Doanh nghiệp xi măng tìm hướng xuất khẩu

Kinh tế - Ngày đăng : 18:51, 12/10/2018

Trong bối cảnh thị trường xi măng trong nước cung vượt cầu thì xuất khẩu là hướng đi tất yếu.


Trong điều kiện xuất khẩu đang gặp khó khăn thì trước tiên các công ty phải tính đến thúc đẩy tiêu thụ nội địa, sau đó mới tính đến nâng cao năng lực cạnh tranh hướng tới xuất khẩu lâu dài

Trong những năm gần đây, lượng xi măng của Việt Nam xuất đi nước ngoài ngày càng tăng. Các doanh nghiệp của Hải Dương luôn bám sát diễn biến thị trường để xuất khẩu xi măng. Mặc dù vậy, để xuất khẩu xi măng cũng còn không ít khó khăn.

Thị trường rộng mở

Ông Lê Văn Định, Chủ tịch hội đồng thành viên Công ty TNHH Sản xuất vật liệu xây dựng Thành Công chia sẻ: “Theo Bộ Xây dựng, cả nước hiện có 83 dây chuyền sản xuất xi măng với tổng công suất thiết kế gần 99 triệu tấn/năm, sản xuất thực tế đạt khoảng 87 triệu tấn/năm. Nguồn cung vốn đã dư, nay lại thêm các nhà máy mới đi vào hoạt động như Nhà máy Xi măng Long Sơn (Thanh Hóa), Công ty CP Xi măng Sông Lam (Nghệ An)… làm cho áp lực cạnh tranh ngày càng khốc liệt”. Trong bối cảnh ấy, các doanh nghiệp sản xuất xi măng tìm mọi cách để mở rộng thị trường tiêu thụ, nhất là xuất khẩu. Trong 9 tháng đầu năm, Công ty TNHH Sản xuất vật liệu xây dựng Thành Công đã sản xuất và tiêu thụ hơn 380.000 tấn xi măng và clinker, trong đó xuất khẩu 50.000 tấn đi Trung Đông, Philippines…

Là một thương hiệu xi măng hàng đầu của Việt Nam, Công ty TNHH một thành viên Xi măng Vicem Hoàng Thạch vẫn tập trung khai thác hiệu quả thị trường nội địa. Trong 9 tháng đầu năm nay, doanh nghiệp đã tiêu thụ 2.531.000 tấn xi măng các loại, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. “Bên cạnh các thị trường trọng điểm như: Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang… chúng tôi đang hướng tới cả các thị trường tiềm năng ở khu vực biên giới phía bắc, miền Trung. Khi dây chuyền 3 đi vào hoạt động ổn định từ cuối năm 2019 thì việc xuất khẩu là tất yếu”, ông Nguyễn Hải Minh, Giám đốc Xí nghiệp Tiêu thụ, Công ty TNHH một thành viên Xi măng Vicem Hoàng Thạch cho biết.

Theo đại diện Sở Xây dựng, trong quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng mới nhất đã được duyệt, đến năm 2020, Hải Dương có thể sản xuất gần 9,3 triệu tấn xi măng. Hiện trên địa bàn tỉnh có 4 nhà máy sản xuất xi măng theo công nghệ lò quay với 7 dây chuyền có tổng công suất thiết kế khoảng 7,83 triệu tấn/năm; duy trì 5 trạm nghiền và chuyển đổi 4 nhà máy xi măng lò đứng sang chuyên nghiền clinker với tổng công suất sản xuất xi măng khoảng 1,5 triệu tấn/năm. Năm nay, sản lượng của các doanh nghiệp xi măng Hải Dương ước đạt 8 triệu tấn, chiếm khoảng 9% sản lượng cả nước. Trong khi nhu cầu sử dụng tại địa bàn tỉnh ước chỉ 1,6 triệu tấn. Như vậy yêu cầu tiêu thụ ngoài tỉnh và xuất khẩu chiếm gần 82% tổng sản lượng.

 Nhiều sức ép

Tương tự như trong nước, sức cạnh tranh trên thị trường xi măng thế giới, nhất là về giá rất khốc liệt. Thị trường xi măng Trung Quốc hiện dư thừa khoảng 670 triệu tấn nên áp lực và sự cạnh tranh về giá bán trên thị trường xuất khẩu xi măng càng tăng cao. Bên cạnh đó, hiện một số nước trong khối ASEAN đang tiếp tục đầu tư phát triển xi măng. Nước ta mới chính thức xuất khẩu xi măng từ năm 2015, thuộc diện "sinh sau đẻ muộn" trên thị trường này nên lại càng khó khăn. Tình trạng “giẫm chân”, “dìm giá”, phải bán qua môi giới trong xuất khẩu xi măng cũng là một trong những trở ngại trong xuất khẩu mặt hàng này. Theo ông Vũ Văn Đông, Trưởng Phòng Kinh tế và Vật liệu xây dựng (Sở Xây dựng), muốn xuất khẩu được xi măng, sản phẩm phải ổn định, chất lượng cao, có thương hiệu và chiếm được niềm tin người tiêu dùng. Do đó, việc xuất khẩu xi măng không thể bằng mọi giá mà phải có chọn lọc và lộ trình.

Đại diện một số doanh nghiệp xi măng ở Hải Dương cũng cho rằng để xuất khẩu xi măng có tổ chức, bài bản, chuyên nghiệp cần có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước, vai trò của hiệp hội xi măng, quản lý thị trường… Theo ông Lê Thành Long, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Xi măng Vicem Hoàng Thạch, ở nước ta tiêu thụ xi măng có mùa vụ, trong khi nhà máy không thể dừng lò. "Nếu dừng lò sẽ ảnh hưởng đến việc làm của hàng nghìn lao động, đốt lại lò tốn kém hàng tỷ đồng. Vì vậy, xuất khẩu là kênh mà hầu hết các doanh nghiệp quan tâm. Vấn đề là phải làm sao để xuất khẩu tốt hơn, có tổ chức, bài bản hơn”, ông Long nêu vấn đề. Trong chiến lược phát triển ngành, cần hoạch định rõ vùng, nhà máy sản xuất xi măng để xuất khẩu. Để khắc phục mặt yếu trong xuất khẩu xi măng, Nhà nước cần thu hút đầu tư xây dựng cảng chuyên dùng để bốc xếp sản phẩm xi măng bảo đảm tiêu chuẩn cho tàu từ 3 vạn tấn trở lên. Các doanh nghiệp xuất khẩu cần có sự phối hợp tốt, nâng cao tính chuyên nghiệp...

THÀNH LONG