Tản mạn Ăn & Chơi Tết
Xã hội - Ngày đăng : 08:28, 05/02/2019
Nhiều gia đình vẫn giữ được nét đẹp sum vầy bên nhau trong những ngày Tết
“Mồng Một ăn Tết nhà cha, mồng Hai nhà mẹ, mồng Ba nhà thày”, “Đói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết”… Những câu ca dao tục ngữ trên cho thấy những nét sinh hoạt về vật chất, tinh thần của người Việt xưa trong những ngày Tết. Có một điều rõ nhất, đó là với ông bà ta, cái Tết chỉ gói gọn trong 3 ngày đầu năm âm lịch. Ra nữa chỉ là hội hè, vui xuân. Có lẽ cũng bởi thế mà cái sự ăn Tết, chơi Tết cũng đơn giản như trong một câu đối: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”.
Nay thì rõ ràng là đã khác. Cái khác đầu tiên là Tết đã kéo dài hơn, vì được nghỉ nhiều hơn, nhất là hơn chục năm trở lại đây. Cũng bởi vậy mà cái sự ăn gì, chơi gì trong ít là 6-7 ngày, nhiều là 8-9 ngày ấy đã là cả một chuyện cần bàn.
Trước tiên là nói đến cái sự ăn. Càng đủ đầy, sự ăn lại càng phải chọn lọc. Xưa cả năm, chỉ đến ngày Tết mới có miếng bánh chưng, miếng giò, miếng thịt. Nay thì với nhiều gia đình, bánh chưng, giò chả có thể ăn quanh năm, thậm chí còn phải hạn chế vì lo có chất bảo quản. Với các đồ ăn, thức uống khác cũng vậy. Thế nên cái sự ăn Tết bây giờ có vẻ như có sự phân hóa. Không kể các nhà đại gia, cầu kỳ kén nhiều loại của ngon vật lạ, giới trung lưu bình dân chia thành hai phong cách. Thôi thì vẫn giữ nếp truyền thống, trong nhà ngày Tết ít ra cũng có dăm cái bánh chưng, một hai ký giò các loại và vài con gà làm sẵn để trong tủ lạnh. Vừa để làm cơm cúng ông bà, vừa sẵn sàng để anh em đưa cay khi cùng nâng chén rượu đón xuân. Phong cách thứ hai là hết sức giản tiện, thường thấy ở những gia đình trẻ. Ngày Tết bà chủ nấu sẵn nồi nước dùng, trữ sẵn thịt bò, bánh phở. Trừ những bữa ăn cơm ở hai bên nội ngoại, đến bữa chỉ việc hâm lại nước dùng, chần bánh là có tô phở nóng hôi hổi. Có vị khách gặp bữa được mời tô phở bò tái đủ vị rau thơm, hành chần, thơm mùi tiêu, gừng sau khi đưa vài ly rượu xuân lại cảm thấy thú vị.
Cái sự ăn đã vậy, chơi lại càng phong phú đa dạng hơn. Ngoài một số người, đặc biệt là những người làm cho doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài quanh năm áp lực nên Tết là dịp được xả hơi. Ngủ là một trong những lựa chọn của không ít người trong số này. Ngủ để bù lại những ngày thức khuya dậy sớm liên miên vì bao công việc từ gánh nặng công, tư. Một lựa chọn nhiều hơn của các gia đình trẻ là du lịch trong và cả ngoài nước. Thường thì là sau ngày đầu năm với việc thực thi nghĩa vụ chúc Tết hai bên gia đình nội ngoại, các gia đình trẻ lên đường với những tour du lịch. Ngắn, dài, xa, gần tùy vào túi tiền cũng như thời gian được nghỉ Tết. Dù đi xa, đi lâu hay chỉ một hai ngày, nhưng theo những người trong cuộc chia sẻ, nghỉ Tết bằng cách đó là thật tuyệt vời. Bên cạnh sự trải nghiệm về văn hóa, ẩm thực, thiên nhiên con người những vùng đất mới, đó còn là thời gian các thành viên trong gia đình dành trọn cho nhau những thời gian quý giá được dứt mình ra khỏi áp lực của công việc, học hành. Thêm vào đó cũng là sự giải thoát khỏi những chuyến thăm viếng liên miên trong mấy ngày nghỉ Tết, mà rất nhiều cuộc chỉ là sự đáp lễ một cách hình thức, nhiều khi gây những phiền nhiễu không đáng có, không mong đợi. Những năm gần đây, có thêm một nét đẹp, đa phần là của các bạn trẻ trong dịp Tết: Cùng nhau đem những món quà xuân thiết thực đến với đồng bào dân tộc ít người còn khó khăn vùng Tây Bắc, Việt Bắc. Đó là những chuyến du xuân đón Tết đầy nét nhân văn mà cũng không kém phần bổ ích, lý thú.
