Chớ coi thường dị ứng thức ăn ở trẻ
Xã hội - Ngày đăng : 11:36, 18/01/2019
Phụ huynh cần trang bị các kiến thức cần thiết để chăm sóc trẻ bị dị ứng với thức ăn
Cách đây 3 tháng, chị Vũ Thị Hồng ở xã Hồng Phong (Ninh Giang) có cho con trai là cháu A. hơn 2 tuổi ăn tôm. Sau vài giờ, cháu A. nổi mẩn đỏ toàn thân, nôn trớ, quấy khóc... Gia đình chị Hồng liền đưa đến một phòng khám trong huyện và biết cháu A. dị ứng với tôm. Chị Hồng cho biết: "Trước đó, tôi thường nấu cháo tôm, cháo cua cho cháu ăn nhưng chỉ nổi mẩn đỏ quanh miệng rồi lại khỏi ngay. Lần này, thấy cháu có biểu hiện lạ, mọi người trong nhà hoảng sợ đưa cháu đi khám. Cháu phải uống và bôi thuốc gần 1 tuần mới khỏi".
Trường hợp của cháu Lê Minh Ng. (11 tuổi) ở phường Thanh Bình (TP Hải Dương) cũng tương tự. Cách đây hơn 3 năm, cháu Ng. ăn bánh mì bơ sữa xong thì thấy trong người khó thở, đau bụng. Gia đình đưa cháu đến Bệnh viện Nhi tỉnh và được các bác sĩ chẩn đoán sốc phản vệ dị ứng thức ăn. Trước đó, cháu Ng. từng mắc bệnh này và phải nhập viện. Rất may, gia đình phát hiện đưa cháu Ng. đến chữa kịp thời.
Bác sĩ Phạm Văn Nghĩa, Phó Trưởng Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Nhi tỉnh) cho biết: "Thực phẩm dễ gây ra dị ứng ở trẻ nhỏ là cá, hải sản, trứng, sữa... Trẻ bị dị ứng sau khi ăn thức ăn lạ vài phút, vài giờ với các biểu hiện ở ngoài da như nổi ban đỏ, ngứa; qua hô hấp như viêm mũi, hen phế quản, khó thở hoặc đường tiêu hóa như đau bụng, tiêu chảy, thậm chí có thể gây sốc phản vệ. Mức độ nặng của bệnh phụ thuộc vào thời gian xuất hiện phản ứng sau khi ăn, lượng thức ăn gây dị ứng và cơ địa của trẻ". Ngoài ra, tỷ lệ dị ứng thức ăn lên tới 50 - 70% ở những trẻ có bố mẹ từng có tiền sử về bệnh này. Trẻ dưới 3 tuổi hay bị dị ứng vì đường tiêu hóa, miễn dịch còn yếu.
Thực tế, một số phụ huynh còn chủ quan khi trẻ có phản ứng bất thường sau ăn thức ăn lạ nên để tình trạng kéo dài hoặc không hiểu về thể trạng sức khỏe của con mình. Chị Hồng cho biết: "Tôi chỉ nghĩ cho cháu ăn hải sản là để bổ sung chất. Khi cháu mới có biểu hiện tôi còn chủ quan, nghĩ cháu chỉ bị nóng trong người nên không đưa đi khám".
Theo bác sĩ Nghĩa, với những trẻ có biểu hiện dị ứng với thức ăn, nếu là lần đầu gặp phải nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để khám hoặc sơ cứu tạm thời như đặt trẻ nằm nghiêng tránh trào ngược đường thở. Nếu đã biết trước trẻ dị ứng với thức ăn nào thì không nên cho vào chế độ ăn của trẻ. Tuy nhiên, dị ứng thức ăn không kéo dài suốt cả đời. Sau một thời gian, phụ huynh có thể cho trẻ ăn lại thức ăn đó nhưng phải ăn từ từ, từng ít một. Đồng thời, cần theo dõi biểu hiện sau ăn. Những trẻ đã từng bị sốc phản vệ do thức ăn thì không nên dùng lại các thức ăn đó. Với trẻ bị dị ứng với sữa, phụ huynh cần đọc kỹ thành phần trong sữa bột. Có thể sử dụng các loại sữa với thành phần dinh dưỡng đã được thủy phân (hydrolyzed formula).
Hiện trên mạng xã hội cũng như ở ngoài thị trường có bán nhiều loại thuốc cho trẻ bị dị ứng thức ăn. Để bảo đảm an toàn, phụ huynh không tự ý mua về cho con uống mà cần làm theo chỉ định của các bác sĩ. Với gia đình có tiền sử bị dị ứng, trẻ càng có nguy cơ mắc bệnh cao nên sớm có phương pháp phòng ngừa. Việc loại bỏ một số thức ăn mà trẻ đã từng bị dị ứng có thể dẫn đến mất cân đối trong chế độ ăn của trẻ. Phụ huynh nên nhờ các bác sĩ tư vấn để có chế độ ăn phù hợp cho con mình.
THẢO NGUYỄN