Nhật Bản là thị trường dẫn đầu về thu hút lao động Việt Nam
Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 15:30, 19/01/2019
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), năm 2018, lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đạt hơn 142.800 người (trong đó có khoảng 50.300 lao động nữ) vượt 30% so với kế hoạch, tăng 6% so với năm trước. Đây là năm thứ năm liên tiếp lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vượt ngưỡng 100.000 người.
Năm qua cũng ghi nhận lần đầu tiên thị trường Nhật Bản thu hút lao động nhiều nhất với hơn 68.700 người, vượt qua Đài Loan là gần 60.400 lao động; Hàn Quốc với trên 6.500 lao động.
Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết năm qua, thị trường Nhật Bản vươn lên do bắt đầu áp dụng luật mới, cho phép lao động nước ngoài ở nước này từ 3 lên 5 năm. Đặc biệt, Việt Nam là nước đầu tiên được Nhật Bản ghi nhớ hợp tác về thực tập sinh theo luật mới của Nhật có hiệu lực từ tháng 6.2018.
Thống đốc tỉnh Chiba Kensaku Morita thăm một trung tâm phát triển nhân lực thành phố Hồ Chí Minh hồi tháng 11. Ảnh: Yomiuri Shimbun |
Năm qua, 13 doanh nghiệp Việt Nam được cấp phép trực tiếp đưa lao động chăm sóc người già, người bệnh sang Nhật. Tuy nhiên, do phải mất thời gian đào tạo ngoại ngữ và kỹ năng nên số lượng thực tế đưa đi theo diện này chưa nhiều. "Những cơ sở trên sẽ giúp lao động Việt đi Nhật các năm tới tăng cao hơn", ông Liêm nói.
Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho hay tháng 10.2018, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã đề nghị Việt Nam "loại trừ các đơn vị xuất khẩu lao động xấu và giảm trừ tối đa chi phí người lao động phải đóng góp". Do đó, Bộ Lao động sẽ chấn chỉnh theo hướng giảm số lượng các doanh nghiệp xuất khẩu lao động. "Hiện cả nước có 2.000 doanh nghiệp đưa lao động ra nước ngoài là quá nhiều, dẫn đến các doanh nghiệp cạnh tranh nhau giành hợp đồng và thu phí cao của người lao động", ông nói.
Ngoài ra, Bộ Lao động sẽ rà soát các quy định về du học sinh để loại hình này không bị biến tướng. Thực tế thời gian qua nhiều người đi xuất khẩu lao động chọn con đường du học vì muốn giảm chi phí, bớt thời gian học ngoại ngữ, kỹ năng nghề. Năm 2018, phía Nhật đã rà soát và đình chỉ một số công ty du học sinh đưa lao động sang Nhật để đi làm.
Ông Doãn Mậu Diệp cũng cảnh báo người lao động cần liên hệ qua các công ty xuất khẩu lao động chính thống, tránh đi đường du lịch như vụ việc mới đây ở Đài Loan. "Nếu đi theo đường lao động sẽ mất chi phí cao, như đi Đài Loan khoảng 80 triệu đồng. Nhưng đi đường du lịch chỉ mất tiền vé máy bay, phí visa, nên vẫn có người chọn đi du lịch rồi bỏ trốn, song họ sẽ gặp nhiều rủi ro", ông Diệp nói.
ĐOÀN LOAN (VnEpxress)