Bà tiên

Truyện ngắn - Ngày đăng : 07:41, 16/12/2018

Hương đón mẹ từ quê lên thành phố sống cùng khi sắp sinh cu Bin. Vợ chồng Hương đều làm cho công ty tư nhân nên công việc khá áp lực.



Hương đón mẹ từ quê lên thành phố sống cùng khi sắp sinh cu Bin. Vợ chồng Hương đều làm cho công ty tư nhân nên công việc khá áp lực. Tuy nghỉ sinh ở nhà, Hương vẫn phải vật lộn với chất chồng giấy tờ lộn xộn, phần vì do đặc thù công việc Hương phụ trách không ai ở công ty thay thế được, phần vì Hương cũng tham công tiếc việc.

Có mẹ ở cùng đỡ đần, ba tháng sau sinh Hương đã xin đi làm lại. Vợ chồng Hương thống nhất thuê ô sin làm việc nhà, mẹ Hương chủ yếu trông cháu. Bí bách về thời gian, chứ tiền bạc với vợ chồng Hương đâu phải khó khăn. Hương thưa chuyện thuê ô sin với mẹ, bà gạt đi ngay. Bà bảo trong nhà có việc gì nặng nhọc đâu, ngày nấu hai bữa cơm và cho quần áo vào máy giặt, tranh thủ lúc cu Bin ngủ, bà làm ù tí xong. Ở quê dầm mưa dãi nắng ruộng vườn bà còn chịu đựng được, mấy việc lặt vặt trong nhà Hương nhằm nhò gì. Thuê người giúp việc, tháng mất mấy triệu đồng, hơn nữa có người lạ trong nhà bà cũng không thích. Nghe mẹ nói thế, vợ chồng Hương thôi ý định thuê người vì sợ bà phiền lòng. 

Mẹ Hương tuổi đã gần bảy mươi, nhưng bà rất nhanh nhẹn, sức khỏe dẻo dai. Hai vợ chồng con nhỏ mà chẳng mấy khi phải đụng tay chân vào việc gì. Có bàn tay bà, nhà cửa trước sau sạch bóng, không vệt bụi. Bàn ghế, giường chiếu lúc nào cũng ngăn nắp. Quần áo phơi phong tươm tất. Chiều Hương đi làm về, bà chỉ nhắc con gái mỗi việc dành thời gian chơi nhiều với cu Bin, con cái phải quấn hơi cha mẹ mới tình cảm. Việc công ty quan trọng nhưng không quan trọng bằng con mình đứt ruột đẻ ra, đừng để thằng bé thiếu thốn tình cảm. Hương vâng dạ, bế ẵm cu Bin hôn hít chùn chụt như kiểu mẹ con xa nhau mấy năm trời mới gặp, nhưng chơi cùng con được chốc lát, Hương lại hí hoáy điện thoại kiểm tra công việc.

Dạo này Hương thấy mẹ kỳ lạ thế nào ấy, bà cứ chăm chăm nhặt nhạnh mấy cái chai lọ, bìa, giấy vụn… Đầu tiên thì Hương chỉ nghĩ bà dọn dẹp đồ thừa thãi trong nhà, chất thành đống phế liệu ở góc sân để mai bán đi cho sạch. Nhưng không hẳn vậy, vì phế liệu trong nhà sao nhiều thế được, gần như ngày nào cũng một chồng cao. Hương thấy là lạ. Đêm nằm trằn trọc không ngủ được với những dấu hỏi trong đầu, Hương lầm rầm than thở với chồng. Chồng Hương bảo chắc bà muốn dành dụm ít tiền nên gom đồ linh tinh để bán, có gì đâu Hương phải suy nghĩ về việc cỏn con ấy. Ở quê sống tằn tiện quen rồi, bà không muốn lãng phí nên mới tận dụng vậy. Chồng Hương chốt lại, để giải quyết vấn đề, Hương nên đưa bà thêm ít tiền, đưa bà đi mua sắm thường xuyên, cuộc sống xông xênh bà sẽ rút bớt thời gian nhặt nhạnh vụn vặt, bà sẽ toàn tâm toàn ý chăm sóc cu Bin và sức khỏe bản thân tốt hơn. 

