Nêu gương bằng hành động thực tiễn
Góc nhìn - Ngày đăng : 14:16, 16/10/2018
Tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 14 vừa qua, khi nói tới các nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện từ nay đến cuối năm, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã nhấn mạnh việc cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải "nêu gương bằng hành động thực tiễn".
Tôi rất tâm đắc với ý này. Tại sao phải "nêu gương bằng hành động thực tiễn" mà không phải chỉ là "nêu gương" nói chung như xưa nay vẫn nói? Có lẽ bởi thực tế gần đây, có những cán bộ, đảng viên, thậm chí là cả người đứng đầu cấp ủy, chính quyền một số địa phương, thủ trưởng một số cơ quan, đơn vị mới chỉ nêu gương trên lý thuyết. Họ nêu gương trong các bài phát biểu hùng hồn, trong những đoạn kiểm điểm năm nào cũng giống năm nào mỗi dịp tổng kết năm chứ chưa phải bằng những hành động cụ thể trong thực tế.
Lấy một ví dụ đơn giản như chuyện đi họp. Một trong 3 nội dung trọng tâm được tỉnh chọn để thực hiện, làm khâu đột phá trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác là nâng cao chất lượng hội nghị, cuộc họp. Trong đó yêu cầu nêu cao ý thức của người đi họp, bảo đảm đúng giờ, đúng đối tượng, đúng nội dung, không làm việc riêng trong giờ họp, không bỏ ra ngoài khi đang họp... Yêu cầu là vậy, nhưng thực tế ngay cả một số cuộc họp của tỉnh vẫn có cán bộ bỏ ra ngoài hút thuốc, làm việc riêng trong giờ họp khiến hội trường thưa vắng. Có cuộc họp, chủ tọa gợi ý thảo luận một đằng, người tham gia phát biểu lại nói một nẻo, không trúng trọng tâm, chưa đi thẳng vào vấn đề cần thảo luận. Thành ra, sau cuộc họp, nhiều hạn chế, khuyết điểm đã được chỉ ra vẫn cứ y nguyên, chậm được khắc phục. Tôi tin rằng, có không ít người trong số ấy, khi về cơ quan vẫn đạo mạo nói về việc nêu gương, coi mình như một tấm gương sáng để anh em cấp dưới noi theo.
Một ví dụ nữa là về tinh thần tự phê bình trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Có Ban Thường vụ cấp ủy được cấp trên gợi ý kiểm điểm vì còn hạn chế trong lĩnh vực này, lĩnh vực khác. Thế nhưng khi đánh giá, phân loại đảng viên cuối năm, nhiều thành viên của tập thể đó vẫn xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ buộc cấp trên yêu cầu phải kiểm điểm lại, phân loại lại. Điều đó cho thấy, việc nêu gương tự phê bình và phê bình trong thực tiễn của từng thành viên trong tổ chức đảng đó chưa cao.
Vừa qua, Trung ương đã thống nhất cao ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Nhiều người kỳ vọng quy định này sẽ chấn chỉnh tình trạng nêu gương một cách hình thức, nêu gương trên lý thuyết như đã nói ở trên. Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến băn khoăn, nếu quy định về việc nêu gương mới chỉ dựa trên tinh thần tự giác của cán bộ, đảng viên mà chưa có chế tài để xử lý người vi phạm hoặc cơ chế giám sát phù hợp thì sẽ khó mang lại hiệu quả như mong muốn. Thực tế là, khi cán bộ cấp trên chưa gương mẫu, không có nhiều cán bộ cấp dưới dám phê bình vì tâm lý nể nang, ngại va chạm, sợ bị trù dập...
Làm thế nào để tránh việc nêu gương một cách hình thức? Chỉ có thể bằng cách đánh giá kết quả làm việc của từng cá nhân qua hành động cụ thể trong thực tiễn chứ không phải chỉ nghe báo cáo. Cùng với đó, có thể thông qua một trong những kênh quan trọng để giám sát việc nêu gương của cán bộ chính là nhân dân. Kết hợp đồng bộ các giải pháp ấy, tin rằng sẽ có nhiều cán bộ nêu gương bằng hành động thực tiễn hơn.
HOÀI ANH