Thành lập Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện: Tạo thuận lợi trong quản lý
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 16:27, 29/12/2018
Thành lập Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện sẽ tạo thuận lợi trong quản lý các hoạt động chuyên môn về nông nghiệp. Trong ảnh: Cán bộ Trạm Bảo vệ thực vật huyện Thanh Hà kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật
Thành lập Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện trên cơ sở hợp nhất 3 trạm: bảo vệ thực vật (BVTV), thú y, khuyến nông là một trong những giải pháp đổi mới cơ chế hoạt động, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh.
Cần thiết
Trước đây, chỉ có trạm khuyến nông là đơn vị trực thuộc UBND cấp huyện, còn các trạm BVTV, thú y chịu sự quản lý, chỉ đạo của các Chi cục BVTV, Chi cục Thú y thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT). Trong khi đó, UBND cấp huyện là cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp trên địa bàn. Mặc dù đều làm nhiệm vụ chuyên môn về nông nghiệp nhưng các trạm hoạt động độc lập. Vì vậy, rất khó tập trung nguồn lực để hỗ trợ, giải quyết những vấn đề phát sinh trong sản xuất, nhất là lúc xảy ra dịch bệnh, thiên tai.
Trạm Khuyến nông thực hiện nhiệm vụ tổ chức, xây dựng mô hình, giúp người dân phát triển sản xuất tại cấp huyện. Còn phía tỉnh lại có 2đơn vị giúp việc là các trạm BVTV, thú y đóng trên địa bàn. Xét về chức năng thì trạm khuyến nông phụ trách cả phần việc của 2 cơ quan trên. Do đó sẽ dẫn tới tình trạng chồng lấn trong quá trình triển khai thực hiện công việc, đồng thời cũng có nhiều bất cập trong chỉ đạo, điều hành. Ông Nguyễn Văn Lực, Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà cho biết: “Nông nghiệp là ngành đặc thù, phụ thuộc vào nhiều yếu tố nên khi sự cố xảy ra phải xử lý nhanh, kịp thời để tránh thiệt hại lớn. Song vì không có sự thống nhất trong quản lý, việc điều động nhân sự rất bất tiện. Muốn cử nhân viên của các trạm BVTV, thú y đi làm nhiệm vụ, UBND huyện phải xin ý kiến của Sở NN-PTNT. Do không chủ động trong quản lý nên khó tránh được sai sót”.
Nhận thấy sự chồng chéo giữa 3 đơn vị này nên sau một thời gian nghiên cứu, chuẩn bị, tháng 8.2018, Sở NN-PTNT đã hoàn thiện việc xây dựng đề án thành lập Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp trên cơ sở hợp nhất 3 trạm: BVTV, thú y, khuyến nông. Việc sáp nhập nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, bảo đảm tổ chức tinh gọn, có năng lực tự chủ để hoạt động hiệu quả, khắc phục tình trạng dàn trải, trùng lắp trong thực thi nhiệm vụ.
Nâng cao hiệu quả hoạt động
Toàn tỉnh có tổng số 35 trạm BVTV, thú y, khuyến nông (riêng huyện Thanh Hà không có trạm khuyến nông, có 1 Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp). Tổng số biên chế giao năm 2018 là 127người gồm 119 viên chức và 15 lao động hợp đồng. Khi các trạm hợp nhất, sẽ giữ nguyên trạng về đội ngũ viên chức, người lao động. Số lượng người làm việc tại Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp sẽ do Chủ tịch UBND cấp huyện trình UBND tỉnh quyết định trong tổng số người được giao. Việc bố trí chức danh lãnh đạo, quản lý trung tâm phải bảo đảm đủ các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định. Lãnh đạo trung tâm phân công và làm việc theo hình thức trực tuyến với viên chức giúp việc, không thành lập các phòng chuyên môn trực thuộc.
Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp có chức năng giúp UBND cấp huyện thực hiện nhiệm vụ chuyên môn thuộc lĩnh vực nông nghiệp, chịu sự chỉ đạo, quản lý trực tiếp và toàn diện về tổ chức bộ máy, biên chế và công tác của UBND cấp huyện. Đồng thời chịu sự hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Sở NN-PTNT. Do đó, việc chỉ đạo, điều hành sẽ thống nhất, tập trung nên chắc chắn các nhiệm vụ được thực hiện bài bản, hiệu quả hơn.
Mặc dù là chủ trương đúng, phù hợp với tình hình thực tế nhưng việc sáp nhập 3 trạm để thành lập trung tâm phần nào cũng gây ra những xáo trộn về tâm lý đối với cán bộ, nhân viên đang làm việc tại các trạm. Ông Vũ Khắc Diệp, Trạm Trưởng Trạm BVTV huyện Thanh Miện cho biết: “Sáp nhập nhằm mục đích nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động quản lý nông nghiệp đều được nhân viên, người lao động đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, cần bố trí vị trí việc làm phù hợp theo đúng chuyên môn, nghiệp vụ của từng người. Có như vậy cán bộ, nhân viên mới yên tâm công tác”.
Thực hiện quy trình sáp nhập, ngày 30.11, UBND tỉnh quyết định thành lập 12 Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp trên cơ sở hợp nhất 3 trạm trên tại các huyện, thị xã, thành phố. Hiện các đơn vị đang tiến hành bàn giao nhân sự, xử lý tài sản theo quy định và chỉ đạo của tỉnh. Thời hạn hoàn thành bàn giao và các điều kiện cần thiết khác để trung tâm đi vào hoạt động là trước ngày 1.1.2019.
PV