Hướng đi nào cho các nhà máy xi măng lò đứng?

Kinh tế - Ngày đăng : 07:29, 19/01/2019

Do không đủ tiềm lực chuyển đổi công nghệ nên hiện vẫn còn những doanh nghiệp sản xuất xi măng hoạt động "thoi thóp" với công nghệ cũ, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.


Chuyển đổi sản xuất xi măng từ công nghệ lò đứng sang lò quay góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường

Theo quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030, đến cuối năm 2015, các nhà máy xi măng lò đứng (XMLĐ) sẽ hoàn thành việc chuyển đổi công nghệ sản xuất.

Thu hẹp sản xuất

Theo báo cáo điều chỉnh Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Hải Dương đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Hải Dương có 5 cơ sở sản xuất XMLĐ với tổng công suất gần 700.000 tấn/năm, gồm các Công ty: CP Xi măng Trung Hải, TNHH Xi măng Cường Thịnh, CP Xi măng Duyên Linh, TNHH Sản xuất vật liệu xây dựng Thành Công, TNHH Phú Tân. Các cơ sở sản xuất XMLĐ đều sử dụng công nghệ, thiết bị của Trung Quốc. Mặc dù dây chuyền thiết bị được cơ giới hóa, chất lượng xi măng ổn định nhưng so với tiến trình phát triển công nghệ và thiết bị sản xuất xi măng hiện nay thì loại hình công nghệ này đã lạc hậu, quá trình sản xuất tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường (ONMT).

Thời gian qua, do nguồn cung dư thừa, lượng tiêu thụ giảm cộng với sự cạnh tranh quyết liệt giữa các doanh nghiệp, hoạt động sản xuất xi măng gặp nhiều khó khăn. Các nhà máy XMLĐ chỉ sản xuất cầm chừng và dần chuyển sang công nghệ sản xuất xi măng lò quay hoặc làm trạm nghiền clanker. Thời điểm này, các Công ty: TNHH Phú Tân, TNHH Sản xuất vật liệu xây dựng Thành Công, TNHH Xi măng Cường Thịnh đã dừng hoạt động của dây chuyền sản xuất XMLĐ hoặc chuyển thành trạm nghiền clanker. Ông Vũ Thanh Bình, Phó Giám đốc Công ty TNHH Phú Tân cho biết trước kia công ty có 2 dây chuyền sản xuất XMLĐ với công suất khoảng 120.000 tấn/năm. Do không tiêu thụ được sản phẩm nên công ty gặp nhiều khó khăn. Năm 2010, công ty xây dựng 1 dây chuyền sản xuất xi măng bằng công nghệ lò quay nên dây chuyền XMLĐ chỉ hoạt động cầm chừng. Đến năm 2015, dây chuyền này dừng hoạt động hoàn toàn để chuyển sang phương án sản xuất khác. Công ty TNHH Sản xuất vật liệu xây dựng Thành Công có 2 cơ sở sản xuất XMLĐ đặt ở xã Kim Xuyên (Kim Thành) và Duy Tân (Kinh Môn). Hiện tại, cơ sở tại xã Kim Xuyên đã tháo dỡ lò nung clanker để đầu tư xây dựng trạm nghiền xi măng với công suất khoảng 250.000 tấn/năm. Cơ sở 2 tại xã Duy Tân đã chuyển sang sản xuất clanker với công suất khoảng 180.000 tấn/năm.


Nhiều năm nay, Công ty TNHH Cường Thịnh đã dừng sản xuất xi măng do tiêu thụ khó khăn

Cần hỗ trợ kịp thời

Chuyển đổi công nghệ sản xuất xi măng từ lò đứng sang lò quay đòi hỏi nguồn vốn lớn, yêu cầu kỹ thuật khắt khe nên không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng được. Ông Lê Đoàn Đức, Giám đốc Công ty CP Xi măng Trung Hải cho biết dây chuyền sản xuất xi măng bằng công nghệ lò đứng của công ty được đầu tư xây dựng từ năm 1996, công suất 88.000 tấn/năm. Dây chuyền có hệ thống lò nung công suất 250 tấn clanker/ngày, máy nghiền bi công suất 14 tấn xi măng/giờ với hệ thống lọc bụi túi Trung Quốc. Những năm qua, công ty luôn duy trì sản xuất ổn định, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. “Thời gian qua, công ty thực hiện nhiều giải pháp kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu tư hàng tỷ đồng lắp đặt hệ thống lọc bụi túi, bảo đảm môi trường theo quy chuẩn. Hiện tại, đơn vị chưa đủ tiềm lực để chuyển đổi công nghệ sản xuất khác. Công ty sẽ triển khai lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động nếu có chủ trương cụ thể của tỉnh và các bộ, ngành trung ương về thời gian, lộ trình hoạt động của các nhà máy XMLĐ”, ông Đức cho biết.

Theo ông Vũ Văn Đông, Trưởng Phòng Kinh tế và Vật liệu xây dựng (Sở Xây dựng), mặc dù quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030 đề ra mục tiêu đến cuối năm 2015 các nhà máy XMLĐ sẽ chuyển đổi xong công nghệ sản xuất nhưng việc chuyển đổi lại phụ thuộc hoàn toàn vào định hướng sản xuất và nguồn vốn của doanh nghiệp. Thời gian qua, một số dây chuyền sản xuất xi măng theo công nghệ lò đứng dừng hoạt động hoặc chuyển thành trạm nghiền xuất phát từ hiệu quả thấp trong sản xuất, kinh doanh hoặc doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư sản xuất theo công nghệ mới. Các địa phương không có chế tài bắt buộc doanh nghiệp phải chuyển đổi công nghệ nếu sản phẩm của doanh nghiệp đó vẫn bảo đảm chất lượng, không gây ONMT trong quá trình sản xuất. Hiện nay, một số doanh nghiệp XMLĐ đang hoạt động cầm chừng, sống “thoi thóp” là do sản phẩm làm ra không tiêu thụ được.

Việc chuyển đổi công nghệ từ XMLĐ sang xi măng lò quay là yêu cầu tất yếu nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thiểu ONMT. Tuy nhiên, việc chuyển đổi đặt ra nhiều vấn đề không phải doanh nghiệp nào cũng đủ tiềm lực thực hiện như nguồn vốn ở đâu, công nghệ mới thế nào, lực lượng lao động dư thừa sẽ được sắp xếp ra sao? Những vấn đề này đòi hỏi phải có sự hỗ trợ kịp thời của các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương.

VỊ THỦY