Phòng chống tham nhũng 2018: Không còn ''trên nóng, dưới lạnh''
Tin tức - Ngày đăng : 10:50, 31/12/2018
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng phát biểu kết luận cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo tháng 11.2018. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN
Một “căn bệnh” khá phổ biến trong hệ thống chính trị nói chung, đặc biệt là trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí ở Việt Nam lâu nay là tình trạng Trung ương thì quyết liệt, trong khi địa phương, cơ sở chậm chuyển biến.
Nhưng thực tế cho thấy với quan điểm không có “vùng cấm” trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, năm 2018, nhiều cán bộ, lãnh đạo các cấp, các ngành, có sai phạm đã bị kỷ luật cách chức, cảnh cáo, hay khiển trách, kể cả khi đã nghỉ hưu.
Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực đang lan tỏa mạnh mẽ từ Trung ương đến tận cơ sở, được nhân dân đồng tình, hưởng ứng và đánh giá cao.
Nhận diện sai phạm
Theo phản ánh của phóng viên tại các địa phương, từ đầu năm 2018 đến nay, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã xử lý, kỷ luật hơn 200 tập thể và cá nhân có sai phạm ở nhiều ngành, lĩnh vực. Trong đó có thể kể đến các sai phạm chủ yếu như buông lỏng quản lý, lãnh đạo, chỉ đạo, chưa làm tròn trách nhiệm người đứng đầu; vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm; vi phạm trong việc kê khai tài sản, thu nhập không đúng quy định; thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng...
Tại một số địa phương trong cả nước đã ghi nhận những trường hợp bị xử lý kỷ luật do thiếu trung thực, sử dụng văn bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông không hợp pháp để kê khai làm hồ sơ cán bộ công chức, hồ sơ đảng viên, làm hồ sơ thi tuyển, đi học các lớp nâng cao trình độ chính trị...
Điển hình là trường hợp năm đảng viên, cán bộ chủ chốt ở xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, vừa bị cách chức Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ xã hồi đầu tháng 9 do sử dụng bằng tốt nghiệp THPT không hợp pháp để kê khai làm hồ sơ cán bộ công chức, hồ sơ đảng viên, làm hồ sơ thi tuyển, nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, làm hồ sơ để được quy hoạch và bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ xã Bình Minh nhiệm kỳ 2010-2015 và 2015-2020...
Không riêng tại xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, ở các địa phương khác, đã có nhiều vụ việc cán bộ, công chức sử dụng bằng giả bị phát giác; những trường hợp này đều nắm giữ các chức vụ chủ chốt ở cấp xã hoặc được cơ cấu để bầu vào cấp ủy nhiệm kỳ mới. Việc xử lý kỷ luật đối với năm cán bộ trên là bài học nghiêm khắc, có tác dụng cảnh báo, răn đe, ngăn ngừa vi phạm chung, góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước.
Lực lượng vũ trang (công an, quân đội...) với chức năng, nhiệm vụ của mình thường được ví như “thanh bảo kiếm” của Đảng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trước đây, nhiều người cho rằng đây là “vùng cấm” ở nhiều góc độ, nhưng giờ đây mọi chuyện đã khác.
Năm 2018 ghi nhận việc hàng loạt tướng Công an, Quân đội có sai phạm bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật hay đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét kỷ luật. Không chỉ ở cấp Trung ương, từ cấp cơ sở cũng có những chuyển biến tích cực, nhiều cán bộ Công an, Quân đội đã bị xử lý kỷ luật khi có sai phạm.
Gần đây nhất, đầu tháng 12, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng Lê Văn Tam đã bị kỷ luật khiển trách do có khuyết điểm, vi phạm trong việc kê khai tài sản, thu nhập không đúng quy định.
Hay như việc Công an thành phố Hà Nội vào cuộc điều tra, quyết định kỷ luật giáng cấp bậc hàm, cảnh cáo, khiển trách, cắt thi đua, giải quyết nghỉ hưu... đối với 21 cán bộ, chiến sỹ cảnh sát giao thông trực tiếp sai phạm và liên quan đến hành vi nhận tiền “làm luật.”
Còn tại Lâm Đồng, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã quyết định kỷ luật Ban Thường vụ Đảng ủy và một số cán bộ chủ chốt của Công an huyện Di Linh do vi phạm các nguyên tắc xây dựng Đảng và sai phạm trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.
Trong sáu tháng đầu năm 2018, cấp có thẩm quyền của tỉnh Cà Mau đã ra quyết định kỷ luật cảnh cáo về mặt Đảng, về chính quyền đối với cán bộ Đội Cảnh sát giao thông, trật tự và cơ động, Công an huyện Thới Bình, có sai phạm liên quan đến tác phong và lễ tiết của người Công an nhân dân; kỷ luật kiểm điểm trách nhiệm đối với Trưởng Công an xã Đông Hưng, huyện Cái Nước, do liên đới trách nhiệm trong chỉ đạo xử lý, giải quyết vụ đánh ghen có tính chất nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn...
Việc xử lý kỷ luật nghiêm đối với các hành vi vi phạm nói trên đã thể hiện rõ quyết tâm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đẩy mạnh xây dựng Đảng, xây dựng bộ máy Nhà nước, chính quyền các cấp ngày càng trong sạch, vững mạnh, không có “vùng cấm,” không có “ngoại lệ.”