Hương nghe lời chồng cuối tháng đưa thêm cho bà 2 triệu đồng. Tưởng mẹ mình sẽ vui, nào ngờ bà giẫy nẩy: “Sao con đưa tiền cho mẹ nhiều thế làm gì, phần tiền con đưa như hằng tháng mẹ tiêu còn không hết. Đi làm vất vả, phải biết tiết kiệm, mà nếu dư dôi rồi thì làm in ít thôi. Thỉnh thoảng cũng phải nghỉ ngơi, đưa cu Bin đi chơi, nhòm ngó hàng xóm láng giềng một chút. Mẹ thấy vợ chồng con ở đây lâu mà chẳng biết ai với ai. Sống thế không được đâu con ạ…”.

Hương thở hắt ra đánh thượt một cái. Lại bài ca theo năm tháng của mẹ đây mà. Bà sống ở quê nên cứ tưởng thành phố này cũng như quê. Quan hệ càng nhiều càng vướng vạ rắc rối. Hương cố thỏ thẻ, nhẹ nhàng với mẹ: “Con đưa thêm tiền là muốn biếu mẹ, mẹ đi phố thấy món nào ngon thì thưởng thức, nhìn cái áo nào đẹp thì mua để mặc. Mà… mà… mẹ nhặt nhạnh mấy cái chai lọ vứt đi kia làm gì, bán được bao nhiêu tiền đâu, vừa bẩn vừa mất thời gian. Mẹ để góc sân cu Bin lân la ra đó chơi mất vệ sinh lắm”. Mẹ Hương cuống quýt phân bua ngay: “Mẹ chỉ làm trong lúc rảnh rỗi, tay chân thừa thãi thôi mà con, làm xong lúc nào mẹ cũng thay quần áo, vệ sinh sạch sẽ, mẹ không để ảnh hưởng đến các con, đến cu Bin đâu”.

Bà đang nói thì Hương cắt lời một cách khó chịu: “Không ảnh hưởng là thế nào ạ, hàng xóm người ta nhìn việc mẹ làm người ta cười bọn con đấy…”. Rồi Hương ngúng nguẩy bỏ đi, mặc bà ngồi thẫn thờ, ánh mắt buồn bã nhìn khoảng không chống chếnh trước sân. Mẹ và con gái mà khác nhau quá nhiều. Bà muốn giải thích với Hương nhưng cái gì đó cứ vương vướng, nghẹn nghẹn ở cổ họng. 

Những ngày sau đó, thay vì công khai nhặt nhạnh đồ phế liệu như mọi lần, mẹ Hương làm một cách giấu giếm. Bà buộc chặt phế liệu vào bao kín, để ở một góc khuất. Khi vợ chồng Hương đi làm về nhà cửa đã sạch sẽ tinh tươm, bà ngồi ung dung chơi với cu Bin trước cửa nhà như chỉ trực đợi bố mẹ cu Bin về để hai bà cháu cùng reo lên vui sướng. Hương cũng vui vẻ, yên lòng một thời gian khi đinh ninh mẹ mình đã từ bỏ cái công việc nhặt nhạnh phế liệu ấy. Quả thực nhà có thiếu đến mức mẹ phải làm việc đó đâu...

Rồi cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra, dù làm việc rất chỉn chu, kín đáo nhưng bà vẫn bị con gái phát hiện. Một người bạn đã mách cho Hương biết sự việc. Hương hết sức sửng sốt. Thực tình Hương không hiểu nổi mẹ mình phải khổ sở thế làm gì, trong khi tiền Hương đưa thì bà nằng nặc từ chối. Hương quyết định xin nghỉ làm một hôm. Hương muốn theo dõi xem bà lấy mấy thứ vụn vặt ấy ở đâu và vì sao bà phải giấu giếm, trái ý Hương làm việc này cho bằng được. Chả có lẽ mẹ Hương lại ham tiền đến thế.

