Điểm sáng nông nghiệp
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 09:58, 31/12/2018
Năm 2018, nông sản được mùa nhưng lại không xảy ra tình trạng ế thừa, mất giá
Tăng trưởng toàn diện
Sản xuất nông nghiệp tăng trưởng vượt bậc là điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2018. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ước đạt 18.348 tỷ đồng, vượt 1,5% kế hoạch năm, tăng 6% so với năm 2017. Giá trị sản phẩm bình quân trên mỗi ha đất trồng trọt và nuôi thủy sản đạt 145,3 triệu đồng, tăng gần 6 triệu đồng. Có được những con số ấn tượng, nổi bật này là nhờ kết quả sản xuất tích cực từ các lĩnh vực. Trong đó, trồng trọt có những chuyển biến mạnh mẽ nhất.
Nếu như năm 2017, sản xuất lúa, rau màu, cây ăn quả của tỉnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi thiên tai, dịch bệnh tàn phá làm sụt giảm nghiêm trọng năng suất, chất lượng cây trồng thì năm 2018 lại có được thành công lớn. Mặc dù diện tích gieo cấy lúa cả năm không đạt kế hoạch đề ra nhưng do áp dụng các kỹ thuật canh tác mới, thực hiện quy vùng sản xuất nhằm hạn chế ảnh hưởng của thời tiết, sâu bệnh nên năng suất lúa tăng cao, đạt 60,5 tạ/ha, tăng 4,8 tạ/ha so với năm 2017. Rau màu, cây ăn quả tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng diện tích các loại cây cho hiệu quả kinh tế cao. Các vùng sản xuất chuyên canh theo sản phẩm đặc thù của từng địa phương như rau vụ đông (Gia Lộc), cà rốt (Cẩm Giàng), hành tỏi (Kinh Môn), vải thiều (Thanh Hà)... được đầu tư phát triển. Đặc biệt, đây cũng là năm sản lượng vải, nông sản đặc sản của tỉnh đạt cao nhất từ trước đến nay với hơn 66.000 tấn. Năng suất tăng cao, tiêu thụ thuận lợi đã đem lại nguồn thu lớn cho người trồng vải. Những thuận lợi trong sản xuất đã góp phần làm gia tăng giá trị kinh tế của lĩnh trồng trọt với mức tăng trưởng 8,8%, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Năm 2018 cũng là thời điểm lĩnh vực chăn nuôi lợn phục hồi sau một thời gian khủng hoảng trầm trọng. Tuy tổng đàn lợn giảm 4,2% so với năm trước song phù hợp với quy hoạch phát triển của tỉnh, tránh nguy cơ phá vỡ quy hoạch trong những năm tiếp theo. Chăn nuôi lợn dần ổn định với giá bán ở mức khá cao, tạo điều kiện cho người nuôi khắc phục hậu quả của tình trạng rớt giá. Do nhu cầu của thị trường, quy mô đàn gia cầm được mở rộng, ước đạt gần 12 triệu con, tăng 2,8%. Nuôi thủy sản tiếp tục được duy trì với sản lượng đạt gần 71.000 tấn, tăng 1,2%. Thế mạnh về nuôi cá lồng cũng được các địa phương phát huy hiệu quả. Hiện năng suất mỗi lồng nuôi đã đạt 4 tấn/năm, gần bằng 1 ha mặt nước và cho thu lãi từ 50-60 triệu đồng/năm.
Có thể nói bức tranh nông nghiệp của tỉnh trong năm 2018 có những gam màu sáng bởi các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản đều thu được kết quả khả quan. Đây chính là một năm bội thu của ngành nông nghiệp trên tất cả các mặt.
Phát triển về chất
Không chỉ đạt những con số ấn tượng về năng suất, sản lượng mà thực tế sản xuất nông nghiệp năm 2018 còn mang đậm dấu ấn của một nền nông nghiệp chú trọng tới chất lượng sản phẩm và quan tâm xây dựng liên kết chuỗi để phát triển dài lâu.
Là năm nông sản được mùa nhưng lại không xảy ra tình trạng ế thừa, ép giá. Các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh như vải thiều, cà rốt, hành tỏi… đều được tiêu thụ thuận lợi với giá bán cao. Có được kết quả này do sự chủ động của các cấp, các ngành trong việc định hướng sản xuất để nâng cao khả năng cạnh tranh cũng như tạo dựng uy tín, củng cố niềm tin từ phía khách hàng. Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP ngày càng được quan tâm và áp dụng rộng rãi trong cả trồng trọt và chăn nuôi. Đến hết năm 2018, toàn tỉnh đã có gần 700 ha rau màu, cây ăn quả được cấp giấy chứng nhận VietGAP, gần 10.000 ha sản xuất theo quy trình VietGAP; 25 cơ sở chăn nuôi đạt chuẩn VietGAP và phần lớn các hộ chăn nuôi đều được tập huấn kỹ thuật sản xuất theo VietGAP. Trên nền tảng sản xuất sạch, cùng sự hỗ trợ của cơ quan chuyên môn, nông dân đã chủ động thực hiện các biện pháp để truy xuất nguồn gốc nông sản, gắn trách nhiệm, quyền lợi của người sản xuất với người tiêu dùng.
Trên cơ sở sản xuất sạch, các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ cũng được hình thành. Đây là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và biến đổi khí hậu. Sản xuất theo đơn đặt hàng sẽ tránh được vòng luẩn quẩn được mùa, mất giá đã tồn tại lâu nay. Hiện toàn tỉnh đã xây dựng được 37 chuỗi liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp trong trồng trọt, chăn nuôi. Mặc dù chưa thật sự bền vững nhưng là tín hiệu khả quan để sắp xếp lại cơ cấu tổ chức trong sản xuất, phân phối và tiêu thụ nông sản. Vụ vải năm 2018 chính là minh chứng rõ nét nhất, khẳng định chỉ có tạo được mối liên kết sản xuất-tiêu thụ thì thị trường mới được khơi thông, nâng cao giá trị nông sản.
Đúng như đánh giá của ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2018 là một năm thành công với ngành nông nghiệp. Bên cạnh sự ủng hộ của thời tiết, những nỗ lực trong chỉ đạo, điều hành của các đơn vị chuyên môn là yếu tố quyết định tới kết quả sản xuất.
DŨNG CƯỜNG