Gác biển trời cho Tổ quốc vào xuân
Chính trị - Ngày đăng : 12:40, 06/02/2019
Các chiến sĩ tạm biệt đất liền lên đường làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa
Là những đứa con đất Việt, đối với họ Trường Sa là tiếng gọi thiêng liêng, không gì cao quý hơn...
Sẵn sàng lên đường
Đoàn tàu thay quân của Lữ đoàn 416, Vùng 4 hải quân khởi hành khi cơn bão số 1 vừa lướt qua quần đảo Trường Sa. Vì bão mà hải trình phải chậm một ngày so với kế hoạch ban đầu. Nhưng không thể chậm trễ hơn vì đợt gió mùa mới từ phía Bắc đang tràn xuống. Nói như đại tá Nguyễn Công Sơn, Phó Chính ủy Vùng 4 hải quân thì phải “lách sóng mà đi”. Mùa biển động nên việc tránh gió to, sóng lớn là điều không thể.
Chiều cuối năm, quân cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) náo nhiệt hơn thường ngày. Từng tốp bộ đội hành quân từ nhiều đơn vị tập trung tại đây để làm lễ lên đường ra các điểm đảo làm nhiệm vụ. Bộ đội đợt này chủ yếu đến từ các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Trong số thân nhân đến tiễn, chúng tôi gặp người thân của đại úy Phạm Thế Hải (28 tuổi quê ở huyện Yên Định, Thanh Hóa). Đây là năm thứ 3 anh Hải ăn Tết ngoài đảo với đồng đội. Nhưng lần này đặc biệt hơn, tiễn anh còn có người vợ trẻ mới cưới được gần một tháng. Vừa tiếp chuyện chúng tôi anh Hải vừa cười âu yếm, dặn vợ giữ gìn sức khỏe để mình yên tâm công tác. “Chúng tôi yêu nhau nhiều năm nên vợ cũng rất hiểu và tự hào về công việc của chồng. Tôi chỉ mong mọi người ở nhà mạnh khỏe để tôi yên tâm phục vụ Tổ quốc. Còn lính hải quân chúng tôi khó khăn, cách trở đến đâu cũng có thể vượt qua được”, anh Hải chia sẻ. Điều khiến tôi thực sự cảm phục và có phần ngạc nhiên là những cuộc chia tay trên cầu cảng Cam Ranh không hề có nước mắt. Có những đứa trẻ chạy đến ôm hôn bố rồi lại tự quay về với mẹ. Có lưu luyến, có bồi hồi nhưng dường như người đi và người ở đều sẵn sàng tâm thế đón thêm một mùa xuân dù xa cách nhưng trọn nghĩa tình với đất nước.
Sau những tiếng hô điểm quân: “Có” to, dõng dạc, từng tốp cán bộ, chiến sĩ khẩn trương lên tàu để chuẩn bị khởi hành. Trước khi tàu rời cảng, thật tình cờ tôi gặp được đại úy Nguyễn Duy Hải (32 tuổi, quê ở xã Nam Chính, Nam Sách). Năm nay anh Hải được giao làm Chỉ huy phó đảo Thuyền Chài thuộc quần đảo Trường Sa. Từng nhiều năm đón Tết xa nhà nhưng đây là lần đầu anh xa gia đình nhỏ của mình. Có chút bâng khuâng, bịn rịn nhưng trên hết vẫn là quyết tâm lên đường làm nhiệm vụ như bao đồng đội khác. Anh Hải nói: “Ông nội tôi đã hy sinh trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Được tiếp bước cha ông, nhất là được công tác ở đảo là niềm vinh dự lớn đối với tôi. Ở đây tôi sẽ luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ, đóng góp một phần nhỏ bé của mình bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc”. Nhắc đến gia đình riêng, anh Hải vừa cười, vừa nói: “Vợ thì đã quá hiểu công việc của tôi nên tôi hoàn toàn yên tâm công tác. Tôi cũng “thủ” sẵn mấy tấm ảnh của con để thỉnh thoảng mang ra xem cho đỡ nhớ”.
Đơn vị là gia đình
Lúc gặp chúng tôi cũng là gần tròn một năm thượng úy Phạm Ngọc Tú 29 tuổi, quê ở xã Thanh Hải (Thanh Hà) công tác tại đảo Trường Sa lớn. Vì công việc cuối năm khá bận rộn nên anh Tú hẹn và tiếp chuyện chúng tôi ngay bên đường băng Trường Sa. Anh hiện là Đội trưởng Đội bảo đảm kỹ thuật sân bay tại đây. Một nhiệm vụ đầy tự hào nhưng cũng nhiều thử thách đối với người sĩ quan trẻ. Sự an toàn của tất cả chuyến bay đi và đến quần đảo đều có phần đóng góp quan trọng của anh Tú và đồng đội. Anh chia sẻ, năm ngoái, lần đầu tiên đón Tết ở đảo cũng thấy mênh mang nỗi nhớ nhà. Mỗi chuyến bay đến và đi mang theo hơi ấm đất liền ra đảo và mang cả những nhớ nhung của người lính với người thân nơi quê nhà. Vì nhiệm vụ, vì tình yêu Tổ quốc, anh Tú và đồng đội vẫn vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Đặc biệt, dù là người ít tuổi ở đơn vị nhưng được giao nhiệm vụ chỉ huy nên anh Tú luôn xác định phải nghiêm khắc với bản thân, làm gương cho đồng đội. “Đã là người lính thì chúng tôi phải đặt nhiệm vụ lên trên hết. Dù trong hoàn cảnh nào cũng phải hy sinh lợi ích cá nhân, niềm vui riêng để hoàn thành nhiệm vụ, chức trách được giao, xứng đáng với truyền thống bộ đội Cụ Hồ”, anh Tú quả quyết.
Anh Tú cho biết mình vẫn là “lính phòng không”. Hiện chỉ có bố mẹ ở quê vì cô em gái cũng đã lập gia đình riêng. Trước đây còn công tác ở đất liền, mỗi lần nghỉ phép anh Tú đều tranh thủ về thăm gia đình cho bố mẹ yên tâm. Từ khi ra đảo, việc thăm hỏi, động viên giữa anh và người thân chỉ chốc lát qua những cuộc điện thoại. “Cùng với sự động viên của gia đình, anh em trong đơn vị cũng thường xuyên chia sẻ, bảo ban nhau. Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, chúng tôi còn tham gia xây dựng, sản xuất, giao lưu thể thao, văn nghệ nên chẳng có thời gian mà buồn. Xa nhà thì đã có đơn vị là gia đình, là chỗ dựa tinh thần để chúng tôi vượt qua mọi khó khăn, gian khổ”, anh Tú nói. Chính nhờ sự nhất trí, đồng lòng mà đơn vị anh Tú luôn hoàn thành tốt trọng trách của mình, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các chuyến bay tại Trường Sa.
Đồng hành trên chuyến tàu giao quân cuối năm của Vùng 4 hải quân, mỗi người lính tôi gặp đều có những hoàn cảnh, tâm sự riêng. Có tân binh quê ở Hòa Bình đang mong chờ đứa con đầu lòng ra đời. Có anh lính thông tin quê ở Đắc Lắc 18 năm qua mới ăn Tết ở nhà 2 năm. Tạm gác những nỗi niềm riêng, những người lính Trường Sa đã, đang và mãi mãi trở thành những “cột mốc chủ quyền sống” không gì lay chuyển được, giữ vững chủ quyền quốc gia trên biển.
HOÀNG BIÊN