Gương mẫu để tạo dựng uy tín

Tin tức - Ngày đăng : 11:25, 06/10/2018

Nhiều ý kiến nhận định, việc có một quy định mới về nêu gương là rất cần thiết, nhất là trong điều kiện hiện nay khi những hành động, lời nói của lãnh đạo rất được quan tâm.

Quang cảnh phiên thảo luận. Ảnh: Phương Hoa

Tại Hội nghị Trung ương 8 (Khóa XII) đang diễn ra đã xem xét, thảo luận về Dự thảo “Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng”.

Dự thảo nêu 9 nội dung yêu cầu từng Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải gương mẫu đi đầu thực hiện và 9 nội dung phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống.

Như nhiều ý kiến nhận định, việc có một quy định mới về nêu gương với những yêu cầu cụ thể là rất cần thiết, nhất là trong điều kiện hiện nay khi những hành động, lời nói của lãnh đạo rất được quan tâm. Việc nêu gương, nhất là đối với cán bộ, đảng viên cấp cao được thực hiện tốt sẽ tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong Đảng, chắc chắn sẽ đẩy lùi được tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa.

Nêu gương không chỉ ở lời nói

Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng), sinh thời Bác hay nhắc câu nói mà nhân dân đã tổng kết “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Điều này cho thấy cán bộ đảng viên của chúng ta ở nhiều thời kỳ, nhiều chặng đường đã thể hiện tính tiên phong, gương mẫu, được nhân dân tin tưởng. Về mặt ý nghĩa, đó là còn sự cụ thể hóa quy định của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, tức là phải coi trọng xây dựng Đảng về đạo đức. Bởi trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên là một chuẩn mực của đạo đức cách mạng. Nêu gương không phải chỉ ở lời nói mà quan trọng là thể hiện qua việc làm, hành động, đức hy sinh, tận tâm với dân với nước.

“Tính tiên phong, nêu gương của các đội ngũ lãnh đạo cấp cao được thực hiện tốt sẽ tác động rất lớn. Trước hết làm cho cán bộ cấp dưới như ở cấp tỉnh, huyện, xã nhìn vào để sửa chữa những mặt chưa được, phấn đấu noi theo những mặt tích cực. Điều quan trọng hơn, việc đó còn lan tỏa ra ngoài xã hội, tạo sự tin tưởng, đồng thuận của người dân” – ông Nguyễn Trọng Phúc nhận định. Đồng thời cho rằng, quan trọng nhất trong việc nêu gương là trong công việc, phải tận tâm, làm hết trách nhiệm, nói như Bác Hồ là thể hiện tinh thần phụ trách trước Đảng, Nhà nước và nhân dân. Về lối sống, đạo đức, người cán bộ, đảng viên phải rèn luyện tu dưỡng thế nào để hoàn thiện mình và trở thành một tấm gương. Một trong những điều cần nêu gương là không được tham nhũng, khi không tham nhũng thì cấp dưới và người dân nhìn thấy rất tin cậy; rồi nêu gương trên các mối quan hệ.

Tạo được sự tin tưởng

Nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở (Ban Tổ chức Trung ương) Nguyễn Đức Hà nhận định: Dù Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có quy định về nêu gương nhưng thực tế vừa qua cho thấy, rất nhiều cán bộ lãnh đạo quản lý chủ chốt các cấp, trong đó có cả cán bộ cấp cao vi phạm khuyết điểm, vi phạm pháp luật phải xử lý. Điều đó cho thấy trách nhiệm nêu gương của một số lãnh đạo cấp cao chưa tốt, cho nên việc nêu gương chưa trở thành việc làm thường xuyên, liên tục, chưa thành nền nếp, chưa thành các công việc cụ thể hàng ngày của mỗi cán bộ, đảng viên. Mà đây lại là yếu tố quan trọng nhất, nó thể hiện tính tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên. Mục tiêu mà quy định lần này hướng tới là sự nêu gương sẽ diễn ra hàng ngày, hàng giờ, gắn với công việc cụ thể của mỗi cán bộ, đảng viên, trở thành nét văn hóa trong đời sống của mỗi cán bộ, đảng viên.

Cũng thể hiện sự tin tưởng vào việc Trung ương đang làm, đang triển khai, đang quyết tâm xây dựng chỉnh đốn Đảng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt cho rằng, quy định này là hết sức đúng đắn. Việc thực hiện nghiêm ở trên sẽ tạo sức lan tỏa, thuyết phục xuống phía dưới; trên nghiêm nhất định dưới nghiêm; trên gương mẫu nhất định dưới theo; trên làm tốt nhất định nhân dân tin tưởng.

Nhiều ý kiến cho rằng, quy định về nêu gương muốn có tác dụng phải gắn với các quy định khác của pháp luật, đặc biệt là vai trò giám sát của nhân dân, dư luận… Đồng thời, khi ban hành, cần phải triển khai, đánh giá một cách toàn diện, bởi dám nhìn vào sự thật, đánh giá đúng con người, đúng sự thật là hết sức quan trọng.

TRẦN HÀ (Kinh tế & Đô thị)