Khơi dậy bí ẩn từ lòng đất

Đời sống văn hóa - Ngày đăng : 16:31, 27/01/2019

Thành tựu của khảo cổ học Hải Dương được minh chứng bằng những hiện vật ngồn ngộn qua các thời kỳ. Phía sau mỗi cuộc khai quật khảo cổ học là một câu chuyện văn hóa, lịch sử ly kỳ.

Các nhà khảo cổ học với các hiện vật gốm Chu Đậu phát lộ trong cuộc khai quật cuối năm 2014

Vén lớp bụi thời gian

Trong cuộc đời công tác của mình, ông Tăng Bá Hoành, Chủ tịch Hội Sử học tỉnh, nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh đã tham gia nhiều cuộc khai quật khảo cổ học, hàng trăm cuộc khảo sát, điền dã. Với ông mỗi lần khai quật, khảo sát, điền dã là một lần vén lớp bụi thời gian, làm sống dậy những câu chuyện lịch sử, văn hóa đã bị chôn vùi.

Quả vậy, ai đến Bảo tàng tỉnh đều ấn tượng với hơn chục khẩu thần công uy nghi được trưng bày ở cổng vào. Ít ai biết nó là minh chứng cho sự hùng mạnh của Thành Đông trong lịch sử. Ông Tăng Bá Hoành cho biết: Thời Nguyễn, Thành Đông là một vùng quân sự quan trọng bảo vệ kinh thành. Cùng với binh lính hùng hậu, Thành Đông được biên chế 70 khẩu súng thần công. Khi Pháp tấn công khiến Thành Đông thất thủ rồi bị phá hủy vào năm 1889, tất cả chìm vào quên lãng. Dấu ấn lịch sử đó chỉ tình cờ phát lộ khi thi công quốc lộ 5 tại khu vực Ghẽ (Cẩm Giàng) cách đây gần 30 năm. “Khi tôi cùng anh em Bảo tàng tỉnh đến nơi thấy tại hố đào bên bờ sông, các khẩu súng thần công phát lộ nằm lộn xộn. Sau khi nghiên cứu phát hiện các khẩu súng đó đều được đúc vào thời Minh Mệnh. Có thể khi Thành Đông thất thủ, quân ta đã đẩy súng xuống sông trước khi rút về kinh thành”, ông Hoành nhớ lại. 

Một phát hiện khảo cổ quan trọng làm ông Hoành nhớ mãi là vào năm 1979, khi ông tham gia khai quật tại khu vực tháp mộ Tam tổ Huyền Quang, chùa Côn Sơn (Chí Linh). Từ cuộc khai quật, ngôi tháp cổ hình vuông với 13 loại hoa văn điển hình thời Trần được xây dựng ở thế kỷ 14 đã được phục dựng. Đợt khai quật đó còn phát hiện khu vực Thanh Hư động - nơi có tư dinh của quan Tư đồ Trần Nguyên Đán và nền nhà Nguyễn Trãi. Hiện ngôi Đăng Minh Bảo tháp được xếp vào loại tháp mộ đẹp và độc đáo nhất Việt Nam. 

Qua khảo cổ trên địa bàn tỉnh đã phát lộ các loại hình mộ cổ từ thời tiền sử đến thời Nguyễn. Tiêu biểu là 2 mộ cổ thế kỷ 1 trước công nguyên phát hiện ở Kiệt Thượng, Văn An (Chí Linh) năm 2001 còn nguyên đồ tùy táng bằng đồng. Đặc biệt, ngôi mộ Hán với niên đại năm 130 hiện được trưng bày trong khuôn viên Bảo tàng tỉnh là mộ Hán cổ duy nhất của cả nước có niên đại tuyệt đối. Ông Vũ Đình Tiến, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: "Bổ sung vào kho tàng vô giá này, vừa qua Bảo tàng tỉnh đã khai quật phát hiện một ngôi mộ hợp chất thế kỷ 18 tại khu vực Hảo Thôn, xã Đồng Lạc (Nam Sách). Cùng thời gian, Hội Khảo cổ học Việt Nam phối hợp với Bảo tàng tỉnh khai quật Hang Dê, Minh Tân (Kinh Môn) phát hiện di cốt thuộc giai đoạn sơ kỳ kim khí, cách nay khoảng 3.000-3.500 năm. Điểm độc đáo là khi phát hiện nhũ đá trải qua hàng nghìn năm đã phủ trùm lên di cốt". 

