Bí quyết của ngôi trường miền núi

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 17:00, 11/12/2018

Nhiều năm nay, tuy ở miền núi, còn gặp nhiều khó khăn nhưng Trường THPT Phúc Thành (Kinh Môn) đã tạo được sức bật mạnh mẽ mà không ít trường khác có điều kiện tốt hơn chưa làm được.

Trường THPT Phúc Thành quan tâm tổ chức hoạt động tập thể để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh

Nâng cao chất lượng quản lý

Từ năm học 2014 - 2015 đến năm học 2017 - 2018, mỗi năm, trường có hơn 70% số học sinh đỗ vào đại học, cao đẳng, 100% số học sinh đỗ tốt nghiệp THPT. Tại kỳ thi học sinh giỏi tỉnh lớp 12, hầu hết các năm trường có học sinh giành giải nhất, nhì, xếp thứ tự đồng đội luôn đứng thứ 3, thứ 4.

Để có kết quả này, nhà trường xác định nhiệm vụ hàng đầu là không ngừng nâng cao chất lượng quản lý, điều hành. Trong đó, chú trọng việc xây dựng kế hoạch giảng dạy sớm, kỹ lưỡng, chính xác, phù hợp cho mỗi năm học. Nhà trường thực hiện tốt việc phân công giảng dạy với quan điểm không nhất thiết tuân theo kiểu kế thừa, luân phiên. Giáo viên nào có thành tích tốt thì tiếp tục phụ trách môn, đội tuyển, bậc học, còn làm chưa tốt sẽ thay đổi. Thầy giáo Phạm Ngọc Văn, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: "Ban giám hiệu (BGH) căn cứ vào uy tín của giáo viên và sự tín nhiệm của học sinh để phân công dạy hoặc chủ nhiệm lớp tốt hay lớp bình thường. Vì động chạm đến danh dự, quyền lợi của giáo viên nên để làm được việc này, BGH luôn thẳng thắn, công tâm trong việc sắp xếp. Từ đó đã thúc đẩy giáo viên phấn đấu và chủ động khắc phục hạn chế".

Nhà trường thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác dự giờ thăm lớp. 2 năm nay, BGH đề nghị mỗi giáo viên phải dự giờ 2 tiết/tháng (theo quy định chỉ 1 tiết/tháng), đồng thời khuyến khích giáo viên dự giờ ở tất cả các môn. Lãnh đạo, tổ, nhóm chuyên môn giám sát chặt chẽ việc dự giờ của giáo viên. Cùng với công tác quản lý nghiêm túc, lãnh đạo nhà trường thường xuyên gặp gỡ, trao đổi trực tiếp để chia sẻ, tháo gỡ khi giáo viên gặp khó khăn, vướng mắc trong công việc, nhất là lớp có nhiều học sinh nghịch, học lực kém. 

Kinh nghiệm bồi dưỡng học sinh giỏi

Nhà trường luôn tạo điều kiện để giáo viên học tập nâng cao năng lực chuyên môn, ưu tiên cho đi học tập, bồi dưỡng những phương pháp mới, cách thức tổ chức dạy học hay. Hiện nay, nhà trường có 45 giáo viên thì 100% đều có trình độ đạt chuẩn, gần 27% trên chuẩn.

Để không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn, BGH động viên nhóm trưởng gương mẫu, khích lệ, giúp đỡ đồng nghiệp. Giáo viên giỏi không đố kỵ, giấu "bài", giấu "chiêu" vì thành tích cá nhân mà phải vì nhà trường. Thầy giáo Trần Thế Đăng, giáo viên dạy môn vật lý cho biết: "Trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, khi gặp chuyên đề, nội dung khó, chúng tôi cùng nhau bàn bạc tìm cách tháo gỡ hoặc chia sẻ kinh nghiệm, tài liệu, mảng kiến thức mình có ưu thế. Từ đó, đồng nghiệp luôn tin tưởng, yên tâm nhận nhiệm vụ. Vì thế, bộ môn vật lý của trường thường xuyên xếp thứ nhất đồng đội, có học sinh giành giải nhất, nhì tại kỳ thi học sinh giỏi tỉnh".

Một thành công nữa của trường trong bồi dưỡng học sinh giỏi là không để một đội tuyển chọn quá nhiều học sinh. Mỗi đội tuyển chỉ lựa chọn 3 học sinh, nếu các đội khác chọn đủ rồi thì mới được lấy thêm. Việc này khắc phục tình trạng một đội tuyển tập trung nhiều học sinh giỏi trong khi đội tuyển khác không có hoặc học sinh dự phòng của đội tuyển này còn giỏi hơn cả học sinh chính thức của đội tuyển kia. Do đó, chất lượng các đội tuyển khá đồng đều, không để lọt, mất cơ hội của một số học sinh có khả năng.  

Nhà trường cũng thực hiện tốt việc phân luồng, nhất là bồi dưỡng, phụ đạo cho học sinh yếu, kém. Giáo viên lên lớp với nguyên tắc không bỏ sót học sinh, kiến thức trình bày đơn giản, dễ nhớ, dễ hiểu. Em Vũ Văn Đạt, học sinh lớp 12A cho biết: "Các thầy hướng dẫn phương pháp tự học, tự giải quyết công việc, giúp chúng em tiến bộ nhanh hơn".     

TRUNG TÂM