Hoạt động giám định tư pháp: thiếu cả con người và thiết bị

Xã hội - Ngày đăng : 15:19, 30/10/2018

Gần đây, nhu cầu giám định tư pháp tăng lên, song công tác này còn nhiều vướng mắc, bất cập, gây khó khăn cho hoạt động tố tụng, làm chậm thời gian giải quyết các vụ án.


Hoạt động giám định tư pháp có ý nghĩa quan trọng trong giải quyết các vụ án, bảo đảm tính khách quan, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội. Gần đây, nhu cầu giám định tăng lên, song công tác này còn nhiều vướng mắc, bất cập, gây khó khăn cho hoạt động tố tụng, làm chậm thời gian giải quyết các vụ án. Phóng viên Báo Hải Dương đã phỏng vấn đồng chí Ngô Quang Giáp, Giám đốc Sở Tư pháp, cơ quan giữ vai trò đầu mối trong quản lý nhà nước về hoạt động giám định tư pháp để làm rõ hơn vấn đề này.

- Theo đồng chí, nguyên nhân nào dẫn đến những vướng mắc, bất cập hiện nay trong hoạt động giám định tư pháp?

- Thứ nhất, lực lượng làm công tác giám định tư pháp còn thiếu. Trong tỉnh hiện có 2 tổ chức giám định tư pháp công lập là Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc Công an tỉnh và Trung tâm Pháp y thuộc Sở Y tế với 18 giám định viên tư pháp. Ngoài ra, có 28 người giám định tư pháp theo vụ việc thuộc các sở, ngành của tỉnh. Trong số 8 giám định viên tư pháp của Phòng Kỹ thuật hình sự (Công an tỉnh) chỉ có 1 cán bộ giám định pháp y, 1 cán bộ giám định hóa học, chưa có cán bộ giám định trong lĩnh vực kỹ thuật số, điện tử và cháy nổ. Phòng vẫn phải trưng dụng 4 giám định viên đã nghỉ hưu cộng tác làm việc. Trung tâm Pháp y thuộc Sở Y tế đã được thành lập hơn một năm nay nhưng chưa kiện toàn được công tác tổ chức bộ máy, con người theo quy định. Trung tâm chỉ có 1 giám định viên tư pháp chuyên trách thường trực, 5 giám định viên còn lại làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.

Thứ hai, cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật phục vụ hoạt động giám định mặc dù đã được đầu tư nhưng vẫn còn thiếu, lạc hậu, một số máy móc sử dụng lâu đã bị hư hỏng, chưa đáp ứng được yêu cầu công việc. Đặc biệt, giám định lĩnh vực cháy nổ, điện tử - kỹ thuật số không thực hiện được, phải gửi lên Bộ Công an do không có nhân lực và máy móc, trang thiết bị.

Thứ ba, thời gian qua, việc phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về giám định tư pháp, cũng như cơ chế phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với các cơ quan quản lý nhà nước về giám định tư pháp, các tổ chức giám định có lúc, có việc còn chưa kịp thời, ảnh hưởng đến việc đánh giá chất lượng giám định tư pháp, hoạch định, dự báo nhu cầu giám định tư pháp.

- Cần làm gì để khắc phục khó khăn, vướng mắc nói trên, thưa đồng chí?

- Sở Tư pháp sẽ chủ động nắm bắt tình hình, kịp thời báo cáo, kiến nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp và các cơ quan có thẩm quyền liên quan tăng cường chỉ đạo công tác phối hợp giữa các sở, ngành, các cơ quan tiến hành tố tụng và các tổ chức giám định tư pháp để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ giám định cho các tổ chức giám định tư pháp công lập bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Tham mưu UBND tỉnh xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 250/QĐ-TTg ngày 28.2.2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp. Tham mưu Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh tích cực tuyên truyền, hướng dẫn các ngành, địa phương tuyên truyền Đề án và các văn bản có liên quan đến người dân.

Tăng cường tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ giám định, đạo đức nghề nghiệp và các kỹ năng cần thiết trong hoạt động giám định tư pháp cho đội ngũ giám định viên tư pháp và người giám định tư pháp theo vụ việc. Thực hiện tốt công tác phối hợp giữa Sở Tư pháp với các sở, ngành trong thẩm định hồ sơ bổ nhiệm giám định viên tư pháp; rà soát, lựa chọn và công bố danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp bảo đảm chính xác, tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động trưng cầu giám định...

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

HÀ NGA (thực hiện)