Hiệu quả chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 08:20, 12/10/2018
Phát thuốc, khám bệnh cho người bệnh động kinh tại Trạm Y tế xã Chi Lăng Bắc (Thanh Miện)
Những năm qua, Dự án "Chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng" đã giúp người bệnh tâm thần (BTT) được điều trị ngay tại tuyến y tế cơ sở, cải thiện tình trạng bệnh, góp phần để người bệnh hòa nhập với cộng đồng.
Nâng cao nhận thức
Toàn tỉnh hiện có 11.786 người tâm thần, trong đó có 4.307 người tâm thần phân liệt, 5.112 người rối loạn tâm thần, còn lại là các đối tượng tâm thần khác. Trước áp lực của cuộc sống, số người mắc BTT có xu hướng gia tăng trong khi điều trị căn bệnh này đòi hỏi cả một quá trình lâu dài, sự kiên trì. Đã có nhiều người tâm thần có hành vi nguy hiểm cho gia đình, cộng đồng như đập phá tài sản, đánh người, gây án mạng, đi lang thang gây mất trật tự an toàn xã hội. Thực tế cho thấy hiểu biết của nhiều người dân về BTT chưa cao, nhiều người cho rằng BTT mang yếu tố tâm linh, ma quỷ nên tìm cách cúng bái chứ không chữa bằng phương pháp y học hiện đại.
Từ năm 2001, Dự án "Chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng" bắt đầu triển khai, giúp người BTT được tư vấn, thăm khám, uống thuốc điều trị miễn phí ngay tại cộng đồng. UBND tỉnh giao Bệnh viện Tâm thần Hải Dương chủ trì thực hiện dự án. Hiện nay, dự án tiếp tục được duy trì ở 264 trong tổng số 265 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Hiện chỉ có xã Kênh Giang (Chí Linh) không có bệnh nhân tâm thần phân liệt, động kinh nên không triển khai chương trình này.
Từ năm 2015 đến nay, Phòng Chỉ đạo tuyến (Bệnh viện Tâm thần Hải Dương) đã tổ chức hàng trăm lớp tập huấn về biện pháp ngăn ngừa, loại trừ các nguyên nhân gây bệnh, phát hiện sớm, điều trị tích cực, phục hồi chức năng cho người BTT phân liệt, động kinh... cho hàng nghìn lượt cán bộ y tế ở trung tâm y tế cấp huyện, cán bộ y tế tuyến cơ sở. Nội dung tuyên truyền được phát trên đài truyền thanh cấp xã và thông qua những tờ rơi, cuốn sách nhỏ. Công tác tuyên truyền góp phần phòng chống, cải thiện sức khỏe của người BTT ở cộng đồng; nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị, hạn chế người bệnh chuyển sang mạn tính và kháng thuốc.
Hằng tháng, các bác sĩ của Phòng Chỉ đạo tuyến xuống cơ sở thăm khám cho người bệnh đang được quản lý, điều trị tại cộng đồng. Căn cứ vào kết quả khám, các bác sĩ sẽ đưa ra kế hoạch tăng hoặc giảm liều điều trị phù hợp với tình trạng bệnh tật của người bệnh.
600 bệnh nhân được dừng điều trị
Trạm Y tế xã Phúc Thành (Kinh Môn) đang quản lý và điều trị cho 15 bệnh nhân tâm thần, trong đó có 12 bệnh nhân tâm thần phân liệt, 3 bệnh nhân động kinh. Các bệnh nhân được phát thuốc định kỳ 2 lần/tháng. Hằng tháng, các cán bộ, nhân viên của trạm y tế tiến hành giám sát bệnh nhân chặt chẽ thông qua việc kiểm tra quá trình bệnh nhân uống thuốc tại nhà, tái khám, kịp thời phát hiện những trường hợp uống thuốc không đều, bỏ thuốc, không tái khám mà không rõ lý do. Qua đó, các cán bộ, nhân viên y tế của trạm kịp thời nhắc người nhà bệnh nhân giúp người bệnh tuân thủ quá trình điều trị, uống thuốc đúng giờ, đủ liều, tái khám theo định kỳ. Do đó đến nay, xã Phúc Thành không có bệnh nhân tâm thần nặng, bỏ nhà đi lang thang.
Mỗi lần bệnh nhân hoặc người nhà người bệnh ra trạm y tế lấy thuốc, các cán bộ, nhân viên y tế của Trạm Y tế xã Chi Lăng Bắc (Thanh Miện) đều dặn dò chu đáo. Họ hiểu hoàn cảnh, nắm rõ tình trạng bệnh tật của 17 bệnh nhân tâm thần đang được quản lý và điều trị tại xã. Với những bệnh nhân mắc BTT phân liệt, mất ý thức, các y, bác sĩ dặn dò chu đáo, tỉ mỉ với người nhà bởi lẽ việc phối hợp với gia đình đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều trị của người bệnh. Những lần vì công việc bận rộn hay lý do nào đó mà người bệnh, người nhà quên không tới trạm lấy thuốc, họ mang vào tận nhà cho bệnh nhân. Bà Vũ Thị L. (43 tuổi) ở thôn Tào Khê bị bệnh động kinh từ khi còn nhỏ, có những lúc bệnh tái phát đột ngột khiến bà không kịp trở tay. Bà cho biết: "Nhờ có thuốc phát về tận trạm y tế xã nên những người bệnh như chúng tôi không phải đi lại vất vả. Các y, bác sĩ cũng thường xuyên hỏi han, thăm khám nên tôi rất yên tâm. Hằng ngày, tôi vẫn uống thuốc đều đặn theo lời dặn dò nên thấy sức khỏe khá lên trông thấy, các cơn động kinh cũng giảm hẳn".
Đến nay, Dự án "Chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng" đang quản lý và điều trị cho 5.176 người, trong đó có 2.840 bệnh nhân tâm thần phân liệt, 2.336 bệnh nhân động kinh. Hiện nay, tỷ lệ bệnh nhân được điều trị ổn định đạt 98%. Từ năm 2015 đến nay, qua quá trình thăm khám, theo dõi sức khỏe đã có 600 bệnh nhân được dừng điều trị, không phải uống thuốc vì sức khỏe tâm thần đã ổn định.
HUYỀN TRANG