nhân xâm phạm nghiêm trọng.
Vi phạm và hệ lụy
Bên cạnh làm nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho hơn nửa diện tích đất nông nghiệp của Hải Dương, hệ thống BHH còn có vai trò tiêu thoát nước cho khu vực này trong mùa mưa bão. Thế nhưng, vì lợi ích trước mắt mà nhiều cá nhân, đơn vị bất chấp quy định, xâm phạm nghiêm trọng hệ thống công trình. Những hành vi này vừa đe dọa tới việc bảo đảm an toàn tuyến kênh, vừa ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất nông nghiệp.
Trên địa bàn Hải Dương đang tồn tại gần 5.000 vi phạm bờ kênh BHH, trong đó nổi cộm nhất là tình trạng xây dựng công trình trái phép trong hành lang bảo vệ bờ kênh và xả thải không phép vào công trình.
Huyện Tứ Kỳ là điểm nóng vi phạm công trình thủy lợi BHH. Toàn bộ các tuyến kênh thuộc hệ thống đi qua địa bàn đều phát sinh vi phạm. Theo ông Vũ Huy, Trạm trưởng Quản lý công trình cống Cầu Xe, An Thổ, vi phạm tại huyện Tứ Kỳ rất phức tạp và khó xử lý. Nhiều đoạn kênh đã bị biến dạng, kết cấu địa chất thay đổi vì hành vi xâm lấn của người dân. Không những vậy, tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại dòng kênh cũng ngày càng báo động bởi hoạt động xả thải không đúng quy định của các cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Bờ kênh bị lấn chiếm, chất lượng nước trong kênh không bảo đảm đã gây ra nhiều nguy cơ với sản xuất nông nghiệp và đời sống sinh hoạt của người dân. Từ đầu năm tới nay, bờ kênh BHH thuộc phạm vi của tỉnh đã xuất hiện 13 sự cố sạt lở. Có những điểm sạt lấn sâu, đe dọa tới toàn hệ thống. Cùng với đó, nước thải chưa qua xử lý từ các cụm công nghiệp, khu dân cư xả trực tiếp vào hệ thống, gây ô nhiễm nguồn nước làm cho sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn và có nhiều thời điểm bị gián đoạn. Nhiều vụ, mặc dù trong giai đoạn đổ ải, tưới dưỡng cây trồng nhưng các trạm bơm ở các huyện Cẩm Giàng, Gia Lộc, Bình Giang phải dừng bơm vì nước tưới không bảo đảm chất lượng.
Hệ thống BHH là công trình thủy lợi huyết mạch của nhiều địa phương nên vi phạm càng nghiêm trọng thì hậu quả càng nặng nề. Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi đã từng thẳng thắn chia sẻ: “Hệ thống BHH - niềm kiêu hãnh, tự hào một thời của nhân dân Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh và Hà Nội đang dần bị biến thành thảm họa môi trường. Nhiều điểm công trình trước kia là động lực thúc đẩy sản xuất thì giờ đây trở thành nơi tập kết rác thải và chứa nước thải. Nếu các địa phương không kiên quyết xử lý vi phạm thì dòng kênh BHH sẽ không những không phát huy hiệu quả mà còn gây ra hiểm họa khó lường”.
Cần giải pháp đồng bộ
Mặc dù vẫn giữ vai trò trọng yếu trong sản xuất nông nghiệp của 4 tỉnh, thành phố nhưng năng lực phục vụ của hệ thống BHH khó đáp ứng được những yêu cầu hiện tại. Những thay đổi về cơ cấu cây trồng đòi hỏi việc vận hành, điều tiết nước phải linh động, khẩn trương. Trong khi đó, máy móc, thiết bị trong hệ thống đã xuống cấp, lạc hậu. Mặt khác, biến đổi khí hậu làm thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường và là nguyên nhân suy kiệt nguồn nước tưới. Điều này tác động lớn tới việc duy trì lượng nước đáp ứng nhu cầu sản xuất. Vi phạm nhiều nên việc điều hành hệ thống hiện nay gặp nhiều trở ngại. Chính vì vậy, phải có giải pháp đồng bộ để hạn chế bất lợi và nâng cao năng lực công trình.
Theo ông Đặng Duy Hiển, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi BHH, trong tình hình mới, hệ thống BHH phải đảm nhiệm vai trò nặng nề hơn là phục vụ sản xuất đa mục tiêu. Tuy nhiên, với hiện trạng công trình như hiện nay thì khó có thể bảo đảm yêu cầu này. Vì vậy, ngoài việc đề nghị các địa phương xử lý triệt để các vi phạm ảnh hưởng tới hệ thống, công ty đang rà soát lại quy hoạch thủy lợi, qua đó đề xuất các giải pháp quản lý và khai thác công trình hiệu quả hơn. Trong đó, chú trọng việc tính toán, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên nước để vừa đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị sản xuất, vừa bảo đảm phòng chống úng và giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường nước, môi trường sinh thái theo hướng phát triển bền vững.
Khẳng định sản xuất nông nghiệp của Hải Dương được hưởng lợi nhiều từ hệ thống BHH, ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cam kết sẽ làm hết trách nhiệm để giải quyết dứt điểm các vi phạm trên địa bàn tỉnh. Nhưng do hệ thống trải dài trên 4 tỉnh, thành phố, lại vận hành liên hoàn nên cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương trong việc xử lý vi phạm, nhất là về vấn đề xả thải. Hải Dương nằm ở khu vực hạ lưu của hệ thống, nếu xảy ra ô nhiễm nguồn nước sẽ bị ảnh hưởng nặng nhất. Vì vậy, để hệ thống BHH có thể phát huy hiệu quả lâu dài, tỉnh cũng mong muốn các tỉnh, thành phố đang cùng khai thác hệ thống thủy lợi BHH có sự thống nhất trong giải pháp xử lý vi phạm.
DŨNG CƯỜNG