Tiền đạo Nguyễn Văn Toàn: Bao giờ cho đến ngày xưa?

Thể thao - Ngày đăng : 08:44, 22/10/2018

Ngày xưa Văn Toàn mà chúng tôi nói đến chính là AFF Suzuki Cup 2016, giải đấu mà tiền đạo người Hải Dương đã ít nhiều được đặt niềm tin. Nhưng với Toàn bây giờ chỉ là dấu hỏi: cơ hội nào cho anh ở ĐTQG?

Tiền đạo Nguyễn Văn Toàn: Bao giờ cho đến ngày xưa?

Hai năm trước, HLV Nguyễn Hữu Thắng đã thổi vào đội tuyển một làn gió mới khi gọi rất nhiều cầu thủ trẻ lên ĐTQG thi đấu tại AFF Suzuki Cup 2016. Trong số những cái tên được gọi, Văn Toàn là một gương mặt nổi bật. Trong hành trang đến với giải đấu hàng đầu khu vực, cầu thủ người Hải Dương nổi lên như một ngôi sao đích thực của ông thầy người Nghệ An. Đã có thời điểm, vị trí tiền vệ cánh phải của Văn Toàn được xem như không thể đụng đến khi mà những đàn anh Nguyễn Trọng Hoàng, Vũ Minh Tuấn, Trần Phi Sơn... đều lần lượt phải đóng vai dự bị. 

Tiếc thay, những trục trặc về sức khỏe đã khiến Văn Toàn dần bị rơi lại phía sau. Dù vậy, Văn Toàn cũng góp mặt 4/6 trận của ĐT Việt Nam tại AFF Suzuki Cup 2016 với 183 phút ra sân. Đáng chú ý nhất, Toàn là người đá chính trong trận bán kết lượt về với ĐT Indonesia (hòa 2-2 và ĐT Việt Nam bị loại ở hiệp phụ). Với một cầu thủ mới chỉ bước sang tuổi 20, đấy quả là một trải nghiệm vô cùng quý giá.

Nếu 2 năm về trước, trong sa bàn của ĐT Việt Nam và U23 Việt Nam đều dành riêng cho Văn Toàn một chỗ, thì dưới triều đại của HLV Park Hang Seo, dường như tiền đạo sinh năm 1996 này đi bên lề những trận đánh lớn. Tại VCK U23 châu Á 2018, khi mà các đồng đội tung hô như những người hùng thì Văn Toàn lẩn khuất đâu đó và người ta cảm thấy được những nét buồn trên khuôn mặt của “Vato Nguyễn”. Mọi thứ vẫn không khá hơn tại ASIAD 2018 tại Indonesia, khi Văn Toàn chỉ được đá chính 1 trận, còn lại anh đều phải sắm vai dự bị. 

Có một hình ảnh mà người ta nói đến toàn nhiều hơn trên sân đấy là việc anh nhuộm một mái tóc màu bạch kim. Toàn bảo rằng, anh muốn đổi cái “xì tai” tóc tai ấy là để mong có thêm những cơ hội ra sân tại ASIAD. Thực tế, cầu thủ người Hải Dương có thêm nhiều fan hơn nhờ giống như một “thần tượng Hàn Quốc”, nhưng điều đó không giúp anh có thêm những nụ cười. 

Văn Toàn luôn có mặt trong mọi đợt chốt danh sách tham dự một giải đấu lớn nào đó. Điều đó xuất hiện như một sự “dĩ nhiên” kể từ thời của HLV Toshiya Miura cho đến tận bây giờ. Nói cách khác, ba triều đại HLV của bóng đá Việt Nam thì Văn Toàn đã trở thành một “cựu binh” chứ không phải là tân binh mới lần đầu lên tuyển. Vấn đề quan trọng nhất với Toàn là làm sao được BHL khoanh vùng và trở thành một gương mặt quen thuộc trên sa bàn thay vì phải chờ đợi gọi tên.

Con đường trở lại ngày xưa rõ ràng còn rất dài vì bây giờ, Văn Toàn phải cạnh tranh với rất nhiều đàn anh rất giầu kinh nghiệm và cả những đồng đội rất chất lượng ở ĐT U23. Họ là Văn Quyết, Trọng Hoàng, Công Phượng, Văn Đức... Dù vậy, Toàn vẫn có cơ sở để tin bởi anh đã có kinh nghiệm và vượt lên tất cả là luôn ra sân với tinh thần rất cao của một chiến binh, chỉ có tiến lên phía trước.

Theo Bongdaplus