Nuôi con tu hú
Đời sống - Ngày đăng : 10:48, 17/10/2018
Đó là câu chuyện của anh Hùng (đã đổi tên, ngụ tại một quận ở TP Hồ Chí Minh). Anh Hùng là cán bộ nhà nước, lấy vợ làm nghề buôn bán tự do. Sau 2 năm kết hôn, anh chị có hai con sinh đôi. Tuy nhiên, anh sớm phát hiện cả hai đứa trẻ đều không phải con anh.
Ra tòa, chị vợ thừa nhận hai đứa con không phải con anh, nhưng không phải do chị ngoại tình mà có
Con mình không phải con mình
Anh Hùng đồng ý gặp tôi tại một quán cà phê ở quận 2. Anh nói mình chẳng sân si gì, cũng không tiếc gì quãng thời gian 4 năm vừa qua nuôi hai con riêng của vợ. Vậy nhưng vợ lại khởi kiện anh ra tòa yêu cầu tiền cấp dưỡng nuôi con.
Theo Hùng, vợ chồng anh kết hôn vì tình yêu, vợ làm kinh doanh trong lĩnh vực nội thất, còn anh làm công chức nhà nước. Sau kết hôn 2 năm, vợ anh cấn bầu nên cả anh chị và gia đình nội ngoại đều mừng. Anh cũng hết lòng chăm sóc cho vợ và cho cái thai ngày càng lớn. Khi biết chị mang thai đôi, anh còn mừng hơn nữa.
Thế nhưng ngày hai đứa bé ra đời, sau những giây phút vui mừng của hai họ thì lòng anh khựng lại: Sao trong nhà không ai tóc xoăn mà hai đứa trẻ tóc xoăn tít? Nghĩ vậy nhưng anh không nói với ai, bởi mấy người lớn trong gia đình đều nói trẻ con mới sinh còn thay đổi nhiều lắm, chừng 6 tháng trở đi các nét mới rõ ràng.
Nhưng những lúc tắm cho con hoặc cho con bú bình, anh càng ngắm càng thấy hai đứa con gái này không có gì giống anh hết. Anh mũi cao nhưng hai đứa đều mũi tẹt, da anh trắng còn hai đứa bé đều có màu da ngăm ngăm... Nhưng vợ anh vẫn bảo trẻ con đứa nào chả tẹt mũi, đứa nào lúc bé da đen thì lớn lên da mới trắng. Đứa nào còn sơ sinh mà trắng thì lúc lớn nhất định da đen.
Anh vẫn thực hiện vai trò một ông bố, đi đăng ký khai sinh cho con và chăm sóc cho vợ ở cữ đủ 4 tháng.
Nhưng càng lớn hai đứa trẻ càng khác họ nội, thậm chí không có một nét nào giống bố. Không muốn làm tổn thương vợ, anh âm thầm thu thập mẫu móng tay hai đứa trẻ đi giám định ADN. Và kết quả đúng như anh nghĩ: hai đứa trẻ không phải con anh!
Nhưng vì cả hai đứa còn bé nên anh không nói ra điều mình biết. Âm thầm giấu kết quả giám định ADN, vẫn chăm sóc hai đứa trẻ và phụ vợ làm việc nhà, anh tính chờ bọn trẻ lớn chút nữa thì nói chuyện với mẹ chúng.
Thế rồi khi đưa hai đứa trẻ đi học mẫu giáo, cô giáo cũng bảo không thấy hai bé giống bố. Rồi những người họ hàng bên nội cùng xầm xì, hàng xóm trong chung cư cũng ì xèo.
Một bữa, anh phàn nàn với vợ về điều này thì vợ nói át đi rằng hàng xóm nói linh tinh, ai còn nói thế nữa mắng luôn họ. Anh bảo vợ anh biết hai đứa trẻ không phải con anh từ trước khi nó đi học mẫu giáo. Nhưng vì thương vợ và hai đứa nên anh không muốn làm lớn chuyện. Anh yêu cầu chị thành thật với anh nhưng chị chối bay và đề nghị ly hôn.
