Những ký ức sâu đậm về đồng chí Đỗ Mười

Tin tức - Ngày đăng : 06:54, 06/10/2018

Những kỷ niệm sâu sắc với đồng chí Đỗ Mười đã trở thành dấu ấn khó phai trong lòng nhiều cán bộ tỉnh Hải Dương.


Tổng Bí thư Đỗ Mười nói chuyện với bà con nông dân xã Thống Nhất, huyện Gia Lộc, ngày 31.8.1997. Ảnh: TTXVN

Đối với đồng chí Nguyễn Sỹ Thư, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Đỗ Mười vừa là thủ trưởng vừa là người anh thân thiết. Đồng chí Thư chia sẻ: "Mấy ngày nay, khi biết tin đồng chí Đỗ Mười từ trần lòng tôi không lúc nào nguôi thương tiếc, giống như mình vừa mất đi một người thân". Đồng chí Thư nhớ lại: Tôi được gần gũi, gắn bó với đồng chí Đỗ Mười ở nhiều lĩnh vực, cương vị khác nhau. Ấn tượng lần đầu tôi được gặp đồng chí Đỗ Mười là đầu những năm 50 của thế kỷ trước khi tôi đang đảm nhiệm cương vị Bí thư Huyện ủy Ninh Giang. Đồng chí Đỗ Mười khi đó là Bí thư Khu ủy, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính khu kiêm Chính ủy Quân khu Tả Ngạn. Hôm đó, mới đầu giờ sáng tôi nhận được thông báo đồng chí Đỗ Mười về Thái Bình và ghé qua làm việc tại huyện Ninh Giang. Về đến nơi, đồng chí bảo chúng tôi cho đi kiểm tra hoạt động sản xuất ở các xã trong huyện. Đến đâu đồng chí cũng trò chuyện thân tình với cán bộ, chiến sĩ và người dân địa phương. Nói chuyện với cán bộ huyện Ninh Giang, đồng chí Đỗ Mười căn dặn: Ninh Giang là huyện có các phong trào sản xuất, chiến đấu tiêu biểu của tỉnh Hải Dương. Ngoài ra, Ninh Giang có vị trí chiến lược quân sự rất quan trọng. Đây là nơi có nhiều tuyến đường giao thông chắp mối nhiều tỉnh, thành phố. Vì vậy, bảo vệ vị trí huyết mạch này là nhiệm vụ cách mạng vinh dự song cũng rất nặng nề của quân và dân nơi đây".

Nhớ về nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, đồng chí Nguyễn Hoài Bắc, nguyên Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh xúc động cho biết: Đối với tôi, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười là một người thầy trong cuộc đời hoạt động cách mạng và công tác. Ngay từ thời đồng chí Đỗ Mười đảm nhiệm cương vị Bí thư Khu ủy, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính khu kiêm Chính ủy Quân khu Tả Ngạn cho đến sau này, ông luôn có những quan tâm sâu sắc đến mảnh đất Hải Dương. Khi ta mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng chí Đỗ Mười đã ra một mệnh lệnh cho các địa phương và đơn vị trong khu Tả Ngạn: “Căng địch ra, kéo lực lượng cơ động của địch về giam chân chúng lại, không cho chúng đưa nhiều lực lượng Tả Ngạn đi các chiến trường khác”. Chấp hành mệnh lệnh đó, bộ đội địa phương trong tỉnh đã mở những đợt tổng công kích đường 5, tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng làm ngưng trệ việc vận chuyển binh lính và phương tiện chiến tranh của địch hàng tuần lễ.

Các chuyến làm việc tại Hải Dương của đồng chí Đỗ Mười thường đột xuất, không báo trước. Về địa phương, ông thường đi về cơ sở kiểm tra tình hình sản xuất, các công trình thủy lợi, đê điều và đời sống của các gia đình. Có một lần về làm việc với tỉnh nhà, đồng chí bảo: "Hôm nay, tôi về là để mua gạo Tết cho Hà Nội. Bên Thái Bình đã đồng ý bán cho Hà Nội 5.000 tấn gạo, còn Hải Dương các đồng chí cũng bán cho Hà Nội 5.000 tấn nhé".

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười với đại biểu dự Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Hưng khóa VI năm 1991 

Đối với đồng chí Phạm Văn Bảo, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh, những kỷ niệm về nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười vẫn còn in đậm. Đồng chí Phạm Văn Bảo nhớ lại: Trong quãng thời gian công tác, tôi đã vinh dự được một số lần gặp đồng chí Đỗ Mười. Nhưng kỷ niệm sâu sắc nhất là cuối năm 1997, khi đó đồng chí Đỗ Mười là Tổng Bí thư. Hôm đó, Văn phòng Tỉnh ủy gọi điện mời tôi sang làm việc vì có đồng chí Đỗ Mười về. Khi tôi đến, anh Lê Đức Bình, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hải Hưng, nguyên Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Trợ lý Tổng Bí thư bảo: Hôm nay đồng chí Đỗ Mười về công tác tại tỉnh Thái Bình sau sự kiện nông dân đấu tranh biểu tình. Trên đường về Hà Nội lúc gần đến Hải Dương, đồng chí bảo: "Trời còn sớm, ta rẽ vào Tỉnh ủy Hải Dương một chút". Tại buổi gặp mặt, trong câu chuyện về Thái Bình, đồng chí Đỗ Mười nhấn mạnh đến nay tình hình Thái Bình đã tạm ổn định. Sự việc vừa qua không chỉ là tổn thất lớn cho Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thái Bình mà còn là bài học sâu sắc đối với các địa phương trên cả nước, trong đó có Hải Dương. Rồi bỗng gương mặt đồng chí chùng xuống, giọng gay gắt, quyết liệt: Các anh đừng tưởng rằng mình sống gần dân là hiểu hết dân đâu. Những năm qua, Thái Bình làm được nhiều việc tốt sinh ra chủ quan dẫn đến quan liêu, xa dân, không nghe dân, dù đó là những ý kiến thẳng thắn, xây dựng. Dân bất bình khiếu kiện không được giải quyết, từ một số xã đã lan ra đến nhiều xã của tỉnh làm ảnh hưởng đến tình hình chính trị, sản xuất và các hoạt động khác. Bài học đắt giá ở Thái Bình các địa phương phải nghiêm khắc rút kinh nghiệm, không để xảy ra tình trạng tương tự. Chúng ta cần có những thay đổi mạnh mẽ. Bộ Chính trị đang dự thảo chỉ thị về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở để tới đây ban hành.

Đồng chí Bảo kể tiếp: Khi đồng chí Đỗ Mười nói đến đây, đồng chí Lê Đức Bình đưa cho tôi xem bản dự thảo. Tôi thấy trong đó nhấn mạnh: "Mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa phát huy quyền làm chủ của nhân dân là mục tiêu đồng thời là động lực bảo đảm cho thắng lợi của cách mạng, của công cuộc đổi mới". Câu chuyện của đồng chí Đỗ Mười khiến tôi cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh như vỡ ra. Sau đó, ngày 18.2.1998, Bộ Chính trị đã ban hành chỉ thị về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Đến nay, sau 20 năm, việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở vẫn giữ nguyên giá trị.

NGỌC HÙNG