Hậu nông thôn mới. Bài 2: Quẩn quanh cái nghèo

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 09:58, 17/10/2018

Vì nhiều lý do, một số gia đình không thể tiếp cận được với các thành quả của chương trình xây dựng nông thôn mới nên không có cơ hội thoát nghèo.

Sức khỏe yếu, gánh nặng con cái làm cho nhiều gia đình không thể thoát nghèo

Mặc dù nhiều xã đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) nhưng một số gia đình vì những hoàn cảnh khác nhau vẫn quẩn quanh với cái nghèo, chưa tìm ra cách nào để thoát khỏi cuộc sống khó khăn, tù túng.

Nghèo bền vững

Mặc dù trời đang giữa thu, nắng đổ vàng rực nhưng căn nhà nhỏ nằm giữa thôn Sơn Khê, xã Thái Thịnh (Kinh Môn) lúc nào cũng bao trùm không khí buồn u ám. Trong ngôi nhà cũ kỹ, lụp xụp, hai vợ chồng già đang lúi húi chuẩn bị bữa cơm cho cả gia đình. Bên cửa buồng, 2 người con, một người 50 tuổi, một người 48 tuổi ngồi ngẩn ngơ nhìn khách với ánh mắt vô hồn. Ông Trần Văn Chạc, 72 tuổi khó nhọc kéo chiếc ghế nhựa pha nước mời khách và kể về cuộc sống khó khăn của gia đình. Qua câu chuyện, chúng tôi được biết hai vợ chồng ông sinh được 5 người con thì 2 người con đầu đều bị bệnh tâm thần khi vừa sinh ra. Cả tuổi trẻ hai vợ chồng ông phải lao động vất vả để nuôi các con khôn lớn. Đến khi về già, hai vợ chồng vẫn phải gồng mình lo cho 2 người con bị tâm thần. Thiếu sức khỏe, không nghề nghiệp, cuộc sống của gia đình ông lúc nào cũng quẩn quanh với cái nghèo. Ông Chạc chia sẻ: "Mấy đứa em chúng nó lớn cả rồi, mỗi người mỗi phận nên không thể lo hết cho bố mẹ và các anh chị được. Vợ chồng tôi đã già, bà nhà tôi vừa bị tai biến, hai đứa bị bệnh nên chẳng thể làm gì để có thu nhập. Gia đình tôi bây giờ chỉ sống dựa vào tiền trợ cấp của Nhà nước, sự giúp đỡ của các con và lòng hảo tâm của mọi người. Nếu không có mấy đứa con khỏe mạnh sinh sống ngay bên cạnh, không biết vợ chồng tôi và 2 đứa này sẽ như thế nào".

Thôn Phủ, xã Thái Học (Bình Giang) từ lâu đã nổi tiếng sầm uất. Thế nhưng, cuối con ngõ nhỏ vẫn có một đôi vợ chồng già cùng cậu con trai còn ít tuổi đang hằng ngày vật lộn vì miếng cơm manh áo. Ông Cù Trọng Huấn năm nay đã 76 tuổi đang ở với vợ sinh năm 1969 và cậu con trai mới học lớp 7. Mặc dù là cán bộ hưu trí nhưng lương của ông Huấn cũng chỉ được hơn 2 triệu đồng/tháng. Vợ ông lại bị hỏng một bên mắt, sức khỏe rất yếu nên không làm được việc gì nặng nhọc. Vừa rồi, vợ ông mới xin được chân lau dọn cửa hàng điện tử ngoài phố, được trả công 50.000 đồng/ngày. Chồng già, vợ yếu, con nhỏ nên cuộc sống của gia đình ông cứ khó khăn mãi. "Năm vừa rồi gia đình tôi được xếp vào diện hộ cận nghèo, nhiều khoản đóng góp được miễn giảm nên cuộc sống cũng đỡ phần nào. Vợ chồng tôi ngày càng già yếu, cả nhà chỉ trông vào đồng lương ít ỏi của tôi nên chưa biết khi nào chúng tôi mới có thể thoát khỏi cuộc sống tù túng, khó khăn này", ông Huấn tâm sự.

