Mất tình thân vì tranh chấp đất đai
Xã hội - Ngày đăng : 13:36, 13/10/2018
Hai ngôi nhà của anh H. xây dựng trên diện tích đất anh tranh chấp với bố đẻ
Ở xã Gia Xuyên (Gia Lộc), nhiều người biết đến vụ việc tranh chấp về thừa kế tài sản giữa bà C. và bà Ch. nhiều năm nay. Bà C. là chị gái của bà Ch., bố mẹ của hai bà đều không còn. Sau khi mẹ mất, bà C. kiện bà Ch. ra tòa vì tranh chấp mảnh đất thừa kế trên 1.000 m2 gồm có 560 m2 đất ở, còn lại là đất vườn, ao. Theo bà C., bà cần được hưởng 200 m2 đất ở trong tổng số 560 m2; phần diện tích đất ở còn lại, đất ao, ruộng cấy và đồ thờ cúng phải chia theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, bà Ch. cho rằng toàn bộ tài sản tranh chấp là của bà vì bà được mẹ để lại toàn bộ di sản thông qua 2 bản di chúc.
Tòa án Nhân dân (TAND) huyện Gia Lộc đã quyết định phân chia bà Ch. được hưởng diện tích đất lớn hơn do có công chăm sóc mẹ và tôn tạo đất. Được biết ngay tại phiên tòa bà Ch. và bà C. vẫn tranh cãi rất căng thẳng. Hai bà còn chửi nhau sau khi ra khỏi phiên tòa.
Do tranh chấp này nên nhiều năm nay, tình thân giữa bà C. và bà Ch. gần như không còn. Các cán bộ phụ nữ đã vào cuộc hòa giải nhưng không thành. Bà C. cho biết ngày mẹ còn sống, những lúc mẹ ốm bà thường xuyên mang cháo, đến đấm bóp cho mẹ, nhưng nhiều lần bà vào chăm mẹ thì bị em đuổi về và mắng chửi thậm tệ. Bà C. chia sẻ: "Đến giờ cứ gặp tôi là dì ấy xông vào chửi mắng, bảo tôi cướp đất của mẹ con dì ấy".
Việc tranh chấp tài sản từng diễn ra ở nhiều địa phương trong tỉnh. Năm 2015, vợ chồng ông N.V.T. ở phường Tứ Minh (TP Hải Dương) kiện gia đình con trai N.V.H. phải trả lại đất cho ông bà. Vợ chồng ông T. được quyền sử dụng 536,8 m2 đất tại phường Tứ Minh. Trước năm 1993, vợ chồng anh H. đã xây một ngôi nhà cấp 4 rộng khoảng 70 m2 trên diện tích đất nhà ông T. có sự đồng ý của vợ chồng ông. Năm 1996, vợ chồng anh H. phá nhà cấp 4, xây nhà hai tầng. Năm 2005, vợ chồng anh H. đề nghị mua lại diện tích đất của bố mẹ với giá 150 triệu đồng nên cuối năm 2005 ông bà T. đã ký và điểm chỉ vào hợp đồng chuyển nhượng đất cho vợ chồng con trai. Vì thế, vợ chồng anh H. đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng toàn bộ diện tích đất này. Đến năm 2009, anh H. tiếp tục xây thêm một ngôi nhà trên diện tích khoảng 50 m2 đất, cạnh căn nhà cũ. Nhưng việc xây ngôi nhà mới này không được vợ chồng ông T. đồng ý nên hai bên đã xảy ra mâu thuẫn. Vì vậy, năm 2015 vợ chồng ông T. đã khởi kiện nhằm buộc vợ chồng con trai phá dỡ toàn bộ ngôi nhà mới, trả lại đất cho ông bà. Vợ chồng anh H. cũng đề nghị TAND TP Hải Dương buộc vợ chồng ông T. phải hoàn trả cả gốc và lãi của số tiền đã nhận. Trong quá trình giải quyết vụ việc, TAND TP Hải Dương xác định ông T. có nhận 150 triệu đồng của anh H. từ việc mua bán đất. Vì vậy, tòa đã quyết định buộc vợ chồng anh H. trả lại vợ chồng ông T. 107,6 m2 đất, giao cho vợ chồng anh quyền sử dụng 175,7 m2 đất ở. Vợ chồng anh H. phải trả vợ chồng ông T. số tiền chênh lệch giữa giá trị đất ở các vị trí khác nhau. Vợ chồng ông T. phải trả cả gốc và lãi của số tiền 150 triệu cho vợ chồng ông T.
Sau nhiều năm theo đuổi kiện tụng, mối quan hệ giữa ông T. và anh H. đã sứt mẻ nặng nề. Anh P.V.S., cán bộ khu dân cư nơi bố con ông T. sống cho biết: "Chỉ vì tranh chấp mảnh đất mà tình thân rạn nứt, bố con coi nhau như người ngoài, lễ Tết cũng không đến thăm hỏi nhau bao giờ. Không biết sau này họ có nghĩ lại mà bỏ qua, hòa thuận với nhau không nhưng hiện tại thì tiền bạc mất, tình thân cũng không còn".
Những vụ việc tranh chấp do bố mẹ phân chia đất đai, tài sản cho con đã xảy ra ở nhiều nơi. Chỉ vì tranh nhau mảnh đất hay tài sản thừa kế mà nhiều gia đình đã theo đuổi những vụ kiện tụng kéo dài. Nhiều người không đồng ý với bản án sơ thẩm thì kháng cáo lên tòa phúc thẩm. Nhiều vụ việc bản án phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm vì các cơ quan chức năng đã làm tròn trách nhiệm, bảo đảm công bằng quyền lợi cho cả nguyên đơn và bị đơn. Tuy nhiên, kết quả xét xử vẫn không vừa lòng những người tính toán thiệt hơn ngay cả với người thân của mình. Sau những vụ kiện tụng kéo dài, tình cảm ruột thịt không còn như trước.
HẢI HOÀNG