Không ít cán bộ quản lý không những không làm đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, thậm chí còn tiếp tay cho “lâm tặc,” để xảy ra các vụ phá rừng, mất rừng nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận. Các địa phương, các ngành liên quan đã vào cuộc quyết liệt, kiên quyết xử lý các sai phạm. Trong đó, tỉnh Đắk Nông đã phát hiện và xử lý khá nhiều vụ sai phạm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Từ đầu năm 2018 đến nay, địa phương này đã kỷ luật khiển trách Ban Thường vụ Huyện ủy Đăk G’long các nhiệm kỳ 2005-2010 và 2010-2015 do thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo công tác giao đất, giao rừng, cho thuê đất rừng, để nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm, không kịp thời phát hiện, xử lý các vụ vi phạm về quản lý đất đai, bảo vệ rừng. Nhiều cán bộ của tỉnh Đắk Nông cũng đã bị kỷ luật do thiếu trách nhiệm, không ngăn chặn, xử lý kịp thời các vụ phá rừng...
Không thể không nhắc đến việc xử lý các vụ việc “nổi cộm” gần đây, như việc nguyên Bí thư Đảng ủy thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ, bị cảnh cáo về mặt Đảng do có hành vi quấy rối tình dục phụ nữ, hay vụ nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa bị cách tất cả các chức vụ trong Đảng do để xảy ra nhiều vi phạm nghiêm trọng, trong đó có việc “nâng đỡ không trong sáng” đối với bà Trần Vũ Quỳnh Anh đã trở thành tâm điểm của dư luận trong suốt một thời gian dài.
Mới đây nhất, dư luận lại bàng hoàng khi cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ba tháng đối với Đinh Bằng My, sinh năm 1961, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Thanh Sơn về tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi.” Vụ việc một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự suy thoái đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả những người được tin tưởng trao trách nhiệm cao quý là ươm mầm nhân cách, giáo dục thế hệ trẻ trong sự nghiệp “trồng người.” Cơ quan chức năng đang tập trung điều tra, xác minh và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật để trả lại môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn và thân thiện.
Không còn “trên nóng, dưới lạnh”
Khẳng định sự vào cuộc quyết liệt trong công tác phòng chống tham nhũng, trong cuộc tiếp xúc cử tri huyện Phúc Thọ ngày 27.9, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết ngay sau Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI, thành phố đã xây dựng chương trình về phòng chống tham nhũng, tiết kiệm, chống lãng phí. Hà Nội là địa phương duy nhất của cả nước có chương trình và Ban chỉ đạo riêng về phòng chống tham nhũng do Bí thư Thành ủy đứng đầu.
Thời gian qua, công tác phòng chống tham nhũng được Thành ủy cùng các cơ quan, địa phương thực hiện nghiêm túc. Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến cử tri, Thành ủy sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện quyết liệt hơn trong công tác này, qua công tác điều tra, truy tố, xét xử, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, kỷ luật nghiêm minh để nâng cao ý thức cán bộ, đảng viên, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, để cán bộ không dám tham nhũng. Ngoài ra, thành phố sẽ xác định những vị trí công tác có khả năng xảy ra tham nhũng để có giải pháp phòng ngừa, luân chuyển cán bộ sau một thời gian công tác nhất định...
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cũng khẳng định “công tâm trong việc xử lý kỷ luật các sai phạm của cán bộ, công chức.”
Còn Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cho rằng công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua đã được đẩy mạnh và phát huy hiệu quả, góp phần củng cố thêm niềm tin của người dân đối với Đảng. Tuy nhiên, đây là một “cuộc chiến” lâu dài.
Trước những băn khoăn của nhiều cử tri về việc phát hiện, xử lý cán bộ sai phạm, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho biết thành phố nắm bắt thông tin qua nhiều nguồn: Từ phản ánh của cử tri; từ hoạt động giám sát của cơ quan dân cử; từ thông tin khiếu nại, tố cáo của người dân và thông tin phản ánh của báo chí là một kênh gợi ý quan trọng để phát hiện các hành vi tham nhũng.
Thành ủy thành phố mới đây đã ban hành Quy định số 1374 về quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan đến tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Theo đó, khi có thông tin về yếu kém tiêu cực của cán bộ địa phương, đơn vị nào thì nơi đó phải xử lý ngay, nếu không xử lý thì cơ quan cấp trên sẽ nhắc nhở, yêu cầu xử lý. Phát hiện, thu thập chứng cứ đến đâu, xử lý đến đó, tùy tính chất vụ việc.
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh có làm nghiêm mới giúp cho Đảng trong sạch vững mạnh, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, giữ vững niềm tin trong nhân dân, phát triển đất nước lâu dài...
Sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương, sự khẳng định của người đứng đầu những thành phố lớn nói trên cho thấy tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” đã từng bước được khắc phục. Việc chủ động vào cuộc, điều tra, xác minh khi có dấu hiệu vi phạm cũng như việc xử lý, kỷ luật các tập thế, cá nhân sai phạm ở cấp cơ sở, cho thấy các cấp, ngành, các địa phương đã quyết tâm cao, quyết liệt đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, với hệ thống chính trị ở cơ sở, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở từng địa phương.
THU HƯƠNG - VŨ BẮC (TTXVN)