Ra tòa, anh khẳng định hai đứa trẻ không phải con anh và hai bên đồng thuận ly hôn. Anh chia tay vợ và hai đứa con không phải con mình.
Bị kiện buộc phải nuôi con riêng cho vợ
Sau khi hai bên có cuộc sống ổn định, anh Hùng chuẩn bị lập gia đình với một phụ nữ khác nhưng lại nhận được giấy của tòa gọi tham gia phiên tòa tranh chấp ly hôn. "Vợ cũ yêu cầu tôi chu cấp nuôi hai trẻ vì hai trẻ được sinh ra trong thời kỳ hôn nhân" - anh nói.
Ra tòa, chị vợ thừa nhận hai đứa con không phải con anh, nhưng không phải do chị ngoại tình mà có. Việc chị có bầu là do sự can thiệp của y học bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Chị chỉ có lỗi là không báo với anh về việc này vì sợ anh buồn. Hai đứa trẻ được sinh ra trong thời kỳ hôn nhân, nên về mặt pháp lý đó là con của anh. Chính anh cũng đã đi làm giấy khai sinh và tên người cha trong khai sinh của hai bé là anh. Giờ vợ chồng ly hôn, một mình chị không thể nuôi được con nên yêu cầu anh phải chu cấp nuôi hai trẻ. Chị cũng nói hoàn cảnh chị khó khăn, trong khi anh không phải nuôi ai.
Còn anh cho rằng không biết gì về việc chị tự ý đi thụ tinh trong ống nghiệm, cũng chưa bao giờ đi khám sức khỏe của mình xem có khả năng sinh con hay không. Anh khẳng định sức khỏe của mình hoàn toàn bình thường, không phải vô sinh để vợ phải đi thụ tinh trong ống nghiệm.
Sau khi xác minh, tòa cho rằng dù hai trẻ được sinh trong thời kỳ hôn nhân nhưng không phải là con anh. Điều này cũng được chị thừa nhận. Tòa cũng đã xác minh hoàn cảnh gia đình của chị và thấy rằng chị đủ điều kiện để nuôi con, do đó tòa bác yêu cầu của chị. Anh không phải góp tiền nuôi hai trẻ.
Sau này, khi xong phiên tòa rồi, anh bảo thực ra khi biết hai trẻ không phải là con mình, anh đã rất đau lòng. Tuy nhiên, anh mong chị trung thực. Chỉ cần chị trung thực, anh có thể tha thứ cho chị để cùng nuôi hai đứa trẻ. Tuy nhiên, chị đã không trung thực.
Bỏ tên cha ra khỏi khai sinh Một trường hợp vợ chồng ly hôn liên quan đến con cái, tòa thụ lý nhưng cũng bối rối, vì mẹ đứa trẻ đã bế con bỏ đi. Chuyện là sau khi kết hôn và sinh con, trẻ được cha mẹ cùng chăm sóc và nuôi dưỡng. Tuy nhiên, sau đó người cha phát hiện những biểu hiện bất thường của vợ: bỏ bê nhà cửa, không chăm sóc gia đình... Người chồng căn vặn thì vợ nổi cáu. Bà nội thấy vậy lặng lẽ đưa cháu đi giám định ADN. Giám định cho kết quả hai cha con không có quan hệ huyết thống, bà nội đề nghị cha đưa bé đi giám định ADN lần nữa nhưng người cha từ chối. Cuộc sống vợ chồng sau đó luôn xảy ra những mâu thuẫn và chị chủ động đề nghị ly dị. Tuy nhiên, khi tòa mời hai người đến tòa hòa giải, chị thông báo đứa trẻ không phải là con của anh và bỏ tên người cha ra khỏi khai sinh. Đấy là lần sau cùng họ gặp nhau. Chị về dắt con bỏ đi. Không biết đi đâu. Đến bây giờ, vụ án ly hôn vẫn chưa xử đưc. |
Theo Tuổi trẻ