Thư mời họp đề gửi "Khai Sinh Không Cha", cô giáo bị xử lý nội bộ

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 08:54, 12/01/2019

Sự việc đáng tiếc vừa xảy ra tại một trường THCS trên địa bàn quận 12, TP Hồ Chí Minh.

Thư mời "Ông/Bà: Khai Sinh Không Cha" đến họp phụ huynh

Theo đó, cô giáo gửi giấy mời họp phụ huynh ghi phần “Ông (bà): Khai Sinh Không Cha” để mời phụ huynh. 

Khi nhận được thư mời ghi như trên, gia đình học sinh này đã rất bức xúc và phản ánh sự việc với nhà trường. Sau đó, cô giáo và Ban giám hiệu nhà trường đã tới nhà xin lỗi phụ huynh và học sinh. 

Trao đổi với phóng viên, ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 12 cho biết: "Sự việc đáng tiếc trên xảy ra khi cô giáo mời phụ huynh họp sơ kết học kỳ 1 vào ngày 6. Sau sự việc, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận cũng đã chỉ đạo nhà trường kiểm điểm trách nhiệm vô ý của cô giáo này vì làm tổn thương đến phụ huynh và học sinh". 

Chia sẻ về sự việc, cô N.T.C đã gửi thư mời đến phụ huynh cho hay: "Do sơ suất trong lúc làm thư mời, tôi đã trích lý lịch trong phần mềm của nhà trường rồi in ra thư mời theo họ tên cha trong giấy khai sinh mà không chú ý riêng đến hoàn cảnh từng em. Sự việc xảy ra, tôi đã làm bản tường trình gửi Ban giám hiệu nhà trường và trực tiếp xin lỗi phụ huynh và học sinh vì sự sai sót của mình". 

Theo chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ, trước sự việc trên, chúng ta không nên lên án, bình phẩm cô giáo một cách quá mức. Sự việc này chỉ đáng trách khi cô giáo cố tình ghi tên cha mẹ học sinh như vậy. 

"Việc này có ảnh hưởng đến tâm lý của học sinh hay không sẽ phụ thuộc vào việc có cách giải thích nào phù hợp giúp học sinh để em hiểu đây là một sai sót chứ không phải là một việc làm cố tình làm tổn thương. Còn về phía cô giáo, lúc này nên chia sẻ câu chuyện đã xảy ra, có một lời xin lỗi để phụ huynh thông cảm và hiểu đúng vấn đề, tránh những đau buồn kéo dài" - bà Minh Huệ cho biết thêm. 

Một chuyên gia tâm lý khác thì cho rằng, đây là một bài học về văn hóa ứng xử cho tất cả mọi người, nhất là giáo viên. Trong các vấn đề tương tác với học sinh cần sự tế nhị, để tâm, quan tâm đến những trường hợp học sinh đặc biệt để tránh sự cố, tổn thương không đáng có.

Theo Lao động