Chiến đấu giúp nước bạn như nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc mình
Tin tức - Ngày đăng : 15:31, 07/01/2019
Ông Vẻ bồi hồi kể lại ký ức vác xác đồng đội
Trong dịp kỷ niệm 40 năm ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam Việt Nam và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng Pol Pot (7.1.1979 - 7.1.2019), chúng tôi về thăm cựu binh Mai Xuân Vẻ (63 tuổi, ở thôn Thượng, xã Cẩm Đông, Cẩm Giàng), người đã từng vác xác đồng đội chạy hơn 1 km đưa về đơn vị.
Nhập ngũ ngày 30.4.1974 tại Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 20, Sư đoàn 4, Quân khu 9, ông Mai Xuân Vẻ đã trải qua 2 cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ và chiến tranh biên giới Tây Nam bảo vệ Tổ quốc. Trong khoảng thời gian chiến đấu ấy, ông đã vinh dự được tặng 4 Bằng khen, 7 Huân, Huy chương các loại… 40 năm đã trôi qua nhưng đến nay, những kỷ niệm một thời "vào sinh ra tử” ở chiến trường Campuchia vẫn còn nguyên trong ký ức của ông.
Ngay từ năm 1975, khi nước ta vừa thống nhất, quân Pol Pot đã nhăm nhe xâm lược các đảo và biên giới đất liền Tây Nam. Đêm 30.4.1977, lợi dụng lúc quân và dân ta kỷ niệm 2 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Tập đoàn Pol Pot đã mở cuộc tiến công trên toàn tuyến biên giới tỉnh An Giang, chính thức bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược biên giới Tây Nam nước ta.
Trước hành động xâm lược của quân Pol Pot và đáp lời kêu gọi khẩn thiết của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, ngày 23.12.1978, quân tình nguyện Việt Nam cùng với lực lượng vũ trang Campuchia mở cuộc tổng phản công, tiến công trên toàn tuyến biên giới. Đến ngày 31.12.1978, quân và dân ta đã hoàn thành nhiệm vụ đánh đuổi quân Pol Pot, thu hồi toàn bộ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc. Sau đó quân tình nguyện Việt Nam tiếp tục truy kích quân Pol Pot và tiến sát tới Thủ đô Phnôm Pênh. Ngày 6.1.1979, quân tình nguyên Việt Nam cùng lực lượng vũ trang của Campuchia bắt đầu tổng công kích vào Thủ đô Phnôm Pênh và đến ngày 7.1, thủ đô hoàn toàn được giải phóng. Mặc dù phần lớn lực lượng Pol Pot đã bị tiêu diệt và tan rã nhưng số ít còn lại không chịu thất bại, chúng lẩn trốn vào rừng trên tuyến biên giới giáp Thái Lan. Được sự hậu thuẫn của các thế lực bên ngoài, chúng tiếp tục tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại đất nước Campuchia. Và những người lính tình nguyện như ông Vẻ lại tiếp tục ở lại giúp nước bạn truy quét kẻ thù.
Mặc dù chiến đấu trong điều kiện rất khó khăn nhưng với truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, quân tình nguyện Việt Nam vẫn luôn kiên định, chắc tay súng đánh đuổi kẻ thù, coi nhiệm vụ chiến đấu giúp nước bạn như nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc mình.
Ông Vẻ nhớ lại mùa khô ở chiến trường Campuchia điều kiện sinh hoạt rất cực khổ, anh em phải ăn cơm nắm chấm muối và thân cây chuối rừng hay chút rau dại hái trong rừng. Nước sạch để uống và sinh hoạt thiếu thốn, phải đi cả tiếng đồng hồ mới lấy được can nước suối... Thế nhưng, những khó khăn đó không hề làm giảm ý trí chiến đấu của các chiến sĩ quân tình nguyện.
Một kỷ niệm không thể nào quên đối với ông Vẻ là vào ngày 4 Tết năm 1979. Ông kể: Sáng hôm đó, đơn vị triển khai hiệp đồng quân binh chủng và phát triển đánh vận động lên bắc thị xã Tà Keo, tỉnh Tà Keo. Đến khoảng 10 giờ trưa thì bị chúng phản công lại. Lúc đó, quân ta không đánh lên tiếp được mà phải rút về. Trong trận chiến ấy, Tiểu đoàn 5 có tất cả 70 chiến sĩ hy sinh và một tuần sau mới đưa được xác về. Đại đội 8 có 2 chiến sĩ hy sinh thì được đưa về ngay. Một trong 2 người hy sinh là Tiểu đội trưởng Nguyễn Văn Hòa, quê ở huyện Bình Minh (Vĩnh Long). Chứng kiến đồng đội hy sinh, ông Vẻ lúc đó là Đại đội phó Chính trị Đại đội 8 đã không ngần ngại vác đồng đội lên vai, băng qua những cánh đồng lúa chín chạy hơn 1 km đưa về tuyến sau trong làn khói đạn của kẻ thù. “Tình đồng đội trong chiến đấu thiêng liêng lắm, lúc ấy mình chỉ nghĩ đã cùng nhau vào sinh ra tử, nay đồng đội hy sinh mình phải đưa được về vì có thể ngày mai quay lại sẽ không còn thấy nữa”, ông Vẻ chia sẻ.
Kể đến đây, giọng ông Vẻ bỗng trùng xuống, trầm ngâm một hồi. Ông đưa tay như muốn ngăn những giọt nước mắt đang sắp rơi. Những khoảng khắc đó càng làm cho thế hệ trẻ như chúng tôi hiểu thêm về cuộc chiến, về những khó khăn, gian khổ, mất mát, hy sinh của thế hệ cha ông, để rồi càng thêm trân trọng, giữ gìn và phát huy những thành quả hôm nay.
TUẤN SỸ