Xúc tiến thương mại: Nhìn từ Lễ hội vải thiều

Kinh tế - Ngày đăng : 12:04, 31/12/2018

Lễ hội vải thiều Thanh Hà-Hải Dương năm 2018 lần đầu tiên được tổ chức đã tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ, giúp nâng tầm thương hiệu, giá trị cho quả vải và nhiều loại nông sản khác của Hải Dương.

Người dân quảng bá vải thiều tại Lễ hội vải thiều Thanh Hà-Hải Dương năm 2018

Lan tỏa

Anh Phạm Văn Dương, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến nông sản xuất khẩu Bình Dương ở tỉnh Bình Dương tỏ ra ấn tượng với Lễ hội vải thiều Thanh Hà-Hải Dương năm 2018. Anh Dương khẳng định sẽ trở lại thăm vùng vải Thanh Hà nhiều lần nữa. Lần tới anh đến đây không chỉ để thưởng thức những quả vải tươi ngon mà sẽ giúp bà con Thanh Hà xuất khẩu vải thiều đi Mỹ. “Năm 2016, chúng tôi đã mua vải thiều của Bắc Giang để xuất sang một vài nước EU và Mỹ nhưng chưa có cơ hội biết đến vùng vải thiều của Hải Dương. Năm vừa rồi, khi đến đây tôi mới thấy vải Thanh Hà rất ngon, khác hẳn với vải được trồng ở những vùng khác", anh Dương nhận xét. Theo anh Dương, tỉnh Hải Dương cần những chương trình quảng bá sản phẩm tiêu biểu có trọng tâm và quy mô lớn như lễ hội vải thiều để thu hút, quảng bá hình ảnh quả vải cũng như nhiều hàng hóa nổi tiếng khác của địa phương.

Lễ hội vải thiều Thanh Hà-Hải Dương năm 2018 không chỉ tạo ấn tượng sâu đậm với người dân địa phương mà còn có sức hút lớn đối với du khách. Anh Phạm Văn Thắng, hướng dẫn viên du lịch của Công ty CP Truyền thông du lịch Việt ở Hà Nội cho biết: "Tham gia lễ hội vải thiều, được trải nghiệm du lịch sông quê và trực tiếp hái, thưởng thức những quả vải tươi ngon, thơm ngọt, nhiều đoàn du khách nước ngoài đã từng được tôi dẫn về thăm Thanh Hà đã đăng ký tour trở lại vùng đất này một lần nữa".

Do được chuẩn bị chu đáo và bài bản nên mặc dù lần đầu tiên tổ chức nhưng Lễ hội vải thiều năm 2018 được đánh giá khá thành công. Lễ hội không chỉ tôn vinh thành quả lao động của người trồng vải mà còn giúp những nông sản khác của Hải Dương được nhiều người biết đến như ổi Thanh Hà; gạo nếp cái hoa vàng, hành tỏi, sắn dây Kinh Môn; mật ong rừng Thanh Mai, gà đồi (Chí Linh)... Lễ hội đã thu hút được hàng nghìn lượt khách trong và ngoài nước tham gia. Đặc biệt, qua lễ hội hơn 200 doanh nghiệp đã kết nối, thu mua vải thiều và nhiều loại nông sản khác cho nông dân Hải Dương. Nhờ sức lan tỏa của lễ hội nên dù được mùa nhưng vải thiều vẫn tiêu thụ thuận lợi, giá bán tốt đến tận cuối vụ. Ông Phạm Thanh Hải, Giám đốc Sở Công thương khẳng định: “Lễ hội đã diễn ra an toàn, ấn tượng, tạo được sức hút lớn đối với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Từ thành công của lễ hội, dự kiến mùa vải năm tới tỉnh sẽ tổ chức Tuần lễ vải thiều Thanh Hà-Hải Dương để quảng bá thương hiệu cho quả vải quê nhà”.

Nâng tầm thương hiệu

Lễ hội vải thiều Thanh Hà-Hải Dương năm 2018 diễn ra trong thời gian ngắn nhưng lại khá hiệu quả. Đây cũng là bài học kinh nghiệm trong tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm hàng hóa và khai thác tiềm năng du lịch thời gian tới. Theo ông Nguyễn Văn Thuấn, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công thương), từ việc tổ chức Lễ hội vải thiều năm 2018, chúng tôi nhận thấy công tác xúc tiến thương mại, kết nối giao thương muốn thành công trước hết phải huy động được sự chung tay, góp sức của nhiều cơ quan, đơn vị liên quan và ngay chính bản thân nhà nông. Sự vào cuộc tích cực của các địa phương cũng như các sở, ngành khác đã giúp việc xúc tiến thương mại được mở rộng, kết nối giao thương tốt hơn. Những sản phẩm nông dân mang đến lễ hội trưng bày, giới thiệu được chuẩn bị bài bản, chu đáo hơn.

Chị Vũ Thị Cúc ở xã Thanh Xá (Thanh Hà) chia sẻ: “Trước đây, tôi chỉ biết bán vải cho thương lái ngay tại vườn chứ chưa nghĩ mang đến hội chợ hay tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại. Không ngờ mang vải đến đó giới thiệu rất hiệu quả. Tôi không chỉ học được cách làm thế nào để vải vườn nhà được các doanh nghiệp quan tâm mà còn biết thu thập các thông tin cần thiết trực tiếp bán vải cho các doanh nghiệp lớn”.

Sau Lễ hội vải thiều năm 2018, Sở Công thương đã tổ chức rút kinh nghiệm để triển khai các chương trình xúc tiến thương mại hiệu quả hơn trong thời gian tới. Những vùng đất trù phú ở Hải Dương không chỉ cho những quả vải thơm ngọt mà còn có nhiều loại nông sản đặc sản và sản phẩm công nghiệp nổi tiếng khác. Vì vậy, việc tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại bài bản, chuyên nghiệp như lễ hội vải thiều vừa qua là rất cần thiết. Nên tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại có trọng tâm, quy mô lớn sẽ giúp thương hiệu của nhiều loại hàng hóa được nâng tầm. Doanh nghiệp, nhà nông và các đơn vị liên quan có thể kết nối với nhau để sản xuất, đáp ứng được yêu cầu của người dùng và quan trọng hơn là giá trị hàng hóa sẽ được nâng lên đáng kể.

Mùa vải năm 2018 đã khép lại thành công. Nhưng để tổ chức thành công các chương trình xúc tiến thương mại cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn nữa. Ngoài hoạt động giới thiệu những vùng vải thiều trù phú ở Thanh Hà, Chí Linh, cần kết hợp giới thiệu thêm nhiều loại nông sản khác của tỉnh. Tiềm năng du lịch vùng vải cũng cần được khai thác tốt hơn nhân dịp diễn ra lễ hội. Các hoạt động vui chơi như thi hái vải, chấm điểm gian hàng trưng bày nông sản nhân dịp này cũng nên được quan tâm tổ chức...

HẢI MINH