Lại nói về chuyện viếng thăm ngày Tết. Đây có lẽ cũng là “khâu” đáng nói đến trong ăn và chơi Tết. Ngoại trừ việc chúc Tết ông bà cha mẹ hai bên nội ngoại, một nét đẹp thể hiện đạo lý và tình cảm mỗi gia đình, những cuộc viếng thăm ngày Tết thường là lễ nghĩa hình thức, nhất là với bạn bè, đồng nghiệp. Không kể những cuộc viếng thăm chúc Tết với động cơ vụ lợi, nhằm “mừng tuổi” một cách có chủ đích, thì đa phần những cuộc thăm viếng là hình thức. Chuyện cũng khá buồn cười, ví như A vừa cùng vợ chồng con cái đến chúc Tết B, đi một vòng về đến nhà đã thấy bầu đoàn nhà B đang đợi trước cửa. Hai bên tay bắt mặt mừng, cùng nói câu cửa miệng: May quá, may quá! Thật ra có lẽ cả hai bên đều thấy không may chút nào. A nghĩ, giá mình về chậm chút nữa thì không phải tiếp khách, có thể tranh thủ mà ngả lưng đôi chút. Còn B tự nhủ giá ta đi nhanh hơn, thì không phải vào ngồi uống trà, cố tìm cái gì đó hay hay của nhà bạn mà khen cho phải phép. Bởi thật ra cả hai đều không có nhu cầu gặp nhau ở thời điểm ấy, mà chỉ là đến và tiếp theo quy tắc: Anh đến tôi thì tôi phải đáp lễ! Chính vì vậy mà những năm gần đây, nhiều cơ quan, nhóm bạn trong các cuộc gặp tất niên thường hẹn nhau: Ngày Tết miễn các cuộc thăm viếng, hẹn nhau tất cả một cuộc vào đầu năm.Thủ trưởng cơ quan và đồng nghiệp chỉ đến chúc Tết những gia đình cán bộ, nhân viên năm trước có người qua đời hay gặp khó khăn, hoạn nạn. Cũng để tránh những cuộc viếng thăm lòng vòng ngày Tết, nhiều khu dân cư, tòa nhà cao tầng… đã tổ chức buổi tống cựu nghênh tân vào một thời điểm thích hợp, có sự góp mặt của tất cả cư dân để cùng chúc Tết nhau. Còn lại thời gian những ngày Tết là dành cho gia đình, họ mạc. Xem ra đó cũng là những nét đẹp ngày xuân nên được nhân rộng.
Cái sự ăn, nhất là chơi Tết đã phong phú, đa dạng cho thấy sự khá lên của đời sống vật chất, tinh thần của số đông người dân. Tuy vậy, chính sự phong phú đa dạng ấy cũng đặt ra yêu cầu chọn lọc, định hướng cho những hoạt động vui chơi lành mạnh, phát hiện, nhân rộng những nét đẹp mới hình thành cũng như bảo tồn, duy trì những nếp đẹp truyền thống trong vui Tết đón xuân của ông bà để lại. Mặt khác, cũng cần quan tâm tuyên truyền, giáo dục và có biện pháp răn đe để xóa bỏ những tệ nạn như rượu chè, cờ bạc, các hủ tục mê tín dị đoan… vẫn tồn tại trong đời sống xã hội, gây nhiều hệ lụy đáng lo ngại.
Với nhịp sống hiện đại đã xuất hiện nhiều phong cách ăn và chơi Tết. Tuy nhiên, tựu trung lại vẫn là làm sao để mỗi cái Tết cổ truyền của dân tộc thực sự đem lại niềm vui, sự thoải mái cho mọi nhà, cũng là thời điểm mỗi người, mỗi gia đình, cả cộng đồng hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.
VIỆT ANH