Nam Sách lành mạnh hóa việc tang

Xã hội - Ngày đăng : 14:32, 19/01/2019

Với quyết tâm lành mạnh hóa việc tang, huyện Nam Sách đã triển khai mô hình điểm để rút kinh nghiệm nhân rộng ra toàn huyện.


Cán bộ khu dân cư La Xuyên (thị trấn Nam Sách) thường xuyên tuyên truyền, vận động các hộ dân tuân thủ nếp sống văn minh trong việc tang   

Từ mô hình điểm   

Trước kia, việc tang ở thị trấn Nam Sách vẫn còn các hủ tục như con cái đội mũ rơm, đi chân trần trong đám tang bố mẹ. Lễ viếng của các gia đình, họ tộc nhất thiết phải có sỏ lợn, mâm xôi. Kèn trống thổi thâu đêm. Khi đưa tang, vàng mã rải đầy đường. Tình trạng khóc mướn diễn ra phổ biến. 

Năm 2016, thị trấn Nam Sách được tỉnh chọn làm điểm thực hiện mô hình văn minh trong việc cưới, việc tang. Thị trấn đã xây dựng và ban hành các quy định cụ thể như không làm cỗ, hạn chế vàng mã, kèn trống chỉ thổi đúng giờ, không tổ chức lễ viếng rườm rà... trong đám tang. Việc tuyên truyền thực hiện lành mạnh việc tang được lồng ghép trong các hội nghị và hướng vào những người cao tuổi có vị thế trong gia đình, họ tộc. Tại các khu dân cư, mỗi khi có người qua đời, trưởng khu yêu cầu gia đình ký cam kết tuân thủ các quy định mới. Những gia đình vi phạm sẽ bị nêu tên, nhắc nhở. Ông Lê Văn Giáo, trưởng khu dân cư La Xuyên cho biết, từ khi triển khai mô hình điểm, cán bộ khu và các đoàn thể, trưởng dòng họ đứng ra tuyên truyền, vận động các hộ dân ký cam kết thực hiện theo phong tục và tuân thủ hướng dẫn. Hằng năm, những vấn đề tồn đọng hoặc phát sinh được đưa ra bàn bạc, chấn chỉnh kịp thời. Nhờ kiên trì thực hiện, đến nay đám tang đã hạn chế vòng hoa; việc cử hành tang lễ, phúng viếng được thực hiện ngắn gọn. Đám tang không còn làm cỗ như trước kia. Sau khi "sang áo", có bể thu gom ván để bảo vệ môi trường.    

Theo ông Phạm Quang Việt, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nam Sách, qua 2 năm triển khai, các đám tang không còn các hiện tượng mê tín dị đoan. Trước kia, nhiều đám tang, con cháu thuê đội kèn tây chi phí hơn 20 triệu đồng, giờ đã chấm dứt. Thời gian mở nhạc hiếu không quá 22 giờ đêm và trước 5 giờ sáng. Các gia đình không còn làm cỗ mời khách mà chỉ làm cơm phục vụ nội bộ gia đình. Nhiều hộ cũng chuyển sang hỏa táng cho người đã mất. Năm 2018 vừa qua, thị trấn có 45 đám tang thì có 28đám hỏa táng. So với trước kia, giờ mỗi đám tang tiết kiệm 40-50 triệu đồng.   

Triển khai rộng khắp

Từ kết quả tại thị trấn Nam Sách, năm 2018, huyện Nam Sách đã nhân rộng mô hình ra tất cả 18 xã trong huyện. Với vai trò nòng cốt, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện đã xây dựng quy chế chung cho 18 xã trong huyện, hướng dẫn các xã, thôn triển khai nhân rộng mô hình, cho các gia đình ký cam kết. Huyện tổ chức tập huấn cho đại diện các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể huyện, cán bộ làm công tác văn hóa và các trưởng thôn, khu dân cư; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên ban chỉ đạo phụ trách các xã, thị trấn. Tổ chức tuyên truyền trực quan trên băng rôn, khẩu hiệu, tranh cổ động và hệ thống phát thanh. Các xã xây dựng kế hoạch, thành lập ban chỉ đạo, xây dựng quy chế phù hợp với phong tục, tập quán địa phương. Trên cơ sở quy chế của xã, các thôn xây dựng, bổ sung vào quy ước thôn, phổ biến tới các dòng họ, nhân dân, người có uy tín trong cộng đồng, ký cam kết thực hiện.

Xã Phú Điền có 7 thôn đều đã đạt danh hiệu làng văn hóa. Ngay từ khi xây dựng làng văn hóa, xã đã chỉ đạo các thôn xây dựng nếp sống mới trong việc tang. Do các phong tục tập quán ăn sâu nên việc tang ở địa phương vẫn tồn tại không ít hủ tục. Theo ông Nguyễn Huy Chính, Chủ tịch UBND xã Phú Điền, thực hiện chủ trương của huyện, xã đã chấn chỉnh việc sử dụng vòng hoa lãng phí. Mỗi đám tang xã trích ngân sách mua 2 vòng hoa để luân chuyển. Các đám tang trước kia làm 45-50 mâm cỗ, nay chỉ làm cơm phục vụ con cháu trong nhà. Không còn việc chặn đường mời cỗ, không ăn cỗ trả nợ miệng, người đến đưa tang xong ra về. Nghĩa trang các thôn chia khu hung táng, cát táng và xây mộ theo quy định chung. Thôn Kim Bảng còn thành lập đội xây mộ cát táng, tránh lãng phí đất đai.

Với việc triển khai rộng khắp, sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành, qua một năm triển khai thực hiện, việc tang ở huyện Nam Sách đã chuyển biến tích cực. Ông Bùi Hồng Hải, Phó Trưởng Phòng Văn hóa, Thông tin huyện Nam Sách cho biết, các đám tang được tổ chức chu đáo, trang nghiêm, phù hợp với thuần phong mỹ tục, quy ước và quy định của pháp luật. Nhiều hủ tục đã chấm dứt, các hiện tượng mê tín dị đoan trong các đám tang cũng không còn... Đến nay, các đám tang ở Nam Sách không còn viếng qua linh cữu, không hút thuốc lá. Một số đám tang đã dùng vòng hoa luân chuyển, giảm lãng phí cho gia chủ. Việc tổ chức ăn uống trong lễ tang, cúng tuần đầu, 49 ngày, cải táng... cũng chỉ trong phạm vi gia đình. Người dân Nam Sách đã dần ý thức được trách nhiệm bảo vệ môi trường nên số đám tang thực hiện hỏa táng tăng dần.

Thời gian tới, huyện Nam Sách tiếp tục đẩy mạnh thực hiện lành mạnh hóa việc tang, trong đó tăng cường tuyên truyền, vận động người dân dùng hình thức hỏa táng. Cùng với kinh phí hỗ trợ của tỉnh, huyện dự kiến có cơ chế hỗ trợ kinh phí cho các đám hỏa táng.

NGỌC HÙNG