Kho di sản vô giá 

Phát hiện về gốm sứ cũng là thành tựu lớn của khảo cổ học Hải Dương. Năm 1983, từ các mảnh gốm phế thải được phát hiện tình cờ trong điều tra về nghề dệt chiếu ở thôn Chu Đậu, xã Thái Tân (Nam Sách), liên hệ với dòng chữ Hán ghi trên vai bình gốm hoa lam trưng bày tại Bảo tàng Tokapi Saray ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) đã phát hiện ra gốm Chu Đậu và mở ra chương mới trong lịch sử nghiên cứu gốm cổ thời Lê ở miền Bắc. Từ năm 1986 đến nay, Bảo tàng tỉnh cùng các cơ quan chuyên ngành khảo cổ trong, ngoài nước tiến hành 7 lần khai quật về gốm cổ, phát hiện Hải Dương có 14 trung tâm sản xuất gốm, trong đó có Chu Đậu. Ông Vũ Đình Tiến vẫn nhớ như in cuộc khai quật khảo cổ học tại Chu Đậu cuối năm 2014. Cuộc khai quật diễn ra khi Tết Nguyên đán đang đến gần. Suốt một tháng mưa rét, ông Tiến cùng anh em có mặt tại hố khai quật để bóc dỡ từng tầng địa chất. Qua khai quật, ngoài phát hiện lò nung cổ còn thu về gần 1 vạn hiện vật như bao nung, đồ gốm men, con kê, chồng dính... làm rõ lịch sử hình thành gốm Chu Đậu khoảng đầu thế kỷ 15, lụi tàn vào khoảng nửa cuối thế kỷ 16, thời nhà Mạc. 

Theo ông Tiến, Hải Dương rất giàu có về tiềm năng khai quật khảo cổ học. Mỗi cuộc khai quật, Bảo tàng tỉnh được bổ sung từ vài trăm đến hàng nghìn hiện vật. Chỉ tiếc do kinh phí dành cho khai quật khảo cổ học hạn hẹp nên đến nay nhiều giá trị văn hóa, lịch sử vẫn bị chôn vùi dưới lòng đất.

Các cuộc khảo cổ học còn là căn cứ quan trọng để các địa danh, công trình văn hóa được tu bổ, tôn tạo, ghi vào lịch sử. Mỗi lần du khách trầm trồ về tòa Cửu phẩm Liên hoa chùa Côn Sơn khánh thành năm 2017, các cán bộ Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc lại nhớ đến cuộc khai quật khảo cổ học gian nan dịp Tết Ất Mùi 2015. Đây là cuộc khai quật tìm cơ sở khoa học để phục dựng tòa Cửu phẩm Liên hoa. 

Cũng từ những khảo sát, năm 1992, Hải Dương đã khoanh vùng bảo tồn được hệ thống hang động ở Kinh Môn. Trong đó, tại di tích Nhẫm Dương (Kinh Môn) đã phát lộ đồ đồng văn hóa Đông Sơn, rìu mài văn hóa Hạ Long và sớm hơn là hòn mài thuộc văn hóa Bắc Sơn. Vào năm 2000, tại hang Thánh Hóa, chùa Nhẫm Dương, qua khảo cổ học đã phát hiện 37 loại tiền cổ từ thời đầu công nguyên đến thời Quang Trung cùng răng đười ươi, xương động vật hóa thạch trên vách động có niên đại cách nay 3-5 vạn năm. Từ những phát hiện quý báu đó cuối năm 2017, quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt...

NGUYÊN DÃ