Xuất khẩu bứt tốc

Kinh tế - Ngày đăng : 10:24, 04/02/2019

Nằm trong nhóm những địa phương có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao của cả nước, năm qua, các doanh nghiệp của tỉnh tiếp tục bứt tốc về sản lượng cũng như giá trị hàng hóa xuất khẩu.

Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của Công ty TNHH Kefico Việt Nam tăng 40 triệu USD

Vượt 6 tỷ USD

Câu chuyện trong giờ nghỉ trưa của công nhân Công ty TNHH Kefico Việt Nam ở khu công nghiệp Đại An (TP Hải Dương) khá rôm rả. Một công nhân vui vẻ nói với chúng tôi: "Năm nay, công ty làm ăn được nên ai cũng vui. Tết này chúng em có thể sẽ được thưởng to". Chị Đỗ Thị Phương Nhung, cán bộ Phòng Hành chính nhân sự của công ty cũng hồ hởi: “Kim ngạch xuất khẩu năm 2018 không chỉ tăng cao mà công  ty còn chinh phục được nhiều thị trường mới. Những thị trường lớn vừa mới tiếp cận như Mỹ và Ấn Độ sẽ giúp doanh nghiệp tăng năng lực sản xuất, khẳng định thương hiệu sản phẩm công nghệ cao trên thị trường thế giới". Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của Công ty TNHH Kefico Việt Nam đạt 275 triệu USD, tăng 40 triệu USD so với năm 2017. Đầu năm 2019, dự kiến nhà máy số 2 đi vào hoạt động sẽ giúp việc cung ứng sản phẩm ở những thị trường mới tốt hơn.

Xuất khẩu năm nay không chỉ khởi sắc ở những doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mà ngay ở những doanh nghiệp trong nước cũng gặt hái được nhiều thành công. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của Công ty CP May II Hải Dương tăng khoảng 20% so với năm 2017. Không chỉ tăng giá trị sản phẩm tại những thị trường quen thuộc như Nga, Đức, Mỹ mà ở những nơi sản phẩm của doanh nghiệp vừa mới tiếp cận cũng được đánh giá cao. Ông Đinh Trịnh Dũng, đại diện doanh nghiệp cho biết năm nay xuất khẩu dệt may vẫn giữ được đà tăng trưởng do doanh nghiệp đã có uy tín đối với khách hàng. Những tác động tích cực từ các hiệp định thương mại tự do đã tạo cú hích lớn cho công nghiệp dệt may, nhờ đó xuất khẩu khả quan hơn.

Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã cán mốc hơn 6 tỷ USD, vượt 10,6% kế hoạch năm và tăng 19% so với năm trước. Cán cân thương mại thặng dư, xuất siêu đạt 467 triệu USD. Theo đánh giá của ông Phạm Thanh Hải, Giám đốc Sở Công thương đây là tín hiệu vui của xuất khẩu, thể hiện sức bật mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong năm qua. Sản phẩm xuất khẩu không chỉ trụ vững ở những thị trường truyền thống mà đang vươn đến những vùng đất mới. Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng đưa sản phẩm của mình xuất khẩu thử nghiệm sang một số quốc gia trong khu vực.

Có được kết quả trên do ngay từ đầu năm tỉnh đã ban hành nhiều giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu. Sở Công thương cùng các sở, ngành liên quan thường xuyên hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chương trình kết nối giao thương, xúc tiến thương mại trong và ngoài nước để phát triển thị trường, nâng cao thương hiệu sản phẩm, từ đó đẩy mạnh xuất khẩu. Đến nay, hàng Hải Dương đã có mặt ở hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hàng hóa của Hải Dương đã chinh phục thành công nhiều thị trường khó tính. Số lượng các doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch tăng. Nhiều ngành hàng chủ lực của tỉnh như may mặc, da giày, sản xuất linh kiện điện, điện tử tiếp tục tăng trưởng mạnh.

Tận dụng lợi thế

Năm 2018, các doanh nghiệp trong tỉnh đã tận dụng được những lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do như: Việt Nam - Hàn Quốc (VK FTA), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU FTA)... Cánh cửa xuất khẩu tiếp tục được mở rộng đối với các doanh nghiệp trong tỉnh khi đầu tháng 11 vừa qua, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được Quốc hội phê chuẩn. Đầu năm 2019, hiệp định này chính thức có hiệu lực. Theo ông Vũ Xuân Hải, Giám đốc Công ty CP May Hải Anh (Bình Giang): "CPTPP là dấu mốc quan trọng trong hội nhập. Nó mở ra một sân chơi rộng lớn và công bằng hơn cho các doanh nghiệp xuất khẩu”.

Với các hiệp định thương mại tự do, các doanh nghiệp Hải Dương có nhiều thuận lợi để gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Nhiều sản phẩm của Việt Nam khi xuất khẩu sang các nước như Nhật Bản, Australia, Canada, Hàn Quốc được hưởng thuế suất 0%, trong khi đối thủ xuất khẩu ở các nước khác không tham gia ký kết hiệp định phải chịu những hàng rào thuế quan khắt khe.

Nhiều chuyên gia đánh giá năm 2019 xuất khẩu sẽ có nhiều thuận lợi khi hàng rào thuế quan tiếp tục được tháo gỡ. CPTPP có hiệu lực cũng sẽ đem lại những lợi thế nhất định cho các doanh nghiệp nước ta. Song cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung dự báo sẽ có những tác động không nhỏ đến nền kinh tế của nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam. Các doanh nghiệp xuất khẩu của Hải Dương cũng không nằm ngoài vòng ảnh hưởng đó. Vì vậy, ngay thời điểm này, các ngành liên quan của tỉnh nên có những giải pháp cụ thể. Hiện nay, vai trò của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân đã được khẳng định. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khu vực này nên các doanh nghiệp tư nhân cũng có thể tham gia chinh phục thị trường xuất khẩu. Tuy vậy, năng lực tài chính của khối doanh nghiệp tư nhân còn có hạn, kinh nghiệm xuất khẩu chưa nhiều. “Tỉnh cần sớm đưa ra được các giải pháp để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tư nhân phát triển, mở rộng thị trường hướng đến xuất khẩu. Cần kịp thời tháo gỡ những vướng mắc về vốn, cơ sở hạ tầng và cơ chế, chính sách đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm xuất khẩu”, ông Vũ Đình Tuyên, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân chế biến gỗ Mạnh Tuyên đề nghị.

HOÀNG ANH

Năm 2018, máy vi tính và phụ kiện là một trong các mặt hàng tăng trưởng mạnh nhất trong nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Hải Dương, đạt hơn 1,2 tỷ USD, chiếm 19,5% giá trị xuất khẩu cả tỉnh và tăng 36,7% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu vẫn là mặt hàng dệt may, da giày với hơn 1,9 tỷ USD, chiếm 29,7% giá trị xuất khẩu cả tỉnh và tăng 12% so với cùng kỳ năm trước.