Hãy quan tâm bàn giải pháp
Góc nhìn - Ngày đăng : 15:46, 14/12/2018
Hiện nay, các cơ quan, các tổ chức đảng đều đang tập trung tổng kết, kiểm điểm cuối năm. Nhưng có thể nhận thấy sự mất cân đối trong các bản báo cáo tổng kết của tập thể cũng như phiếu đánh giá của từng cá nhân. Phần lớn các báo cáo của tập thể hay cá nhân đều nặng về thành tích đã đạt được, chiếm tới 80 %, thậm chí hơn trong nội dung báo cáo. Trong khi phần khuyết điểm hạn chế và phương hướng khắc phục, giải pháp thường rất sơ sài.
Báo cáo của tập thể thường do lãnh đạo phòng hay lãnh đạo chi bộ soạn thảo nên khi lãnh đạo trình bày xong, cấp dưới hoặc đảng viên thường rất ngại góp ý. Đa phần các ý kiến tham gia đều cơ bản nhất trí với dự thảo báo cáo và chỉ góp ý thêm về mặt câu chữ. Rất ít người đóng góp ý kiến vào phần mục tiêu, phương hướng, giải pháp vì cho rằng đó là việc ở tầm "vĩ mô", mình là cấp dưới có tham gia thì tiếng nói cũng không có sức nặng. Có người còn cho rằng nhiệm vụ, chỉ tiêu đã có trên giao, giải pháp đã có trên lo, cứ thế mà làm, chẳng ai muốn góp ý thay đổi làm gì cho mệt. Lại có việc cấp trên cũng chỉ ghi nhận ý kiến rồi để đấy, không tiếp thu vào báo cáo...
Trong phiếu đánh giá của cá nhân, những đầu mục như về tư tưởng chính trị; đạo đức lối sống; ý thức tổ chức kỷ luật; tác phong, lề lối làm việc đã chiếm một phần lớn dung lượng. Mà những mục này, dường như của ai cũng giống của ai, năm nay cũng giống năm trước, đều tốt cả. Do vậy trong buổi tổng kết, để tiết kiệm thời gian, các đầu mục này nhiều khi được bỏ qua không trình bày mà các cá nhân chỉ tập trung kiểm điểm kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Nếu trong năm cá nhân đó không có thay đổi về vị trí việc làm, không tham gia thêm hay ra khỏi ban chấp hành các tổ chức đảng, đoàn thể, không được bổ nhiệm chức vụ mới... mà mọi thứ vẫn giữ nguyên thì chắc rằng nội dung bản kiểm điểm hay phiếu đánh giá từ năm này sang năm khác đều cơ bản giống nhau, chỉ khác về ngày, tháng, năm. Chính vì kết cấu, nội dung các phiếu đánh giá, kiểm điểm cứ na ná giống nhau nên nghe các cá nhân trình bày xong, số lượng thành viên tham gia góp ý thường không nhiều. Đặc biệt là tâm lý nể nang, e dè vẫn khá phổ biến. Nhiều người ngại "mổ xẻ" nguyên nhân, góp ý với nhau về những hạn chế, rồi bỏ qua cho nhau để cùng "làm đẹp" hồ sơ công tác. Vì thế các góp ý thường khá nhẹ nhàng và cũng ít góp ý vào phần phương hướng, giải pháp để khắc phục hạn chế, để giúp các cá nhân phát huy thế mạnh, ưu điểm...
Cách kiểm điểm kiểu qua loa, hình thức này hiện tồn tại ở rất nhiều cơ quan, công sở nhà nước. Ở những nơi này, các cuộc tổng kết, đánh giá cuối năm chỉ là đến hẹn lại lên, là một khâu bắt buộc phải làm, nên làm cho xong. Vì thế hiệu quả của việc đánh giá, tổng kết không cao, không đưa ra được những giải pháp đột phá, hay chí ít cũng mới mẻ hơn cho tập thể và mỗi cá nhân. Đương nhiên với cách làm này thì trong năm tới, kết quả công tác của các cá nhân hay tập thể đó chắc chắn cũng sẽ không có gì thay đổi, không trông chờ gì có sự đột phá, cải tiến.
Điều này thường không tồn tại ở những doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp của nước ngoài hoặc liên doanh. Bởi vì ở những nơi đó có sự cạnh tranh liên tục trong mỗi vị trí việc làm, giữa mỗi phòng, bộ phận với nhau và giữa doanh nghiệp này với các doanh nghiệp đối thủ. Ở đó, những giải pháp mới luôn được đề cao, trả giá rất cao. Những cá nhân không chịu đổi mới, cải tổ sẽ bị đào thải, thay thế hay phải lĩnh lương thấp hơn...
Để chữa trị "căn bệnh" hình thức trong các buổi tổng kết cuối năm, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị cần làm gương, nghiêm túc kiểm điểm bản thân và tập thể mình lãnh đạo. Cần gửi sớm các báo cáo tổng kết để các thành viên có thời gian nghiên cứu. Phần điều hành thảo luận, chủ tọa cần gợi ý cụ thể. Đối với các báo cáo cá nhân, lãnh đạo đơn vị cũng cần thẩm định trước và kiên quyết trả lại, yêu cầu bổ sung nếu sơ sài, chung chung, gợi ý cụ thể dựa theo thực tế mặt mạnh, mặt yếu của từng cá nhân...
KIM THANH (Thanh Hà)