Sai lầm của ông Trump khi giáng cơn thịnh nộ xuống Tổng thống Macron

Thế giới - Ngày đăng : 16:12, 14/11/2018

Tổng thống Mỹ liên tiếp công kích người đồng cấp Pháp để xả tức giận, nhưng lại dựa trên thông tin không chính xác, và không có cố vấn nào ngăn cản.
Trump (trái) trao đổi với Tổng thống Pháp Macron tại Paris hôm 10/11. Ảnh: Reuters.

Trump (trái) trao đổi với Tổng thống Pháp Macron tại Paris hôm 10.11. Ảnh: Reuters.

Sau khi trở về Washington từ chuyến thăm châu Âu bị đánh giá là "thảm họa", Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua tung ra một loạt dòng tweet nhằm vào người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron. Giới quan sát cho rằng đây là hành động thể hiện nỗi tức giận của Trump với Macron, nhưng cũng cho thấy thiếu sót nguy hiểm trong việc "ghìm cương" Tổng thống của đội ngũ cố vấn Nhà Trắng, theo Bloomberg.

Chỉ trong hơn một giờ vào chiều tối qua, Trump liên tiếp thể hiện nỗi bức xúc trên Twitter, đầu tiên là công kích một lần nữa vào ý tưởng thành lập "đội quân châu Âu" của Macron. "Emmanuel Macron đề nghị xây dựng đội quân của riêng họ để bảo vệ châu Âu khỏi Mỹ, Trung Quốc và Nga. Nhưng Đức mới là bên gây ra Thế chiến I và II, ý tưởng đó làm sao thực hiện được với Pháp? Người Paris từng bắt đầu học tiếng Đức trước khi quân Mỹ tới. Hãy trang trải chi phí cho NATO hoặc không!"

Tổng thống Mỹ tiếp tục chỉ trích việc rượu vang Pháp nhập khẩu vào Mỹ được hưởng mức thuế thấp, trong khi rượu vang Mỹ bán ở Pháp bị áp thuế rất cao, cho rằng điều này "không công bằng, cần phải thay đổi". 10 phút sau, ông chế nhạo Tổng thống Pháp có tỷ lệ ủng hộ thấp, tỷ lệ thất nghiệp cao đồng thời khẳng định không có quốc gia nào "theo chủ nghĩa dân tộc" lớn như Pháp.

Theo bình luận viên Leonid Bershidsky, đây dường như là sự phản pháo của Trump sau bài phát biểu lên án chủ nghĩa dân tộc của Macron tại lễ kỷ niệm 100 năm ngày kết thúc Thế chiến I ở Paris hôm 11.11. Trong buổi lễ, Tổng thống Pháp gọi chủ nghĩa dân tộc là "con quỷ già đang nhăm nhe quay trở lại mặt đất để gieo rắc sự hỗn loạn và cái chết" và khẳng định nó là "sự phản bội lại lòng yêu nước".

Tuyên bố này của Macron được coi là "gáo nước lạnh" dội vào Trump, người cùng gần 70 nguyên thủ quốc gia lúc đó có mặt tại buổi lễ. Trump từng tự hào gọi mình là một người theo chủ nghĩa dân tộc và luôn ủng hộ quan điểm "nước Mỹ trên hết".

Trong bài viết trên WSJ hôm qua, thượng nghị sĩ Marco Rubio lên tiếng bảo vệ Trump, cho rằng Tổng thống Pháp đã có cái nhìn sai lầm, phiến diện về "chủ nghĩa dân tộc kiểu Mỹ" mà Trump luôn ủng hộ. Rubio khẳng định ngay từ khi lập quốc, chủ nghĩa dân tộc là chất keo gắn kết người Mỹ và nó luôn gắn liền với bản sắc của nước Mỹ.

"Chủ nghĩa dân tộc kiểu Mỹ trái ngược với loại chủ nghĩa dân tộc mà ông Macron mô tả", Rubio viết. "Macron có thể muốn nhắm vào việc Tổng thống Trump tự gọi mình là 'người theo chủ nghĩa dân tộc', nhưng chỉ cho thấy sự đối lập rõ ràng giữa cách nhìn của ông ấy và người Mỹ".

Giới quan sát cho rằng sự khác biệt trong quan điểm về chủ nghĩa dân tộc có thể giải thích cho nỗi tức giận của Trump khi bị Macron "xếch mé" giữa nhiều lãnh đạo quốc gia khác. Tuy nhiên, cách Tổng thống Mỹ "xả giận" bằng một loạt bài đăng trên Twitter lại không phải là phản ứng khôn ngoan cần có của một nguyên thủ, nhất là khi những lời cáo buộc của Trump lại dựa trên thông tin không đúng sự thật. Điều này cũng hé lộ một thực tế rằng ở Nhà Trắng hiện nay dường như không có một cố vấn nào đủ tầm để có thể kìm hãm cơn tức giận của Trump.

Việc Trump công kích Macron vì cho rằng Tổng thống Pháp muốn lập một quân đội châu Âu để "đối phó với Mỹ, Nga và Trung Quốc" hoàn toàn là sự hiểu nhầm. Trong cuộc phỏng vấn với đài Europe 1 hôm 6.11, Macron chỉ nói rằng châu Âu không thể được bảo vệ nếu không quyết định tạo ra một quân đội châu Âu thật sự. "Đối mặt với Nga, chúng ta phải có một châu Âu có thể tự bảo vệ mình mà không phải dựa hoàn toàn vào Mỹ", Tổng thống Pháp nói.

