Thảo luận Luật Kiến trúc, đại biểu Quốc hội nhắc chuyện tượng 12 con giáp khỏa thân

Chính trị - Ngày đăng : 16:15, 08/11/2018

Thảo luận dự án Luật Kiến trúc, đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) nhắc lại vụ việc cụm tượng 12 con giáp khỏa thân tại Hòn Dáu Hải Phòng) từng gây ra tranh cãi gay gắt.

Lo ngại quá trình phát triển đô thị khiến nhiều địa phương tự làm phai mờ, biến dạng, méo mó kiến trúc, đại biểu (ĐB) Quốc hội Phan Nguyễn Như Khuê (TP Hồ Chí Minh) khi nêu ý kiến thảo luận về dự án Luật Kiến trúc sáng 8.11 đã đánh giá việc triển khai lấy ý kiến dự thảo luật là rất cấp thiết.

ĐB Phan Nguyễn Như Khuê nhấn mạnh thực tế nhận thức về quản lý và phát triển kiến trúc chưa đúng mức. Ông chia sẻ bản thân ông đã từng phát biểu ý kiến rất gay gắt về việc khách sạn Caravelle (quận 1, TP Hồ Chí Minh) xây quá cao khiến Nhà hát Lớn từ chỗ có kiến trúc rộng rãi nay "nhìn như cái miếu". "Rõ ràng, quản lý kiến trúc không gian bị buông lỏng. Tất cả kiến trúc không gian bị phá khi toà nhà cao tầng chồm hẳn lên kiến trúc đó. Như vậy, công cụ quản lý của ta vừa qua chưa được" - Phó trưởng đoàn ĐB Quốc hội TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề xếp hạng di tích, ĐB Phan Nguyễn Như Khuê dẫn lại việc vừa qua, nhiều ý kiến tranh luận sôi nổi về Dinh Thượng Thơ (TP Hồ Chí Minh). Vấn đề tồn tại hiện nay là dự án luật chỉ đề cập đến việc bảo tồn những trường hợp có hồ sơ được xếp hạng di sản di tích. Trong khi đó, theo vị ĐB, giá trị kiến trúc là cái phải được đưa ra xem xét chứ không thể chỉ di tích được xếp hạng mới tính đến. "Những công trình giá trị kiến trúc chưa đặt vào trong này thì luật này có đề cập không? Không đặt các công trình đó vào luật mà công cụ quản lý không chặt thì hồn đô thị sẽ mất, mà đó mới là cái vĩnh cửu với thời gian, với nhiều thế hệ" - ông Phan Nguyễn Như Khuê tâm tư.

Thảo luận Luật Kiến trúc, đại biểu QH nhắc chuyện tượng 12 con giáp khỏa thân - Ảnh 1.
ĐB Quốc hội Trương Trọng Nghĩa

Luật sư Trương Trọng Nghĩa (ĐB TP Hồ Chí Minh) nêu vấn đề tranh luận không chỉ ở Việt Nam mà còn nhiều quốc gia. Đó là với những di sản kiến trúc từ thời thực dân - đế quốc, là sản phẩm của quá trình bị xâm lược, thì có bảo tồn không?

Vị luật sư cho rằng chúng ta phải bảo tồn những di sản đó bởi nó giáo dục cho người Việt Nam về lịch sử của dân tộc với những thăng trầm. ĐB Trương Trọng Nghĩa dẫn chứng nhiều câu chuyện ý nghĩa.

Câu chuyện thứ nhất là sự kiện Mã Viện - một viên tướng của nhà Hán - được vua Hán phong là Phục Ba tướng quân, đem quân sang đàn áp cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng. Sau khi đàn áp xong, Mã Viện đã dựng cột đồng làm phân giới. Khi Giang Văn Minh được vua Lê cử sang đi sứ nhà Minh, nhà Minh đưa ra câu đối nhắc lại sự kiện xưa kia Mã Viện dựng cột đồng: "Đồng trụ chí kim đài dĩ lục (Trụ đồng đến nay rêu vẫn còn xanh). Giang Văn Minh khẳng khái đối lại: "Đằng Giang tự cổ huyết do hồng" (Sông Bạch Đằng từ xưa máu vẫn còn đỏ). "Họ đã mổ bụng Giang Văn Minh, nhồi tro, trấu vào rồi cho xe kéo về. Tại làng cổ Đường Lâm nay vẫn còn di tích. Như vậy, trụ đồng Mã Viện là chứng tích việc chúng ta bị xâm lược, là câu chuyện lịch sử" - ông Nghĩa nêu lý do cần bảo tồn.

Hoặc, với sự kiện thành Hoàng Diệu (Hà Nội) bị Pháp bắn đạn đại bác, trước đây đã từng nổ ra tranh luận nên lấp hay để bởi đây là chứng tích cho việc chúng ta bị xâm lược. Và, cuối cùng, di tích này đã được giữ lại.

"Kiến trúc thực dân - đế quốc nếu đẹp thì chúng ta để lại, nhưng còn một lý do nữa là vì nó nói lên lịch sử dân tộc, qua đó giáo dục con người, thể hiện hồn cốt. Một dân tộc mà xoá đi ký ức, hồn cốt thì con người sẽ trở thành lai căng, mất gốc, rơi vào bệnh ấu trĩ, tả khuynh như Lê-nin nói" - ĐB Nghĩa nhấn mạnh.

Đóng góp ý kiến, ĐB Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) nhắc lại vụ việc cụm tượng 12 con giáp khỏa thân tại Hòn Dáu (quận Đồ Sơn, Hải Phòng) đã gây ra tranh cãi gay gắt trong xã hội.

Thảo luận Luật Kiến trúc, đại biểu QH nhắc chuyện tượng 12 con giáp khỏa thân - Ảnh 2.

Những bức tượng 12 con giáp ở khu du lịch Hòn Dáu - Ảnh: Trọng Đức

"Cụm tượng ban đầu để trần truồng, sau đó cơ quan quản lý phải dùng trang phục để che đậy các bộ phận nhạy cảm vì nhiều ý kiến cho là phản cảm. Vừa qua, lĩnh vực kiến trúc đang bộc lộ nhiều bất cập, nhiều công trình được đầu tư nhiều tiền nhưng không những không phát huy được bản sắc mà còn gây phản cảm" - nữ ĐB nhận xét và đề nghị đặt mục tiêu xuyên suốt, mang tính bền vững cho kiến trúc Việt Nam là các công trình phải phát huy được bản sắc, mang dấu ấn văn hóa dân tộc.

Theo Người lao động