Sáng ra Hương vẫn dắt xe ra khỏi nhà như mọi ngày, rồi ghé vào quán cà phê gần ngõ nhà. Hương dự định ngồi hơn tiếng sẽ quay về theo dõi mẹ, vì mẹ Hương phải cho cu Bin ăn uống, chơi một lúc, khi cu Bin chơi chán lăn ra ngủ thì bà muốn làm gì mới làm được. Nhâm nhi gần hết ly cà phê thì có một cậu bé vào quán hỏi Hương có muốn đánh giày không. Hương nhìn xuống đôi giày và gật đầu. Cậu bé đón lấy đôi giày một cách hứng khởi, say sưa làm việc. Vừa làm cậu vừa hỏi: “Cô ở trong ngõ này à, cháu thấy cô hay từ đó đi ra”. Hương “ừ” một cách lạnh nhạt rồi cúi gằm vào tờ báo. Dường như không để ý đến thái độ của Hương, cậu bé vẫn tiếp tục: “Trong ngõ cô xuất hiện một bà tiên, bọn cháu quý bà lắm, bà hay kể cho bọn cháu nghe những câu chuyện rất hay”.

Hương chẳng để tâm lắm đến lời cậu bé vì nghĩ cậu bé đang huyên thuyên một câu chuyện huyễn hoặc, vớ vẩn nào đó. Trẻ con mà. Hương hỏi cậu bé một cách vu vơ:

 - Bà tiên cơ à? Bà tiên tên gì?

- Dạ, chúng cháu không biết tên bà, chỉ gọi là bà tiên, vì nhiều thứ chúng cháu mơ ước bà đã ban cho.

Hương phì cười: “Ví dụ?”

- Bà tặng bọn cháu sách, vở, bút viết… Thỉnh thoảng bà cho đồ ăn nữa.

Gớm, thằng bé kể chuyện cứ như truyện cổ tích không bằng.

Cô chủ quán cà phê ngồi bấm bấm chiếc điện thoại, chêm nếm vào: “Bà già công nhận chịu thương chịu khó, chiều con trẻ, tốt tính quá. Nghe nói con cái bà thành đạt khá giả cả mà bà chịu đi gom góp, nhặt nhạnh phế liệu bán lấy tiền mua đồ cho bọn trẻ này. Trước mọi người quanh đây cứ tưởng bà làm nghề thu mua sắt vụn, phế liệu cơ. Ai đời có tuổi cứ xách bao dứa nhặt nhạnh chai lọ, giấy vụn. Sau biết bà thu gom vậy cũng sạch sẽ, lại bán được chút tiền mua sách vở, bút viết cho bọn trẻ mồ côi nên nhà ai có chai lọ bỏ đi đều mang đến tận nhà cho bà. Tự nhiên từ việc làm cùng bà, lại thấy xóm láng gần gũi, vui vẻ hơn”. 

Hương ngờ ngợ… vội bảo thằng bé đừng đánh giày nữa, đưa cô vào gặp bà tiên ấy, rồi cô sẽ trả tiền. Ai đời ở cùng xóm lại không biết bà là ai. Cậu bé đưa Hương về chính ngôi nhà của mình. Nhìn từ xa thấy mẹ đang lúi húi với một đống sách vở, cu Bin trong chiếc cũi có vẻ rất hưng phấn, hớn hở nhìn bà và lũ trẻ xung quanh. Nhà Hương đang đông vui quá. Bà phát hiện ra Hương trước mặt, vội vàng giải thích: “Mẹ, mẹ chỉ muốn giúp bọn trẻ, chúng nó sống ở ngôi nhà mồ côi gần đây, trước mẹ nuôi con cũng nhờ bao người cưu mang giúp đỡ… Mẹ sẽ không làm ảnh hưởng đến các con…”. 

Giọng mẹ nghẹn lại. Mẹ làm tim Hương đau thắt. Hương thấy mình thật vô tâm và có lỗi với mẹ vô vùng.

Hương vội vàng nắm tay mẹ: “Mẹ cho con xin lỗi, con lúc nào cũng bận rộn nên chẳng bao giờ để ý những hoàn cảnh quanh mình. Mẹ làm con thấy tự hào lắm mẹ ơi. Mẹ giúp con sửa lỗi. Hai mẹ con mình cùng làm việc này hôm nay nhé”. Gương mặt lo lắng của bà tiên từ từ giãn ra, thở phào nhẹ nhõm. Hương lau lau khóe mắt, cúi xuống, thản nhiên sắp xếp sách vở, cười đùa cùng lũ trẻ. Hương cảm nhận thấy trái tim mình đang ấm dần nhờ một thứ hạnh phúc rất khó diễn đạt bằng lời.

Truyện ngắn của TRẦN NGỌC MỸ