Cũng trong cuộc phỏng vấn đó, Macron chỉ đề cập đến việc đối phó với Mỹ trong lĩnh vực an ninh mạng. "Chúng ta đang bị tấn công bởi những kẻ tìm cách xâm nhập vào không gian mạng để can thiệp vào nền dân chủ. Chúng ta phải tự bảo vệ mình trước Trung Quốc, Nga, thậm chí là cả Mỹ".

Tổng thống Mỹ sau đó đáp trả bằng việc đăng dòng tweet cho rằng ý tưởng của Tổng thống Pháp là "rất xúc phạm", cho thấy thông tin về phát biểu của Macron trước khi tới được tai Trump có vẻ đã bị cắt xén hoặc dịch sai, khiến ông hiểu sai hoàn toàn về ý nghĩa thực sự của nó.

Theo Bershidsky, điều nguy hiểm ở đây là trong đội ngũ cố vấn, trợ lý của Trump không ai nhận ra lỗi sai này, hoặc họ nhận ra nhưng không có khả năng giải thích cho Tổng thống về sai sót đó. Trump vẫn giữ nguyên niềm tin như vậy, dù phía Pháp đã giải thích rõ rằng Macron không bao giờ đề xuất ý tưởng lập đội quân để chống lại Mỹ.

Bershidsky đưa ra ba giả thuyết để giải thích cho sự nhầm lẫn này, đó là các cố vấn của Trump không hiểu tiếng Pháp, hoặc họ cho rằng quan hệ với đồng minh Pháp không đủ quan trọng để đính chính với Trump, hay họ đã tìm cách nói rõ với Tổng thống, nhưng Trump không thèm nghe. Bất cứ tình huống nào trong số đó đều rất đáng báo động, bình luận viên này nhận định.

Thủ tướng Đức Angela Merkel (phải) đứng cạnh vợ chồng Trump trong lễ kỷ niệm 100 năm ngày kết thúc Thế chiến I ở Paris. Ảnh: AFP.

Thủ tướng Đức Angela Merkel (phải) đứng cạnh vợ chồng Trump trong lễ kỷ niệm 100 năm ngày kết thúc Thế chiến I ở Paris. Ảnh: AFP.

Tờ Le Monde của Pháp hôm 9.11 đăng câu chuyện về việc Trump trong cuộc gặp hồi tháng 4.2017 đã chỉ trích tổng thống ba nước vùng Baltic vì những cuộc chiến xảy ra ở vùng Balkan trong thập niên 1990, dù hai khu vực không liên quan đến nhau. Bershidsky cho rằng nếu có một "người chín chắn" ở Nhà Trắng tóm tắt trước cho Trump những kiến thức địa lý cần thiết trước cuộc gặp, những sự cố đáng xấu hổ như vậy sẽ không xảy ra. Việc nhầm lẫn về địa lý có thể gây hậu quả nghiêm trọng nếu Trump cần phải ra những quyết sách lớn, chẳng hạn như việc Macedonia ở Balkan xin gia nhập NATO hay triển khai luân phiên lính Mỹ ở Estonia, một quốc gia vùng Baltic.

Theo bình luận viên Joshua Keating của Slate, Trump đã đúng khi nói về tỷ lệ ủng hộ thấp của Macron hay tình cảnh của các nhà xuất khẩu rượu vang Mỹ tới châu Âu, nhưng ông hoàn toàn sai khi thể hiện nỗi tức giận với Tổng thống Pháp dựa trên cách hiểu sai của mình. Ông còn lặp đi lặp lại vấn đề đòi Pháp tăng đóng góp tài chính cho NATO, trong khi Paris đã giành 1,8% GDP cho ngân sách quốc phòng, gần đạt chỉ tiêu 2% theo yêu cầu của Mỹ. Macron cũng khẳng định Pháp sẽ đạt mức đóng góp ngân sách này vào năm 2024.

Keating cho rằng thực tế đó chứng tỏ Trump không mấy quan tâm đến tình hình của các đồng minh ở châu Âu, bởi ông luôn duy trì quan điểm hoài nghi với các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương hay đồng minh truyền thống. Ông từng công khai tuyên bố EU "cũng tệ không kém gì Trung Quốc" về vấn đề thương mại, thậm chí còn từng bày tỏ sự ủng hộ với lãnh đạo phe cực hữu Pháp Marine Le Pen, đối thủ có thể đe dọa Macron trong cuộc bầu cử sắp tới.

Những gì Trump đã làm trong hai năm đầu tiên của nhiệm kỳ cho thấy ông đặt ưu tiên với những vấn đề nội tại của nước Mỹ như nhập cư, thương mại và việc làm hơn là các chính sách đối ngoại trên toàn cầu và quan hệ với đồng minh. Điều này làm dấy lên những hoài nghi ở châu Âu về việc liệu Trump có sẵn sàng trợ giúp khi các đồng minh của Mỹ bên kia bờ Đại Tây Dương gặp phải một cuộc khủng hoảng lớn về an ninh hay không.

Thực tế đó thể khiến những lãnh đạo như Macron càng thúc đẩy hơn nữa ý tưởng thành lập quân đội châu Âu nhằm xây dựng cơ chế có thể giúp họ tự đương đầu với thử thách an ninh trỗi dậy trong trường hợp Mỹ không còn muốn hoặc không thể đảm nhận vai trò này, Bershidsky nhận định.

Theo VnExpress