Luật Chăn nuôi: Hướng tới sản xuất bền vững
Tin tức - Ngày đăng : 07:01, 07/11/2018
Cả người sản xuất và nhà quản lý đều mong mỏi Luật Chăn nuôi sớm ban hành để thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển
Mặc dù đóng góp lớn vào phát triển kinh tế và mang tác động đa chiều nhưng từ trước tới nay, ngành chăn nuôi mới chỉ được quản lý bằng Pháp lệnh 16/2004/PL-UBTVQH. Qua nhiều năm thực hiện, pháp lệnh đã bộc lộ nhiều hạn chế, không còn phù hợp với yêu cầu mới. Vì vậy, việc xây dựng Luật Chăn nuôi để tạo hành lang pháp lý vững chắc, góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển là hết sức cần thiết.
Tạo hành lang pháp lý
Sở hữu trang trại nuôi lợn lớn nhất nhì huyện Kinh Môn nhưng ông Phạm Văn Hùng ở xã Quang Trung vẫn luôn trăn trở vì chưa có quy định cụ thể để bảo đảm quyền lợi của người chăn nuôi. Bởi ngoài thiếu thông tin về thị trường, người chăn nuôi bị động trước nhiều vấn đề như chất lượng con giống, thức ăn chăn nuôi... Theo ông Hùng, nhiều năm nay, ông hợp tác với các đơn vị, doanh nghiệp cung ứng giống, thức ăn chủ yếu bằng uy tín, niềm tin. Vì vậy, nếu xảy ra bất chắc, ông luôn nhận thiệt thòi. Ông Hùng cho biết: "Do ngành chăn nuôi chưa có chế tài riêng nên cơ quan chuyên môn khó có thể can thiệp khi có sự cố. Mong mỏi lớn nhất của chúng tôi hiện nay là phải có quy định, ràng buộc rõ ràng về trách nhiệm, quyền hạn của các chủ thể tham gia vào chuỗi sản xuất. Có như vậy chúng tôi mới yên tâm sản xuất".
Với quy trình sản xuất con giống đồng bộ, hiện đại, Công ty CP Giống và thiết bị chăn nuôi Hưng Huy (Cẩm Giàng) hiện đang là đơn vị cung cấp giống vật nuôi lớn nhất tỉnh. Tuy nhiên, công ty đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khi thị trường con giống ngày càng bát nháo, lộn xộn. Theo ông Nguyễn Đắc Viêm, Giám đốc Công ty CP Giống và thiết bị chăn nuôi Hưng Huy, con giống của đơn vị được sản xuất bài bản nên giá thành cao hơn mặt bằng chung, nhưng bảo đảm an toàn dịch bệnh trong suốt quá trình nuôi. Trong khi đó, một số đơn vị vì lợi nhuận mà sản xuất, phân phối giống kém chất lượng, bán với giá thấp hơn để đánh vào tâm lý ham rẻ của người chăn nuôi. Vô hình trung, con giống của công ty bị đem ra so sánh, đánh đồng với các sản phẩm cùng loại. Dù đã có uy tín song hoạt động kinh doanh, sản xuất của công ty cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. "Tôi mong muốn Luật Chăn nuôi ra đời để bảo vệ những người sản xuất chân chính. Đồng thời là khuôn khổ pháp lý nhằm siết chặt quản lý các hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi", ông Viêm đề nghị.
Hiện nay, chăn nuôi ngày càng phát triển và chiếm tỷ trọng cao trong sản xuất nông nghiệp. Việc xây dựng Luật Chăn nuôi sẽ là cơ sở giúp người sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, quản lý biết rõ về quyền hạn, trách nhiệm của mình để đưa ngành chăn nuôi vào quỹ đạo phát triển đã được định hướng.
Tạo điều kiện thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh
Dự án Luật Chăn nuôi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn soạn thảo gồm 8 chương, 65 điều quy định về quản lý các hoạt động trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, hoạt động chăn nuôi, chăn nuôi động vật cảnh và động vật bán hoang dã gây nuôi; xuất, nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi; trách nhiệm quản lý nhà nước về chăn nuôi. Trong đó, có một số điểm đáng lưu ý như chăn nuôi sẽ là lĩnh vực quản lý có điều kiện, các hộ chăn nuôi phải kê khai với chính quyền cấp xã. Những trang trại, doanh nghiệp muốn chăn nuôi phải đăng ký kinh doanh với cấp huyện. Chăn nuôi phải bảo đảm là có thị trường tiêu thụ gắn liền với bảo vệ môi trường và không được chăn nuôi trong nội thành, nội thị. Dự án luật cũng quy định chặt chẽ về điều kiện sản xuất để bảo đảm chất lượng con giống và vật nuôi thương phẩm, hạn chế tối đa tác động tiêu cực tới môi trường và sức khỏe cộng đồng. Từ đó hình thành các vùng chăn nuôi khép kín, tập trung mang lại giá trị kinh tế cao.
Luật Chăn nuôi sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và đa dạng sinh học. Đồng thời, đáp ứng quy định của các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và tham gia. Hiện dự án luật đang được thảo luận để tiếp tục nghiên cứu trước khi ban hành chính thức. Các ý kiến chủ yếu tập trung vào việc làm rõ các quy định về quản lý đối với từng loại danh mục giống vật nuôi, nhất là đối với danh mục giống vật nuôi quý hiếm cần phải bảo tồn...
Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khi Luật Chăn nuôi được ban hành, thay vì quản lý bằng những quy định, chương trình phát triển ngắn hạn trước kia thì cơ quan chuyên môn sẽ kiểm soát chặt chẽ các hoạt động của ngành thông qua những chính sách mang tính chiến lược. Luật Chăn nuôi sẽ tạo tiền đề để từng bước xóa bỏ hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát, hướng tới phát triển bền vững ngành chăn nuôi theo hướng sản xuất hiện đại, ổn định về đầu ra và chú trọng bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
PV