Xã Hồng Quang (Thanh Miện) cũng mới hoàn thành chương trình xây dựng NTM. Mặc dù là xã nông nghiệp nhưng ngoài 2 vụ lúa, người dân không biết trồng thêm cây gì có hiệu quả kinh tế. Lúc nông nhàn, những người có sức khỏe rủ nhau đi làm công ty, thợ xây hoặc làm thêm trong các xưởng may gia công, xưởng làm áo mưa trên địa bàn xã. Người nhiều, việc ít nên không phải ai cũng kiếm được việc, nhất là những người không có sức khỏe. Anh D. vốn bị bệnh từ nhỏ nên rất yếu. Những lúc nông nhàn, anh phải ra TPHải Dương, Hải Phòng để bán tăm, đũa nhưng thu nhập không ổn định. Mặc dù chưa đến mức nghèo nhưng kinh tế của gia đình anh không thể bứt lên được vì chi tiêu của gia đình đều trông vào mấy sào ruộng và tiền bán tăm hằng ngày. Do không có khoản tích cóp nào, gia đình anh rất dễ rơi vào cảnh nghèo đói nếu chẳng may ốm đau, bệnh tật.

Khó thoát nghèo

Theo đánh giá của Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh, sau khi triển khai xây dựng NTM, đến nay thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đã đạt 37,32 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,5%. Xây dựng NTM đã tạo điều kiện cho các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác đi vào cuộc sống, người dân có nhiều việc làm mới và thu nhập tăng, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Nhưng vì nhiều lý do, một số gia đình lại không thể tiếp cận được với các thành quả của chương trình xây dựng NTM nên không có cơ hội thoát nghèo. Tỷ lệ 3,5% số hộ nghèo cho thấy cuộc sống của nhiều gia đình ở các xã đã hoàn thành xây dựng NTM chưa được bảo đảm những nhu cầu tối thiểu. Ông Trần Bá Tuyến, Chủ tịch UBND xã Thái Thịnh (Kinh Môn) cho biết sau khi xã hoàn thành xây dựng NTM, hệ thống hạ tầng giao thông, thủy lợi được hoàn thiện giúp người dân sản xuất thuận lợi hơn. Dù vậy, đến thời điểm này, vẫn còn 1,86% số hộ trong xã thuộc diện nghèo. Trong đó, nhiều trường hợp không thể thoát nghèo do khó tiếp nhận sự hỗ trợ của chính quyền địa phương. Theo ông Tuyến, chủ hộ nghèo thường rơi vào các trường hợp neo đơn, già cả, sức khỏe yếu, nhận thức kém nên rất khó để phát triển kinh tế. Do không thể trợ giúp trực tiếp bằng tiền mặt trong khi các hộ không đủ sức khỏe, nhận thức để học nghề nên làm thế nào các hộ này thoát nghèo là trăn trở của chính quyền địa phương.

Thời gian qua, việc triển khai các chương trình giảm nghèo đã góp phần thúc đẩy các địa phương phát triển kinh tế - xã hội. Chương trình cũng thu hút sự vào cuộc của nhiều tổ chức, đoàn thể như hỗ trợ xây nhà, phát thuốc, chăm sóc sức khỏe miễn phí... Tuy nhiên, như thừa nhận của lãnh đạo một xã đã hoàn thành xây dựng NTM ở Bình Giang, việc hỗ trợ các hộ nghèo chỉ như muối bỏ bể. Mặc dù cấp ủy, chính quyền địa phương đã quan tâm, các tầng lớp nhân dân cũng có nhiều hoạt động hỗ trợ nhưng nhiều hộ nghèo không thể thoát nghèo do năng lực tự thân không có. "Cho cá thì họ ăn hết, cho cần câu họ không biết sử dụng rồi cuối cùng cũng bán đi để ăn nên việc thoát nghèo là không thể", vị lãnh đạo này thừa nhận. Vì thế, tập trung các biện pháp hỗ trợ thoát nghèo rồi lại hỗ trợ chống tái nghèo trở thành vòng luẩn quẩn của nhiều xã đã về đích NTM.

NHÓM PHÓNG VIÊN KINH TẾ